Nhiều điểm "nghẽn" về mặt bằng được tháo gỡ
Những ngày cuối tháng 4, Hà Tĩnh bắt đầu bước vào đợt nắng gắt đầu mùa hè. Thời điểm này, tại gói thầu 11- XL, thuộc dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi, đoạn qua địa bàn xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, nhà thầu đang dồn lực trên tất cả các mũi thi công.
Cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh đang khan hiếm nguồn VLXD khiến dự án khó bứt tốc
Khác với thời điểm cách đây 20 ngày, khi các mũi thi công tại dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi do Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) đảm nhiệm gặp khó khăn khi “đụng đâu, vướng đó”. Nay những điểm “nghẽn” trước đây đã dần được giải quyết, nhà thầu đã bố trí nhiều mũi, máy móc làm ngày làm đêm để bù vào những ngày không thi công.
Thời điểm này, trên công trường thi công cầu Thạch Vĩnh, xã Lưu Vĩnh Sơn, dưới cái nắng gay gắt đầu mùa lên đến 39 độ C, nhiều tốp công nhân vẫn miệt mài thi công rọ sắt, gia cố nền cống chính thoát nước.
Trên công trường, tiếng động cơ máy móc, thiết bị nhộn nhịp, các nhóm công nhân tập trung cao độ để hoàn thành các phần việc được giao. Công địa trên đoạn tuyến liên tục được mở rộng khi mặt bằng được bàn giao.
Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang thi công cầm chừng
Kỹ sư Nguyễn Văn Đông (cán bộ Tổng công ty 319 - Bộ Quốc phòng) cho hay: Đơn vị đang triển khai 6 mũi thi công đường và 3 mũi thi công cầu. Máy móc đang tập trung đào đất hữu cơ, đắp cát hoàn trả, đắp nền, xử lý nền đất yếu bằng cọc xi măng đất", ông Đông nói và cho biết: Tại các vị trí thi công cầu Thạch Vĩnh, cầu vượt Hàm Nghi, cầu vượt DLX01, các đơn vị đang thi công mặt bằng bãi đúc dầm, bệ đúc dầm, cọc khoan nhồi...
Không được thuận lợi mặt bằng như gói thầu trên, nhà thầu thi công gói 11- XL (Tổng công ty Vinaconex) đang "tắc" tiến độ do vướng nhiều hạ tầng kỹ thuật điện lưới.
Theo chỉ huy công trình Tổng công ty Vinaconex, đơn vị đã huy động hàng chục kỹ sư, công nhân cùng máy móc, thiết bị, chia làm nhiều mũi thi công tại đoạn qua các xã: Thanh Bình Thịnh (huyện Đức Thọ), Kim Song Trường, Sơn Lộc, Quang Lộc (Can Lộc).
Tại Km 479+117 - Km 501+470 và cầu vượt ngang QL15B qua xã Sơn Lộc, Quang Lộc (huyện Can Lộc), nhà thầu đã triển khai làm đường công vụ dài 2,5km, đào phá đồi núi Long Tương, đào bóc hữu cơ khối lượng 60.000m3 và tiến hành khoan cọc nhồi làm cầu vượt.
Tuy nhiên, trong quá trình đưa các máy móc cho việc xử lý nền đất yếu, nhất là với công trình cầu vượt. Tuy nhiên, hiện trên tuyến đang vướng nhiều điểm có đường điện cắt ngang qua, từ hệ thống đường điện cao thế 110 kV, trung thế 35 kV, 22 kV tới hạ thế.
“Số máy móc cần huy động phục vụ thi công có kích thước lớn nên nếu hệ thống đường điện không được di dời, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động trong quá trình triển khai công việc”, chỉ huy công trình Tổng công ty Vinaconex nói.
Thi công cầm chừng, khó bứt tốc do thiếu nguồn vật liệu
Theo kỹ sư Nguyễn Văn Đông, cán bộ kỹ thuật Ban điều hành thi công Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng), sau khi đào bóc lớp đất hữu cơ, đất mềm yếu, đơn vị sẽ tiến hành bù cát với độ sâu 50cm. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn cát chưa đáp ứng nên đơn vị chưa dám huy động máy móc thi công ồ ạt, bởi nếu đào bóc tràn lan trong trường hợp trời đổ mưa sẽ dẫn tới sình lầy, khó khăn trong việc thi công sau này.
Nhiều hạ tầng kỹ thuật điện lưới chưa được di dời cũng khiến việc thi công gặp khó
Việc thiếu đất đắp cũng dẫn tới thi công đường công vụ triển khai các hạng mục gói thầu 11-XL đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi của Tổng công ty 319 đang chậm hơn kế hoạch.
Theo kỹ sư Đông, nhu cầu về cát của Tổng công ty 319 là 336 nghìn m3 cát (210 nghìn m3 cát đắp nền; 116 nghìn m3 cát hạt trung, cát vàng đổ bê tông) và 2,1 triệu m3 đất.
Để đảm bảo tiến độ công trình, nhà thầu cũng đã lựa chọn, làm việc với chủ mỏ vật liệu xây dựng mà Hà Tĩnh đã quy hoạch phục vụ triển khai cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, đối với cát, trong khi mỏ chưa đủ thủ tục khai thác thì bãi tập kết lại không đáp ứng vấn đề hóa đơn chứng từ theo yêu cầu của nhà thầu.
Về đất đắp, có mỏ chưa đủ thủ tục khai thác; có mỏ lại vướng về đền bù giải phóng mặt bằng, không có đường vận chuyển. Bên cạnh đó, một số mỏ đang khai thác nhưng trữ lượng không nhiều hoặc giá bán cao hơn dự toán và không đáp ứng hóa đơn chứng từ…
Tương tự, tại Km 544 - Km 568 thuộc gói 12XL, dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng do nhà thầu Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) xây dựng Xuân Trường đảm nhiệm cũng khó khăn trong việc huy động nguồn VLXD.
Theo kỹ sư Lương Mạnh Hùng (Công ty Xuân Trường) thông tin, tại gói này, nhà thầu chủ yếu bố trí máy móc, nhân lực đào đất không thích hợp, đắp nền đường K95.
“Thời điểm này, để tận dụng thời tiết cũng như đảm bảo tiến độ, chúng tôi đang phải tận dụng nguồn đất đắp tại chỗ. Theo ước tính trên tuyến đơn vị tận dụng được 20 - 40% khối lượng đất cần cho toàn bộ tuyến”, kỹ sư Mạnh nói.
Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường thi công gói Hàm Nghi - Vũng Áng đang tận dụng nguồn đất đắp tại chỗ
Ông Nguyễn Đăng Cường, Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) - Chủ đầu tư dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng cho biết, do vẫn còn nhiều vướng mắc về công tác GPMB, về nguồn vật liệu xây dựng dẫn đến tiến độ thi công của các nhà thầu đang chậm, khó bứt tốc.
Về nguyên nhân, theo ông Cường, tiến độ giải ngân vốn GPMB năm 2023 tại các huyện đang rất chậm, dự án đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi đạt 8,02%, đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng đạt 4,93%. Ngoài ra, mặt bằng thi công còn nhiều điểm chưa “sạch” dẫn đến việc thi công chưa thể liền mạch cũng ảnh hưởng tới tiến độ thi công dự án. Quá trình cấp phép cho các mỏ triển khai còn chậm dẫn đến các nhà thầu thiếu nguồn vật liệu như cát, đất.
Để việc thi công cao tốc đảm bảo theo đúng tiến độ, Ban vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh đề nghị đẩy nhanh công tác giải ngân vốn GPMB, đặc biệt đối với đất ở của các hộ không phải cắt xén và không phải tái định cư; Sớm ban hành giá đất ở; di dời các hệ thống hạ tầng kỹ thuật...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận