Tuy nhiên, trong bối cảnh “sốt sình sịch” đó lại lộ ra những bất thường mà các nhà đầu tư cần lưu ý để tránh thua thiệt.
Chênh lệch mua vào – bán ra
Chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra trong những phiên vừa qua đã vượt 2 triệu đồng, có lúc lên tới 2,6 triệu đồng.
Điều này có nghĩa là nếu mua vào 1 đồng thì phải bán ra trên 2,6 đồng mới có lãi. Do đó, nếu lướt sóng ở giai đoạn này sẽ rất rủi ro.
Người dân xếp hàng chờ bán vàng khi giá trên 70 triệu đồng ngày 8/3. Ảnh: Tạ Hải
Chiều 8/3, khi giá vàng giảm nhiệt thì khoảng cách mua vào – bán ra cũng co lại còn 1,5-1,8 triệu đồng, vẫn cao gấp đôi so với những ngày giao dịch bình thường và như vậy rủi ro đối với nhà đầu tư lướt sóng vẫn rất cao.
Trong khi đó, trên thế giới khi giao dịch vàng trên sàn, khoảng cách này chỉ là 1 USD (tương đương 23.000 đồng).
Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa có sàn giao dịch vàng dù Hiệp hội vàng Việt Nam cũng như nhiều ý kiến đề xuất từ cách đây cả chục năm nhưng vẫn chưa được chấp nhận. Do đó, các mức giá cùng khoảng chênh lệch đều do từng doanh nghiệp điều chỉnh.
Chênh lệch giữa các thương hiệu
Trên thị trường vàng vẫn luôn có sự chênh lệch giá giữa các thương hiệu. Thông thường, chênh lệch này chỉ lên tới 1-2 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong vòng hơn 1 tuần qua chênh lệch giá giữa các thương hiệu lại liên tục tăng lên và có thời điểm lên tới gần 17 triệu đồng.
Trên thị trường vàng luôn có quy tắc “bất thành văn” là mua đâu bán đó. Có nghĩa là nhà đầu tư mua vàng dù là cùng chất lượng 999.9 nhưng khi bán nên bán lại đúng tại hệ thống của đúng doanh nghiệp đó.
Sở dĩ có tình trạng này là bởi từ rất nhiều năm trước khi thị trường vàng “điên loạn” và bị thao túng, bản thân các doanh nghiệp cũng không tin tưởng chất lượng vàng của nhau. Mỗi doanh nghiệp đều có bộ phận kiểm định vàng độc lập.
Do đó, luôn có tình trạng khi mua vàng thương hiệu khác của khách hàng sẽ có một khâu không thể thiếu là kiểm định chất lượng. Và đương nhiên phí kiểm định cũng sẽ do khách hàng gánh chịu.
Trong tình trạng bình thường, khi chênh lệch giữa các thương hiệu thấp nếu mua nơi nọ bán nơi kia thì khách hàng sẽ thiệt ít. Còn với chênh lệch như hiện nay nếu vẫn mua nơi nọ bán nơi kia thì thiệt thòi tăng lên.
Điều này cũng lý giải khi có thương hiệu vàng quốc gia SJC thì vàng SJC lập tức trở nên phổ biến và được người dân chấp nhận và trong nhiều trường hợp còn được dùng để thanh toán.
Nhưng cũng chính vì số lượng vàng SJC vỉ do được dập có hạn mà nhu cầu ở một số thời điểm tăng mạnh nên đẩy giá vàng miếng vỉ SJC này lên cao lại càng làm cho chênh lệch giữa vàng SJC và các thương hiệu nhỏ lẻ khác được nới rộng ra.
Chênh lệch trong nước – thế giới
Thông thường yếu tố chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới quy đổi chỉ khoảng 2-3 triệu đồng, nhưng khi vàng “sốt” chênh lệch này lên tới cả chục triệu đồng.
Đỉnh điểm, khi vàng trong nước lập đỉnh phiên trước, giá vàng SJC đã cao hơn giá vàng thế giới quy đổi tới 18 triệu đồng.
Sự chênh lệch này có doanh nghiệp lý giải là bởi nhu cầu trong nước lên cao, đẩy giá vàng trong nước tăng nhanh hơn so với đà tăng của thị trường thế giới.
Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi khi giá vàng thế giới biến động khó lường doanh nghiệp sẽ nới rộng khoảng cách này để gây “sốt” nhưng đồng thời lại nới khoảng cách mua vào và bán ra để hạn chế rủi ro cho chính mình và đẩy rủi ro về phía khách hàng.
Giá vàng trong nước tăng nhanh khi vàng thế giới tăng nhưng nếu giá vàng thế giới quay đầu giá vàng trong nước cũng sẽ được điều chỉnh mạnh hơn đà thế giới.
Nếu nhà đầu tư lướt sóng, rõ ràng rủi ro tăng lên rất cao.
Các chuyên gia và bản thân một số doanh nghiệp cũng luôn khuyến cáo nhà đầu tư: Nếu mua vàng tích trữ hoặc đầu tư trung dài hạn, nên chọn những thời điểm vàng giảm giá. Đồng thời tìm hiểu các thông tin có thể ảnh hưởng tới giá vàng để cân nhắc giao dịch, tránh những phiên sốt nóng để hạn chế rủi ro.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận