Dịch Covid-19 bùng phát khiến các trung tâm đăng kiểm khó càng thêm khó khi giảm sút mạnh lượng xe đến kiểm định. Giờ các trung tâm này còn thêm nỗi lo khác là tình trạng nhiều xe dừng chạy và không đến đăng kiểm đúng hạn…
Giảm xe, giảm thu nhập
Hai đăng kiểm viên (ĐKV) của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 15-01V Hải Phòng vừa được trở lại làm việc sau khi bị cách ly 2 tuần tại nhà phòng lây nhiễm Covid-19. Lý do sau khi đi dự một đám tang của người quen, hai ĐKV của đơn vị này được chính quyền địa phương yêu cầu cách ly tại nhà do nghi có người ở đám tang nhiễm Covid-19.
“May mắn là hai người này không bị nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, cả hai nhân viên này trong thời gian nghỉ không được hưởng lương tối thiểu hay bất kỳ khoản phụ cấp nào”, ông Phan Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 15-01V thông tin.
Ông Đức cũng cho biết, phần do là đơn vị sự nghiệp Nhà nước, việc chi trả cho người lao động phải theo đúng quy định, phần khác do từ đầu năm 2020 đến nay, lượng xe đến đăng kiểm tại đơn vị giảm sút mạnh, việc hỗ trợ thêm cũng khó, kéo theo doanh thu giảm, đời sống người lao động rất khó khăn.
“Gần 3 tháng đầu năm nay, doanh thu giảm hơn 40%. Một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên xe kinh doanh vận tải không có việc, dừng chạy và không đến đăng kiểm đúng hạn để hoãn đóng phí bảo trì đường bộ. Cùng đó, trên địa bàn hiện có tới 6 trung tâm đăng kiểm khiến lượng xe bị san sẻ”, ông Đức nói.
Đại diện một trung tâm đăng kiểm ở Hòa Bình cũng cho biết, gần đây nhiều trường hợp xe tải ở địa bàn huyện, vùng xa trung tâm đã hết hạn đăng kiểm 1 - 2 tháng nhưng chưa quay lại kiểm định. Ngoài ra, xe địa bàn khác ít đến địa phương hơn nên nguồn xe đăng kiểm giảm mạnh.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo nhiều trung tâm đăng kiểm cho biết, lượng xe đến đăng kiểm từ đầu năm giảm đáng kể. Nhiều trung tâm phải nhắn tin, gọi điện cho chủ xe để nhắc đến hạn đăng kiểm, song cũng không nhận được phản hồi.
Ông Mai Đại Độ, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 22-01S (Tuyên Quang) cho biết, từ đầu năm đến nay trung bình mỗi ngày chỉ khoảng 30 - 35 xe đến đăng kiểm (công suất 2 dây chuyền tối đa là 140 xe/ngày - PV), giảm 1/3 so với năm trước.
“Khu vực miền núi, tỉnh xa, nguồn xe đến đăng kiểm chủ yếu là xe kinh doanh vận tải, còn xe cá nhân tăng trưởng chậm. Từ đầu mùa dịch đến nay, lượng xe kinh doanh vận tải đến đăng kiểm giảm, một phần do xe không có nguồn hàng nên chưa đến đăng kiểm đúng hạn. Việc làm ít nên người lao động của đơn vị đang bị giảm 40% phần thu nhập tăng thêm so với năm trước”, ông Độ nói.
“Hiện, trên địa bàn có 2 trung tâm đăng kiểm, nhưng sắp tới có thêm 2 trung tâm nữa, chưa biết việc làm của đơn vị sẽ khó khăn đến mức nào”, ông này lo lắng.
Lo gia tăng xe bỏ đăng kiểm định kỳ
Lo cạnh tranh thiếu lành mạnh
Ông Đào Mạnh Thắng, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-02V (quận Long Biên, Hà Nội) kể, lượng xe đến đăng kiểm trong thời gian này giảm hơn nên đơn vị phải tăng cường giới thiệu, nâng chất lượng dịch vụ để giữ chân khách, cạnh tranh với các đơn vị khác, song gần đây có biểu hiệu bị cản trở, phá rối.
“Gần đây, tấm biển chỉ đường mà trung tâm được phép lắp đặt trên QL5 để hướng dẫn lái xe liên tục bị phá. Sau vài lần bị kéo đổ, chúng tôi phải lắp đặt kiên cố, mới đây không bị kéo đổ lại bị phun sơn lấp sạch thông tin. Đơn vị đã báo cơ quan công an trên địa bàn nhưng việc phá hoại tài sản vẫn liên tục xảy ra”, ông Thắng nói và cho biết, cách đơn vị vài km có khá nhiều đơn vị đăng kiểm khác. Đơn vị nào cũng treo biển quảng cáo khắp nơi nhưng chỉ có biển giới thiệu của đơn vị ông bị phá hoại.
Dù ít việc, song các trung tâm đăng kiểm đều phải tuân thủ quy định về thời gian mở cửa để phục vụ kiểm định. Ông Phan Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 15-01V cho biết: “Bình thường các trung tâm đăng kiểm bắt đầu làm việc lúc 7h30 sáng, nhưng thời gian này chúng tôi mở cửa, tiếp nhận xe đăng kiểm từ 6h30. Việc này cũng được ngành chức năng của địa phương đồng thuận, đánh giá cao vì thuận lợi hơn cho chủ phương tiện”.
Lãnh đạo một số trung tâm đăng kiểm như: 29-03S, 29-08D, 29-03V (Hà Nội) cho biết, trường hợp khách hàng đã đặt lịch đến đăng kiểm sớm hay muộn hơn giờ làm việc hành chính đều được tiếp nhận, phục vụ.
Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lãnh đạo các trung tâm đăng kiểm cho biết đang rất lo ngại tình trạng gia tăng xe bỏ đăng kiểm định kỳ. “Chúng tôi bố trí nhân viên rà soát danh sách và gọi điện thông báo đến từng chủ xe hết hạn để họ mang xe đến đăng kiểm, tuy nhiên nhiều chủ xe vẫn ngó lơ”, lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm nói.
Anh Bùi Đức Hùng, lái thuê xe container BKS 15C-006.0… cho Công ty N.T ở Hải Phòng cho biết, xe đã hết hạn đăng kiểm từ ngày 21/1/2020 nhưng không có hàng nên tài xế nghỉ, công ty cũng chưa bảo đưa xe đi đăng kiểm để phải đóng tiền ngay.
Tương tự, chủ xe tải BKS 22C-021.2... ở Sơn Dương, Tuyên Quang cũng cho biết, xe hết hạn đăng kiểm từ ngày 12/1 nhưng chưa đi đăng kiểm do không có hàng.
Thống kê của Cục Đăng kiểm VN cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, hầu hết các địa phương đều có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn trường hợp xe ô tô đến hạn đăng kiểm định kỳ nhưng chưa đến đăng kiểm, trong đó phổ biến là xe tải, quá hạn đăng kiểm từ 1 - 3 tháng.
Ông Trần Anh Quân, quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động vận tải có thể là nguyên nhân dẫn đến gia tăng xe bỏ đăng kiểm định kỳ trong thời gian này. Các trường hợp xe hết hạn đăng kiểm bị nghiêm cấm tham gia giao thông và bị phạt nặng nếu vi phạm (phạt 2 - 3 triệu đồng nếu quá hạn dưới 1 tháng, 4 - 6 triệu đồng và tước GPLX 1 - 3 tháng nếu quá hạn từ 1 tháng trở lên). Trường hợp khi đăng kiểm trở lại sẽ bị truy thu phí sử dụng đường bộ đối với thời gian bỏ đăng kiểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận