Độc thân hay có đôi có cặp cũng ám ảnh vì Valentine
Là người đang độc thân, đối với Nguyễn Hoa (29 tuổi), ngày lễ Tình nhân (hay còn gọi Valentine, 14/2) thường không được cô chú ý hay để tâm tới.
Dịp Valentine 14/2 năm nay, thị trường hoa, quà sôi động, đắt đỏ
Tuy nhiên năm nay, khi phải đang vật lộn với công việc, cộng thêm áp lực từ những người xung quanh, Hoa thừa nhận cô thấy sợ khi nghĩ đến ngày này.
“Trước nay, tôi vẫn tận hưởng cuộc sống độc thân và không quá áp lực về chuyện phải yêu ai đó, hay lấy chồng, sinh con. Tuy nhiên, ở tuổi gần 30, khi những người xung quanh đều nửa đùa nửa thật xem Valentine này mình được tặng quà gì, đi đâu chơi… tôi thấy áp lực. Tôi cũng dần hình thành tâm lý sợ những ngày lễ, ngày kỷ niệm", Hoa tâm sự.
Trong khi đó, ngay cả khi có bạn gái được 4 năm, Nguyễn Bình (21 tuổi, sinh viên Đại học Bách khoa) cũng thừa nhận anh khá áp lực mỗi dịp Valentine.
"Bạn gái mình không phải là người coi trọng vật chất, nhưng vì yêu nhau lâu, tôi luôn cố gắng tạo bất ngờ cho cô ấy. Nhưng tôi cũng lo sợ tài chính của bản thân không đủ để có thể tặng người yêu những món đồ mà cô ấy thích.
Vì thế, ngay sau kỳ nghỉ Tết, tôi đã cố gắng chăm chỉ làm thêm, không dám nghỉ buổi nào để có thêm tiền dành tặng món quà bất ngờ cho bạn gái", Bình tâm sự.
Khi cuộc sống xã hội đang ngày càng thay đổi, nhiều người còn phải tham gia vào cuộc chạy đua món quà dịp Valentine to hơn, có giá trị kinh tế cao hơn.
Đó là câu chuyện éo le mà K. (30 tuổi, Hà Nội) từng đối mặt với bạn gái cũ. K tâm sự, anh và bạn gái cũ từng cãi nhau vì bạn gái thường nhõng nhẽo đòi những món quà đắt tiền.
"Tôi không phải là người tính toán, đặc biệt với người yêu. Nhưng tôi nghĩ, điều đó khiến người khác cảm thấy áp lực, dù đắt hay rẻ, món quà đều thể hiện thành ý của người tặng.
Tất nhiên, hành động đó của cô ấy không phải là lý do khiến chúng tôi chia tay, nhưng có lẽ cũng là một trải nghiệm để tôi lựa chọn một người đồng hành phù hợp hơn với mình", K cho hay.
Vì sao Valentine bị biến tướng khi du nhập về Việt Nam?
Ngày Valentine của phương Tây là lễ kỷ niệm phổ biến trên thế giới, chỉ đứng sau ngày lễ Giáng sinh và đón năm mới.
Ngày lễ được đặt tên dựa theo Thánh Valentine
Tương truyền, Valentine là tên vị linh mục đã bí mật tổ chức hôn lễ cho các cặp đôi, bất chấp lệnh cấm của Hoàng đế La Mã khi đó với ý đồ xây dựng một đội quân thiện chiến để tham gia các cuộc xâm lược đẫm máu.
Khi Hoàng đế phát hiện sự việc, Valentine bị tử hình bằng cách kéo lê, ném đá trên đường phố cho đến chết vào ngày 14/2/273.
Từ đó trở đi, ông được xem như vị thánh tình yêu; ngày 14/2 hàng năm trở thành Valentine’s Day-ngày các cặp tình nhân thể hiện tình yêu với nhau thông qua những món quà truyền thống như thiệp, hoa hồng, chocolate…
Theo TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình, ngày lễ Valentine du nhập vào Việt Nam từ nhiều năm trước và càng ngày càng trở nên phổ cập trong đời sống xã hội, đặc biệt là với giới trẻ, bởi đây là dịp để họ thể hiện tình yêu với một nửa của mình.
Thực tế hiểu như vậy là chưa đầy đủ, chữ “tình nhân” ở đây có ý nghĩa rộng hơn nhiều, đó là “tình yêu thương”. Không chỉ tình yêu đôi lứa, trong ngày này, người ta còn tổ chức trao tặng hoa cho cả những đối tượng thiệt thòi, kém may mắn thuộc đủ mọi lứa tuổi và giới tính.
"Tôi thật buồn, khi vào dịp ngày lễ Valentine, báo chí lại tràn ngập các thông tin như: “Cháy nhà nghỉ vì Valentine”, "Giới trẻ "nườm nượp" đi khám bệnh lây qua đường tình dục sau Valentine", "Chia tay vì không tặng quà Valentine", "Ám ảnh vì ngày Valentine"...
Sự biến tướng của Ngày lễ tình nhân làm mất đi ý nghĩa lãng mạn, ngọt ngào ban đầu. Nguyên nhân bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết, suy nghĩ lệch lạc và thái độ a dua theo trào lưu.
Tức là, chúng ta tiếp thu văn hóa nước ngoài nhưng chỉ tiếp thu hình thức bên ngoài, những gì không thuộc về bản chất được khai thác rất sâu và thể hiện một cách thái quá mà không tìm hiểu những tầng lớp giá trị văn hóa sâu dày của lễ hội ấy", ông Bình đánh giá.
TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình
Để ngày lễ Valentine không trở thành nỗi ám ảnh hay bị biến tướng một cách tiêu cực, vị TS Xã hội học cho rằng, trong cộng đồng xã hội, trong các bậc phụ huynh học sinh và trong nhà trường phải có định hướng đúng về ý nghĩa thiêng liêng của ngày lễ này.
Các trường, lớp tổ chức nói chuyện, để các em tự bàn luận về ngày lễ Valentine, thông qua các hoạt động cụ thể. Đặc biệt, trong bối cảnh xu hướng cởi mở trong vấn đề tình dục ngày càng phổ biến, công tác giáo dục giới tính vẫn nên được chú trọng.
"Thế giới đang trở thành “một ngôi nhà chung”, sự giao thoa các nền văn hoá là tất yếu, vấn đề là phải tiếp thu những điều tinh túy, phát huy đẹp hơn, hay hơn. Có như vậy, ngày lễ Valentine sau khi vào Việt Nam dù được biến hình, nhưng vẫn đẹp", ông Trịnh Hòa Bình bày tỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận