Giao thông

Vận tải ven biển tăng gần 4 lần, phí thấp

14/12/2017, 06:11

Với lợi thế chi phí chỉ bằng 1/3 đường bộ nên chỉ sau 3 năm triển khai tuyến vận tải ven biển...

1

Nhờ việc mở tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Kiên Giang, hoạt động bốc xếp tại các cảng khu vực Đồng bằng sông Cửu Longngày càng tấp nập ( Trong ảnh: Bốc xếp container xuất nhập qua cảng Tân Cảng - Thốt Nốt ) - Ảnh: ĐTNĐ

Cả nước hiện có hơn 1.500 tàu SB

Con số này được Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Trần Bảo Ngọc khẳng định tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 3 năm triển khai tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Quảng Bình - Bình Thuận - Kiên Giang dành cho tàu pha sông biển cấp VR-SB diễn ra sáng qua (13/12).

“Một năm sau khi tuyến ven biển đầu tiên hoạt động (tháng 7/2014), có gần 600 tàu SB tham gia tuyến với sản lượng vận tải hàng hóa chỉ đạt hơn 6 triệu tấn. Đến năm thứ 2, con số này đã tăng lên hơn 17 triệu tấn và đạt hơn 23 triệu tấn vào năm thứ 3. Như vậy, sản lượng vận tải tăng gần 4 lần (400%) so với năm đầu tiên mở tuyến” - ông Ngọc nói và cho biết thêm: Tính đến tháng 10/2017, tổng số có hơn 1.500 tàu SB hoạt động trên tuyến, với tổng sản lượng đạt hơn 46,8 triệu tấn hàng hóa, góp phần từng bước giảm tải cho vận tải đường bộ, thực hiện tốt chiến lược phát triển dịch vụ vận tải, thúc đẩy tái cơ cấu lĩnh vực vận tải, tạo sự kết nối trong vận tải.

"Cục, Vụ liên quan cần rà soát, nghiên cứu xem có sự “vênh” nhau giữa vận chuyển bằng tàu SB và tàu biển cấp hạn chế III không, để có những xem xét, điều chỉnh cho phù hợp. Cơ quan QLNN cần tạo điều kiện thuận lợi nhất, tốt nhất nhưng cũng đảm bảo phát triển vận tải bền vững, gắn liền với đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng con người”.

Thứ trưởng Bộ GTVT
Nguyễn Nhật

Đồng quan điểm, ông Vũ Đức Then, Giám đốc Công ty Vận tải biển Xuân Trường cho hay: Trước khi mở tuyến, cũng có những băn khoăn liệu việc mở tuyến có gây ra sự chồng lấn đường biển, đường thủy không. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy hiệu quả tích cực, sản lượng vận tải tăng, phương tiện tăng nhanh và thực sự mang lại lợi ích cho nền kinh tế.

Đại diện một số doanh nghiệp khác cũng khẳng định lợi ích mà tuyến vận tải ven biển mang lại là giảm tải đáng kể cho đường bộ, tạo sự cạnh tranh trong vận tải trên các chặng xa và giảm chi phí vận tải.

Cụ thể, lượng hàng hóa hơn 46,8 triệu tấn được vận chuyển bằng tàu SB trong 3 năm qua, nếu được vận chuyển bằng xe trọng tải 30 tấn, sẽ tương đương với hơn 1,5 triệu lượt xe trên các chặng đường vài trăm kilomet. Điều này cũng giúp giảm thiểu các nguy cơ vô hình về TNGT đường bộ, ô nhiễm môi trường. Còn về chi phí vận tải, giá cước vận tải bằng tàu SB nhưng cũng chỉ bằng khoảng 1/3 đường bộ và rẻ hơn cả tàu biển. Chẳng hạn, chi phí vận chuyển, xếp dỡ một container 40 feet từ Hải Phòng - TP HCM chỉ khoảng 6,5 - 6,7 triệu đồng, trong khi vận chuyển bằng đường bộ có tổng chi phí khoảng 37 triệu đồng (từ kho đến kho).

2

Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu các Cục, Vụ ghi nhận, trả lời công khai bằng văn bản các ý kiến, đề  xuất của doanh nghiệp tại hội nghị

Định hướng để phát triển bền vững

Nhấn mạnh tuyến vận tải ven biển đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp vận tải phát triển, mở mang kinh doanh, đại diện Công ty CP Vận tải biển Tân Cảng cho biết, vận tải container bằng tàu VR-SB hiệu quả hơn tàu biển cấp hạn chế III, vì vậy đơn vị đang tính mở chặng chuyên chở container từ miền Nam ra miền Trung. Đồng quan điểm, ông Trịnh Quốc Đạt, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải biển Diêm Điền cho hay: Nhiều doanh nghiệp hội viên mong muốn tiếp tục đầu tư kinh doanh vận tải trên tuyến, song cũng băn khoăn về hướng phát triển tới đây sẽ đến mức nào, có được đóng tàu lớn không?...

Đây cũng là vấn đề được Cục Đăng kiểm VN nêu lên bởi theo cơ quan này, trên tuyến ven biển hiện có hơn 20 tàu SB trọng tải từ 5.000 - 10.000 tấn, 11 tàu trên 10.000 tấn, trong khi không ít tàu hạ cấp từ tàu biển hạn chế III để thành tàu SB nhằm được giảm số lượng thuyền viên, chi phí ra, vào cảng...

Một số kiến nghị khác cũng được đưa ra tại hội nghị cho tàu SB được hoạt động xa hơn 12 hải lý, được hoạt động rộng đến 20 hải lý như đối với tàu biển cấp hạn chế III. Trong khi đó, ông Lê Đoàn Tám, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đóng tàu Thái Bình Dương và nhiều ý kiến lo ngại về trình độ tay nghề của thuyền viên tàu SB không được tốt.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, tuyến vận tải ven biển dành cho tàu SB đã giúp kết nối vận tải các khu công nghiệp, kinh tế ven biển và đáp ứng được yêu cầu về ATGT sau 3 năm hoạt động. Tuy nhiên, ngoài những mặt tích cực cũng bộc lộ những hạn chế cần có sự quản lý phù hợp và định hướng để tuyến vận tải này phát triển bền vững. Thứ trưởng cho biết, quan điểm của Bộ GTVT là tiếp tục tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong đầu tư vào tuyến vận tải ven biển nói riêng, lĩnh vực đường thủy, hàng hải nói chung. “Các cục Hàng hải VN, Đường thủy, Đăng kiểm cần tiếp thu kiến nghị của doanh nghiệp, rà soát các quy định để sửa đổi, bổ sung nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất, giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp và bảo đảm an toàn cho tuyến vận tải này”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật chỉ đạo.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý phương tiện, hoạt động của tuyến vận tải ven biển; đồng thời chỉ đạo các đơn vị rà soát các chi phí quản lý đối với tàu SB, việc đóng phương tiện và phạm vi hoạt động của tàu SB.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.