Vận tải

Vận tải khách “chết lâm sàng” vì Covid-19

19/05/2021, 06:49

Nhiều doanh nghiệp vật lộn trong vòng xoáy nợ nần tiếp tục cắt giảm nhân công, tìm cách bán bớt phương tiện, thu hẹp hoạt động để mong cầm cự.

img

Cảnh tượng vắng vẻ tại Bến xe Giáp Bát do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 (Chụp chiều 18/5). Ảnh: Tạ Hải

Không còn là tình cảnh lao đao như những đợt dịch trước đây, phải gọi là bi đát mới có thể phản ánh đúng những gì mà các đơn vị kinh doanh vận tải và người lao động đang phải đối mặt khi đợt dịch thứ 4 bùng phát.

Nhiều doanh nghiệp vốn đã rất khó khăn, vật lộn trong vòng xoáy nợ nần nay phải tiếp tục cắt giảm nhân công, tìm cách bán bớt phương tiện, thu hẹp hoạt động để mong cầm cự. Đời sống của hàng trăm nghìn lao động cũng vì thế mà bị ảnh hưởng rất lớn.

Tằn tiện sống qua ngày

Nhiều tháng nay, Covid-19 trở thành nỗi ám ảnh, thậm chí đi cả vào trong giấc ngủ của gia đình anh Lê Viết Tuấn, lái xe taxi Mai Linh.

“Gần 2 năm qua, các đợt dịch liên tiếp nối nhau, đợt dịch thứ ba qua chưa bao lâu, đợt dịch thứ 4 lại xuất hiện. Thu nhập của tôi từ 30 triệu đồng/tháng hiện chỉ còn khoảng 9 triệu đồng/tháng. Sau khi chu cấp cho cô con gái đang học đại học, số còn lại chỉ giúp gia đình cầm cự những bữa ăn qua ngày”, anh Tuấn kể và chia sẻ, hơn nửa năm nay, chiếc tivi hỏng màn hình, gia đình vẫn chưa có tiền để thay. Kế hoạch thay thế chiếc tủ tường mối mọt cũng chưa thể thực hiện.

Cùng cảnh, tài xế Nguyễn Văn Bình, lái xe cho hãng vận tải Sao Việt chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai cũng đang “đứng ngồi không yên” khi dịch bùng phát lần thứ tư, thu nhập từ nghề lái không còn.

“Dịch trở lại, khách giảm mạnh, gần 90 lái xe phải làm việc với chế độ luân phiên. Thu nhập vì thế giảm mạnh, từ 17 - 18 triệu đồng/tháng giờ chỉ lay lắt với mức lương 2 - 3 triệu đồng”, anh Bình than.

Thu nhập giảm, kinh tế gia đình chủ yếu đến từ công việc bán hàng nước, tạp hóa và bán hàng online hoa quả của vợ. Thế nhưng, vợ anh lại chuẩn bị sinh cháu thứ hai nên gánh nặng tài chính càng nặng nề hơn. Vì lẽ đó, anh đang tính bỏ nghề tài xế, xin việc khác để có nguồn thu nhập ổn định hơn.

Tương tự, trường hợp của anh Phạm Tấn Luyện, 50 tuổi, lái xe Công ty TNHH Kinh doanh vận tải Sơn Tùng (TP Quy Nhơn, Bình Định). Đã có 6 năm gắn bó với Công ty Sơn Tùng, song chưa khi nào anh rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay.

Anh có hai đứa con nhỏ, một đứa 10 tuổi bị bại não phải nằm liệt giường, đứa thứ hai 8 tuổi cũng không may mang trong mình chứng u thận từ lúc mới sinh. Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, việc ít dần, số tiền dành dụm trước kia đều dồn hết vào chạy chữa bệnh cho hai con nên gia đình anh phải chạy ăn từng bữa.

“Những đợt dịch trước, tôi còn tranh thủ làm phụ hồ để kiếm tiền trang trải. Tuy nhiên, lần này khi hoạt động vận tải bị dừng, tất cả chúng tôi đều phải tự cách ly tại nhà, không thể làm được bất cứ việc gì khác”, anh Luyện âu lo.

Theo ông Trần Sơn Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh vận tải Sơn Tùng, hiện tất cả các lái xe, phụ xe của công ty từng ở Đà Nẵng về đều được yêu cầu cách ly tại nhà. Dù tạm dừng hoạt động, không có doanh thu nhưng công ty vẫn đang xem xét hỗ trợ mỗi nhân viên 2 triệu đồng trong thời gian cách ly để họ vơi bớt khó khăn.

Hoàn cảnh của anh Tuấn, anh Bằng, anh Luyện cũng là tình trạng chung của hàng trăm nghìn tài xế xe khách liên tỉnh, taxi, xe buýt hiện nay. Nhiều người trong số đó thậm chí đã bị mất việc từ lâu.

