Chiêu trò giật bình luận ra khỏi ngữ cảnh để đưa lên tít |
Báo chí điện tử thế giới đang chuyển mình dữ dội để chạy đua với sự phát triển chóng mặt của mạng xã hội bởi không chỉ thông tin nhanh nhạy, chính xác mà còn phải hấp dẫn đủ sức “câu lượt xem” (câu view). Chính vì yếu tố thứ 3 này mà không ít lần báo điện tử kể cả những tờ báo lớn như: CNN, New York Times... cũng sa đà vào giật tít giật gân, đặc biệt là bóc tách ý ra khỏi ngữ cảnh để đưa lên tít gây hiểu nhầm và tranh cãi.
Tranh cãi vì giật tít người tị nạn là “động vật”
Mới đây nhất, truyền thông Mỹ và Nhà Trắng đã xung đột với nhau vì nhiều tờ báo điện tử tách bình luận về một số người tị nạn bất hợp pháp là “động vật”, “không phải là con người” của Tổng thống Mỹ Donald Trump ra khỏi ngữ cảnh và giật lên tít hoặc chia sẻ link bài báo lên mạng xã hội Twitter cùng vài dòng thông tin gây chú ý mà không đưa thêm bối cảnh sự việc.
Chẳng hạn, một dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter chính thức của hãng tin Associated Press (AP) viết: “Ông Trump đề cập tới những người vượt biên giới Mỹ bất hợp pháp là “động vật” và chỉ trích luật vệ sinh của bang là “chết người”.
Một tài khoản Twitter khác của báo New York Times nói: “Ông Trump chỉ trích người tị nạn bất hợp pháp trong một cuộc họp tại Nhà Trắng, gọi những người tìm cách vượt biên là “động vật”.
Trong bài báo viết về sự việc này, tờ New York Times giật tít: “Trump chỉ trích, gọi người nhập cư trái phép là động vật”. Trong nội dung bài, phần đầu tờ báo uy tín của Mỹ viết, ông Trump lên án người nhập cư trái phép và cảnh báo trước ống kính phóng viên rằng, những con người nguy hiểm đó đang hô hào nhau vượt biên Mỹ và gọi họ là “động vật”.
Phải đến đoạn thứ ba và thứ tư của bài viết, New York Times mới đưa bối cảnh của bình luận vào. Ngoài các tờ báo kể trên còn nhiều tờ báo khác như: CNN, CBS News và NBC News cũng đăng tải tương tự.
Thực chất, bình luận của ông Trump về người nhập cư được đưa ra trong một cuộc họp bàn tròn tại Nhà Trắng về chủ đề nhập cư và cái gọi là “những thành phố vệ sinh”. Phàn nàn tại cuộc họp về sự nhầm lẫn của những mức độ thực thi pháp luật khác nhau, Cảnh sát trưởng quận Fresno - ông Margaret Mims nhắc đến băng nhóm tội phạm bạo lực Mara Salvatrucha, hay còn được biết với cái tên MS-13, trong đó hầu hết là người nhập cư.
Nói ngay sau ông Mims, Tổng thống Mỹ bình luận: “Có rất nhiều người vào đất nước chúng ta hoặc cố tình vượt biên. Chúng ta đã ngăn chặn được khá nhiều người trong số họ và đang cố gắng đưa những người nhập cư trái phép ra khỏi đất nước. Bạn sẽ không tin họ là những người tồi tệ đến mức nào. Những kẻ đó không phải là người mà là động vật. Chúng ta sẽ đưa những kẻ đó ra khỏi đất nước ở mức độ và tỉ lệ chưa từng có”.
Sau khi sự việc gây rúng động dư luận Mỹ, thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders đính chính, khi đưa ra bình luận, thực chất ông Trump đề cập tới băng nhóm MS-13 và một số tờ báo phải buộc lên tiếng giải thích hoặc xóa những dòng tiêu đề, trạng thái đã đăng trước đó.
Trong đó, người phát ngôn hãng thông tấn AP khẳng định, họ đã xóa thông tin đưa trên Twitter và giải thích vì họ đã không nói rõ bối cảnh ông Trump đưa ra bình luận. Người phát ngôn CNN cho biết, hãng tin này đã làm rõ thông tin trong các tweet sau đó và toàn bộ ngữ cảnh của bình luận đã được đưa phù hợp trong bài viết được dẫn link trên Twitter.
Tuy nhiên, đại diện tờ báo nổi danh The Washington Post khẳng định, “cả tít và nội dung bài viết của họ đều chính xác”. Đây là sự việc mới nhất điển hình cho chiêu trò tách ý, giật tít câu view gây phản cảm và dấy lên tranh cãi liệu báo chí có nên giật một câu nói lên tít tại Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung.
Bình luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump được tách để dẫn lên Twitter câu view cùng link bài viết về sự việc |
Kiện hoặc phạt các trang báo vi phạm
Ông Phil Corbett, biên tập viên kiêm người phụ trách xác lập tiêu chuẩn cho tờ New York Times cho rằng: “Rõ ràng, chúng tôi nên trích dẫn ngôn ngữ trực tiếp, chứ không phải dẫn lên cả đoạn”.
Song, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, báo chí cần phải có trách nhiệm làm rõ và chính xác từng trích dẫn. Ông Patrick Mcdonnell, luật sư đến từ Philadelphia, Mỹ cho biết, báo chí có luật phỉ báng. Bất cứ tờ báo nào cũng có thể bị kiện nếu Tổng thống hoặc các nhân vật của công chúng khác chứng minh tờ báo đó “biết và cố tình làm tổn hại” danh tiếng của họ khiến họ bị tổn hại hoặc bất lợi.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, trước tình trạng báo điện tử giật tít phản cảm, câu view, gây hiểu nhầm,… từ năm 2017, Cơ quan Không gian mạng Trung Quốc (CAC) có trách nhiệm quản lý internet của Trung Quốc đã thực hiện chiến dịch quét sạch những bài viết câu view gây hiểu nhầm hoặc nhạy cảm trên báo điện tử.
Một số trang tin như: Sina, Sohu, NetEase và Ifeng đã bị phạt vì vi phạm nghiêm trọng quy định tít báo điện tử - Cơ quan Không gian mạng Trung Quốc (CAC) cho biết. Tất cả các trang tin điện tử thận trọng tuân thủ đạo đức báo chí, cấm toàn bộ tít báo cố tình bóp méo ý nghĩa ban đầu.
CAC cho biết, báo điện tử không được phép rút bình luận ra khỏi ngữ cảnh để giật lên tít, tạo tin đồn thất thiệt hoặc phóng đại. CAC cho biết, họ sẽ vẫn duy trì lập trường đối với hành vi sai trái trên mạng xã hội và khuyến khích người dân khiếu nại qua trang web của cơ quan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận