Thị trường

Vàng nhẫn neo ở mức cao, nhà đầu tư khuyên người dân không nên mua

30/09/2024, 10:08

Giá vàng thế giới giảm nhẹ, vàng nhẫn vẫn ở đỉnh cao trên mốc 83 triệu đồng/lượng. Chuyên gia khuyên, người dân không nên mua vàng nhẫn thời điểm này.

Giá vàng neo ở mức cao

Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, Tập đoàn DOJI niêm yết vàng SJC ở ngưỡng 81,5-83,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng SJC ở ngưỡng 81,5-83,5 đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) niêm yết giá vàng miếng SJC bán ra 83,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng đứng im sau khi điều chỉnh tăng mạnh ngày 24/9.

 
Vàng nhẫn neo ở mức cao, nhà đầu tư khuyên người dân không nên mua- Ảnh 1.

Nhiều phiên giao dịch gần đây, giá vàng nhẫn thường biến động cùng chiều với thị trường thế giới.

Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng nhẫn ở ngưỡng 81,5-83 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tại Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn ở ngưỡng 82,54-83,44 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Nhiều phiên gần đây, giá vàng nhẫn thường biến động cùng chiều với thị trường thế giới. Nhà đầu tư có thể tham khảo thị trường thế giới cùng nhận định của chuyên gia trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Chuyên gia khuyên gì?

Hiện chênh lệch giá vàng mua - bán được niêm yết quanh ngưỡng 2 triệu đồng/lượng. Giới chuyên gia nhận định, mức chênh lệch này rất cao khiến nhà đầu tư đối diện nguy cơ thua lỗ khi đầu tư ngắn hạn.

Chuyên gia Trần Duy Phương cho rằng, biến động của giá vàng nhẫn lâu nay thường phụ thuộc vào vào giá vàng thế giới. Giá vàng miếng SJC hiện được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát về giá, cũng như ấn định về giá hằng ngày.

Ông Phương cho rằng, giá vàng miếng SJC lên 83,5 triệu đồng/lượng nhưng không hề dễ mua, phải đăng ký qua ngân hàng thương mại và công ty SJC; vàng nhẫn cũng khan hiếm.

Theo tính toán, giá vàng thế giới năm nay đã tăng 30%, có thể gần đạt đỉnh và sẽ có một đợt điều chỉnh giảm trước khi tăng tiếp. Khi giá vàng thế giới điều chỉnh giảm thì giá vàng trong nước cũng sẽ giảm theo. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện khoảng 4-5 triệu đồng/lượng nên áp lực giảm theo khi vàng thế giới lao dốc là hợp lý.

Chưa kể, giá vàng nhẫn tăng nóng khi nhà đầu tư sốt ruột muốn mua vào để chờ giá tăng tiếp, vô hình tạo giá ảo và rủi ro rất cao.

“Người dân không nên mua vàng nếu không thật sự cần thiết. Những người đã mua vàng trước đây mà đã có lời cũng nên cân nhắc bán khi đã đạt lợi nhuận mong muốn. Mua vàng trong nước lúc này rất dễ "đu đỉnh" nếu giá thế giới đảo chiều lao dốc trong ngắn hạn”, ông Phương khuyến nghị.

Liên quan đến vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết thời gian qua, giá vàng thế giới liên tục tăng cao khiến giá vàng trong nước tăng theo.

NHNN đã phối hợp cùng các bộ, ngành và các địa phương triển khai một loạt giải pháp để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng cao, ổn định thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Cơ quan này cũng phối hợp với các bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.

"Chúng tôi sẽ tổ chức tổng kết, đề xuất sớm sửa đổi Nghị định 24, trong đó có nội dung về quản lý sản xuất vàng miếng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng, phù hợp với tình hình thực tiễn", NHNN cho biết.

Vàng thế giới giảm giá

Mở cửa phiên sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 2.652 USD/ounce, giảm 5 USD/ounce so với kết tuần qua. Giá vàng giao tương lai tháng 12/2024 trên sàn Comex New York ở mức 2.674,3 USD/ounce.

Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng ở mức gần 80 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 3,5 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 2,2% vào tháng trước, giảm so với mức 2,5% của tháng 7 và thấp hơn so với dự báo. PCE cốt lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng), đồng thời là thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), tăng lên 2,7%.

Chỉ số PCE hỗ trợ cho đợt cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản gần đây của Fed và củng cố niềm tin ngân hàng trung ương tiếp tục điều chỉnh chính sách tiền tệ. Công cụ FedWatch của CME cho thấy, khả năng 45,9% cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tiếp theo của Fed và 54,1% về việc cắt giảm thêm 50 điểm cơ bản nữa vào tháng 11.

Việc Fed cắt giảm lãi suất và kỳ vọng điều chỉnh thêm trong tương lai tác động tích cực tới giá vàng. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ các tài sản không sinh lãi như vàng, thúc đẩy nhu cầu tăng lên.

Soni Kumari, chiến lược gia về hàng hóa của Ngân hàng ANZ cho biết: "Các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ khả năng cắt giảm lãi suất của Fed trong tương lai. Đây cũng là yếu tố chính sẽ tác động đến giá vàng".

Bob Haberkorn, chiến lược gia của RJO Futures nhận định: "Nhu cầu mua vàng trú ẩn tăng cao, do lo ngại về tình hình ở Trung Đông. Nếu tình hình căng thẳng leo thang, giá kim loại quý này có thể tiếp tục lập kỷ lục mới".

Bart Melek, Trưởng phòng Chiến lược hàng hóa tại TD Securities cho biết: "Sau khi cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản và báo hiệu rằng lãi suất có thể giảm xuống 3% vào năm 2026, Fed đang có chính sách tiền tệ nới lỏng, điều này báo hiệu tốt cho vàng".

Melek cho rằng, vàng vẫn ở vị thế thuận lợi khi Fed hạ lãi suất để hỗ trợ thị trường lao động đang suy yếu, ngay cả khi lạm phát vẫn ở mức cao. Ông dự báo giá vàng có thể tăng trở lại trên 2.700 USD/ounce, đây là mục tiêu cuối năm của giá vàng.

Trong khi đó, nhu cầu chung của các ngân hàng trung ương đối với việc phân bổ dự trữ vào vàng vẫn không hề suy giảm trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng. Một số ngân hàng dự báo giá vàng có thể tăng lên tới 3.000 USD/ounce.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.