Kinh tế

Vàng không giấy tờ, nguồn gốc có nguy cơ bị thu giữ

27/07/2018, 07:22

Theo chuyên gia, việc tịch thu vàng không rõ nguồn gốc là không đúng, trừ một số trường hợp vi phạm pháp luật...

11

Hoạt động mua bán vàng miếng buộc phải được thực hiện tại doanh nghiệp, ngân hàng được cấp phép - Ảnh: Lã Anh

Tranh cãi tịch thu vàng không giấy tờ, nguồn gốc

Mới đây một người dân ở TP.HCM mang 11kg vàng đi Đà Nẵng bằng đường hàng không nhưng không khai báo, đã bị lực lượng chức năng tại sân bay Tân Sơn Nhất kiểm tra, phát hiện. Bị nghi vấn vận chuyển vàng trái phép, chủ hàng đã được mời làm việc với cơ quan chức năng.

Trong quá trình làm việc, bà N.T.C.H. (Q. Phú Nhuận) - chủ nhân của số vàng trên cho hay, bà mua số vàng này từ nhiều năm trước. Nay bà định gửi ra Đà Nẵng cho người quen giữ hộ. Tuy nhiên, bà H. không cung cấp được hóa đơn, chứng từ thể hiện việc mua bán vàng.

"Theo Nghị định 24/2012 của Chính phủ (về quản lý hoạt động kinh doanh vàng), hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Việc mua bán vàng hay thu đổi ngoại tệ không đúng quy định sẽ bị xử phạt từ 50 - 100 triệu đồng, áp dụng cho cả bên mua lẫn bên bán. Ngoài phạt tiền thì vi phạm này còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tịch thu vàng, ngoại tệ giao dịch”.

Ông Nguyễn Hoàng Minh
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM

Điều này dấy lên vấn đề: Những người dân đang nắm giữ vàng, trong không ít trường hợp tài sản này được thừa kế, cho, tặng, lưu truyền nhiều đời, không có giấy tờ, nguồn gốc. Trong trường hợp người có vàng vận chuyển trên đường hoặc mang từ địa phương này sang địa phương khác để gửi, cho, tặng… nhất là qua đường hàng không như bà H. nói trên có bị thu giữ?

Mối lo này không phải không có cơ sở bởi đây không phải lần đầu diễn ra tình huống như vậy. Mới đây, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra hai vụ người dân kiện UBND TP đã thu giữ vàng của họ vì lý do không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Và ở cả hai vụ kiện này, TP đã buộc phải trả lại vàng cho người dân.

Cụ thể, Tòa phúc thẩm buộc UBND TP.HCM phải trả lại 10kg vàng đã tịch thu của ông Phạm Duy Hiếu vì cho rằng đó là vàng nhập lậu, sản xuất ở nước ngoài. Trong khi đó, ông Hiếu khẳng định số vàng được mẹ vợ tặng của hồi môn (dù không có giấy tờ chứng minh).

Tương tự, UBND TP.HCM cũng đã phải thi hành một bản án hành chính khác mà theo đó phải có nghĩa vụ trả cho ông Dương Toàn Sang hai thỏi vàng (trước đó bị thu giữ trong quá trình vận chuyển).

Cấm xuất, nhập khẩu nhưng không cấm lưu thông nội địa

Vậy người dân đang nắm giữ vàng không có giấy tờ có nguy cơ bị thu giữ? Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) khẳng định: Hiện không có quy định nào cấm người dân mua bán, vận chuyển vàng. Cũng không có quy định nào cấm người dân không được giữ vàng thỏi mà chỉ được giữ vàng trang sức, vàng miếng...

“Người dân nắm giữ vàng với tư cách là tài sản luôn được pháp luật bảo vệ. Quy định hiện hành chỉ cấm hành vi vận chuyển vàng qua biên giới. Đồng thời, yêu cầu khi người dân có nhu cầu mua bán vàng phải đến những cửa hàng được cấp giấy phép kinh doanh vàng hoặc các ngân hàng thương mại có chức năng kinh doanh vàng”, ông Hải nói.

Một chuyên gia tài chính phân tích: Vàng trong dân đang nắm giữ hàng trăm tấn, thậm chí nhiều gia đình sở hữu cả trăm cây vàng. Trong đó, một tỷ lệ không nhỏ là tài sản được tích lũy từ hàng chục, thậm chí hàng trăm năm nay, giấy tờ mua bán vàng từ đời này qua đời khác đến nay không còn nữa. Nhu cầu vận chuyển vàng từ nơi này sang nơi khác, tỉnh này sang tỉnh khác cũng là bình thường. Vì thế, việc tịch thu vàng không rõ nguồn gốc là không đúng.

Cũng theo chuyên gia này, hiện nay nguồn nguyên liệu cho vàng nữ trang luôn khan hiếm. Trong khi đó giá vàng trong nước và vàng thế giới luôn chênh lệch nhau. Chỉ cần chênh lệch khoảng 1% là có thể xuất hiện tình trạng vàng nhập lậu. Tuy nhiên, người dân cũng đang nắm giữ một lượng lớn vàng không giấy tờ nên vàng lậu chỉ cần vận chuyển trót lọt qua khỏi khu vực biên giới, vào đến nội địa là cơ quan chức năng “bó tay”! Trừ khi cơ quan chức năng có bằng chứng đó là vàng lậu hoặc có bằng chứng số vàng đó được mua bán không đúng nơi quy định mới có thể xử phạt hoặc thu giữ!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.