Nguy cơ phá sản nếu dịch bệnh kéo dài

Do dịch bệnh phức tạp, tình hình tài chính khó khăn, rất nhiều doanh nghiệp vận tải khách đã phải cắt giảm nhân công, cắt giảm chuyến/lượt để tiết giảm chi phí, thậm chí có doanh nghiệp vận tải hành khách cắt giảm đến 75% phương tiện xuất bến.

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, đơn vị sở hữu hãng xe Sao Việt than: “Chúng tôi đang đau đầu tìm cách trả khoản nợ và lãi gần 1 tỷ đồng cho một ngân hàng do chính sách giãn nợ hỗ trợ Covid-19 đã hết hiệu lực”.

Theo ông Bằng, từ đầu tháng 5/2021 đến nay, 100% xe khách của đơn vị gần như dừng hoạt động do không có khách. Doanh nghiệp có 100 xe, chỉ có 2, 3 xe chạy để duy trì tuyến. Hiện một chuyến xe từ Hà Nội - Lào Cai chỉ thu được 2 triệu đồng, trong khi chi phí vận hành tốn khoảng 7,5 triệu đồng/chuyến.

“Cứ chạy là lỗ, mà không chạy thì khách bỏ, mất lốt. Mỗi tháng doanh nghiệp phải bù lỗ từ 8-10 tỷ đồng để duy trì tuyến, thuê trụ sở, trả nợ ngân hàng và thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động. Doanh nghiệp đã cạn quỹ dự phòng để gồng gánh, nếu các ngân hàng tiếp tục truy nợ, thu lãi, doanh nghiệp buộc phải gán nợ bằng xe. Cứ thế này chúng tôi buộc phải cắt giảm nhân sự”, ông Bằng cho biết thêm.

Chủ một nhà xe tại bến xe Miền Đông, TP HCM cũng than thở: “Chúng tôi đã chịu thiệt hại suốt 2 năm nay vì dịch. Ngay cả khi dịch được kiểm soát nhưng lượng người đi lại ít, thu không đủ bù chi cho một chuyến đi chứ đừng nói là bù lỗ cho những ngày xe nằm không. Doanh nghiệp nào vay nợ ngân hàng, không còn khoản khác bù lại thì chỉ có nước phá sản. Ở đây cũng có một số nhà xe đã bỏ tuyến, rao bán xe”.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty CP Thương mại và du lịch Hà Lan (Thái Nguyên) cho hay, doanh nghiệp đã phải giảm đến 60% số phương tiện, người lao động phải đi làm thay phiên. Dù phương tiện dừng hoạt động nhưng vẫn phải chi phí tiền lãi ngân hàng, khấu hao, bảo dưỡng sửa chữa đợi khi hết dịch mới có xe hoạt động.

“Doanh nghiệp vận tải đang đứng trước nguy cơ phá sản nếu dịch bệnh kéo dài, không được hỗ trợ kịp thời bằng việc khoanh, giãn nợ cho doanh nghiệp”, ông Hà nói.

Với các doanh nghiệp taxi, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho hay, hiện các doanh nghiệp chỉ duy trì hoạt động khoảng 50% số xe, doanh thu cũng giảm quá nửa. Đơn cử, như Công ty Mai Linh doanh thu đã giảm 60%, kể từ đầu tháng 5, người lao động chỉ được hơn 1,7 triệu đồng cho 15 ngày lao động.

Doanh nghiệp cần gì để phục hồi?

Từ năm 2020, Chính phủ ban hành gói hỗ trợ các nhóm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo ông Hùng, doanh nghiệp muốn được hỗ trợ phải trình đủ thứ giấy tờ như: chứng minh doanh nghiệp đóng cửa từ 30 ngày trở lên, không phát sinh doanh thu, có tối thiểu 70% lao động nghỉ việc...

“Với các điều kiện này, doanh nghiệp đã phá sản rồi, làm sao để được tiếp cận nguồn vốn? Đến thời điểm này các doanh nghiệp chưa tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ từ các gói 62.000 tỷ, gói 6.000 tỷ hay 4.200 tỷ. Chủ trương là ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn để trả lương, nhưng lại yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Tài sản thế chấp là ô tô nhưng xe đã cũ nên ngân hàng định giá rất thấp nên doanh nghiệp không tiếp cận nổi”, ông Hùng cho hay.

Ông Nguyễn Mạnh Hà cũng cho biết, vận tải có 3 loại chi phí lớn nhất là nhiên liệu, nhân công và lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, đến nay hầu như doanh nghiệp chưa nhận được gì từ các chính sách hỗ trợ. Đơn cử, năm 2020, các ngân hàng chưa hỗ trợ nhiều về lãi suất cho doanh nghiệp.

“Chúng tôi đã gửi văn bản phản ánh đến Ngân hàng Nhà nước về việc nhiều lần gửi văn bản cho ngân hàng ACB đề xuất hỗ trợ giảm lãi, mời đến công ty kiểm tra tài sản chia sẻ khó khăn nhưng chưa bao giờ nhận được phản hồi”, ông Hà cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN, hầu hết các doanh nghiệp vận tải không thực hiện được các thủ tục để xin hỗ trợ, bởi không thể đáp ứng đủ các điều kiện đặt ra. “

Ông Nguyễn Công Hùng cho rằng, trên cơ sở các gói hỗ trợ hiện có, các ngân hàng cần cho doanh nghiệp vay theo hình thức tín chấp theo gói vay ngắn hạn với lãi suất ưu đãi để họ nhanh chóng có tiền trả lương cho người lao động và quay vòng sản xuất. Hiện rất nhiều người lao động không có việc làm hoặc có việc nhưng thu nhập rất thấp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không có doanh thu nhưng vẫn phải duy trì bộ máy vận hành.

“Cùng đó, cần miễn đóng bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp, miễn thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp, có như vậy họ mới có điều kiện phục hồi”, ông Hùng đề xuất.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hà, hiện nay xe dừng hoạt động doanh nghiệp phải vẫn chi phí nhiều khoản, trong đó có lãi suất. Vì vậy, ngân hàng cũng cần chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp bằng việc giảm lãi suất 50% và giãn thời gian trả nợ gốc.

“Lao động nghỉ luân phiên nhưng để giữ chân lao động, doanh nghiệp vẫn phải trả bảo hiểm xã hội và hỗ trợ một phần lương. Nhà nước cần trích một khoản trong khoản hỗ trợ 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho những lao động thuộc doanh nghiệp dừng hoạt động bằng với mức lương cơ bản. Chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, dễ thực thi, tránh đánh đố doanh nghiệp”, ông Hà đề xuất.

Đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ

Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), Bộ GTVT đã đề xuất một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và đề nghị Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng.

Theo đó, đề xuất cho phép kéo dài chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa. Hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán cho các doanh nghiệp.

Đối với đường sắt, kiến nghị cho phép lùi thời gian thực hiện Nghị định số 65/2018 niên hạn sử dụng đầu máy, toa xe thêm 3 năm...

Với doanh nghiệp vận tải, kiến nghị cho phép kéo dài hiệu lực của Thông tư số 112/2020 về mức thu một số khoản phí, lệ phí đến hết năm 2021; kéo dài thời gian giảm 30% phí bảo trì đường bộ đối với xe khách và 10% với xe tải đến hết năm nay.

Đồng thời, giảm thuế giá trị gia tăng về 0%, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp bị thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch, cho giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng đến hết năm 2021. Bên cạnh đó, không thu phí đậu, đỗ, đón khách tại sân bay, nhà ga, bến cảng và giảm 50% giá dịch vụ qua bến.

Ngân hàng Nhà nước VN và các ngân hàng thương mại tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vận tải bằng việc giảm hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay. Giãn nợ bao gồm cả gốc và lãi từ 6 - 12 tháng cho các doanh nghiệp vận tải...

Nhóm PV

Chia sẻ khó khăn với người lao động

Theo ông Văn Công Điểm, Tổng giám đốc Công ty CP Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines, hiện nay theo quy định, mỗi chuyến xe không được chở quá 50% lượng khách/số ghế. Nhưng thực tế người dân cũng hạn chế đi lại vì dịch bệnh nên lượng khách trên xe cũng không có đủ 50% số ghế mà chạy. Vì thế, cứ một chuyến xe lăn bánh là doanh nghiệp lại tiếp tục bị “lỗ chồng lỗ”. Con số lỗ không tính nổi, mỗi năm có thể lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Theo ông Điểm, dù chịu lỗ song doanh nghiệp cũng không thể cắt lỗ bằng cách cho xe ngừng hoạt động. “Nếu doanh nghiệp nào cũng bỏ tuyến thì những nhu cầu thiết thực của người dân sẽ thế nào?”, ông Điểm nói và cho biết, do có nhiều mảng khác hỗ trợ nên Phương Trang - FUTA Bus Lines có giải pháp sắp xếp phù hợp, nhất là về nhân sự. Vì thế công ty vẫn duy trì toàn bộ số lượng hơn 7.000 nhân viên, trả lương, thưởng bình thường. Công ty thậm chí còn ứng tiền lương sớm cho nhân viên khi cần thiết để chia sẻ khó khăn.

Yên Trang

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.