Quan điểm này được ông Đậu Anh Tuấn bày tỏ tại Hội thảo Góp ý Dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 14/5.
Nghị định mới này sẽ thay thế các nghị định về xăng dầu trước đây.
Rút kinh nghiệm từ những bất ổn
Tại hội thảo, Phó tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI nhấn mạnh, xăng dầu là mặt hàng đặc biệt quan trọng, việc điều hành ngành này cũng rất khó không chỉ với Việt Nam mà nhiều quốc gia vì phải cân bằng nhiều lợi ích.
Ông Tuấn cho rằng, nếu giá xăng dầu cao, sẽ tốt cho doanh nghiệp ngành này nhưng lại ảnh hưởng đến vĩ mô khác. Mặt khác, chi phí doanh nghiệp xăng dầu bỏ ra lớn, nên những bất ổn trên thị trường có nhiều rủi ro gây đứt gãy chuỗi. Thực tế này chúng ta đã chứng kiến hơn 1 năm trước.
"Hài hòa được các lợi ích này là vấn đề thách thức', ông Tuấn nói và chia sẻ khó khăn với ban soạn thảo khi việc sửa đổi lần này nhiều áp lực khi có quá nhiều mục tiêu đặt ra.
Theo ông Tuấn, Nghị định xăng dầu không chỉ tác động đến cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực này mà tác động đến nhiều ngành khác. Cho nên rút kinh nghiệm từ những bất ổn trong những năm qua, lần sửa này cần đảm bảo quan điểm công khai minh bạch, thị trường hoá, hướng đến bền vững. Tức là, duy trì động lực thị trường trong nghị định lần này.
Để làm được điều đó, đại diện VCCI cho rằng, Bộ Công thương cần lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp, cần tạo động lực để người góp ý nói thẳng, nói thật... từ đó đưa ra những điểm phù hợp nhất.
Ông dẫn chứng, VCCI chỉ mời khoảng 100 doanh nghiệp, nhưng số doanh nghiệp đến hội thảo phải tới 200 doanh nghiệp, từ nhiều địa phương xa xôi. Điều này cho thấy sự quan tâm của các doanh nghiệp đến lần sửa đổi này.
Nghị định tập trung 4 vấn đề lớn
Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho hay, xăng dầu là mặt hàng chiến lược và phải có cơ chế quản lý. Vì thế, cơ chế quản lý có hướng tiếp cận khác so với các mặt hàng khác.
Điểm khác theo ông Chinh không chỉ đơn thuần là làm sao áp chế tài cho chặt, cho mạnh, mà chúng ta phải có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào thị trường gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ quốc gia.
Sở dĩ có điều này, ông Chinh lý giải, trước đây, chúng ta vẫn nghĩ các doanh nghiệp khi kinh doanh xăng dầu mang lại rất nhiều lợi nhuận, chỉ cần bơm ra là có tiền. Thế nhưng không phải như vậy. Xăng dầu là mặt hàng không phụ thuộc vào cung cầu mà phụ thuộc vào địa chính trị - yếu tố chúng ta không thể đoán trước được.
"Ngay cả một số nhà kinh doanh xăng dầu lớn của các nước trong khu vực cũng không dự đoán được giá xăng dầu", ông Chinh nói và cho hay, khi hỏi những doanh nghiệp quốc tế họ đều cho biết "nếu tôi đoán được thì tôi đã trở thành tỷ phú rồi".
Vì đặc thù như vậy, chúng ta cần phải có chiến lược linh hoạt, thực tiễn. Điều này thể hiện trong 4 vấn đề lớn được đề cập trong nghị định lần này.
Lãnh đạo Vụ thị trường trong nước cho hay, 4 vấn đề này kế thừa nội dung của nghị định cũ và có những điều chỉnh mới để phù hợp với thị trường hiện nay.
Vấn đề thứ nhất là điều kiện của hệ thống. Dự thảo đề cập vấn đề kinh nghiệm khi tham gia vào thị trường của thương nhân đầu mối xăng dầu. Cụ thể, để làm được thương nhân đầu mối thì doanh nghiệp cần ít nhất 3 năm làm thương nhân phân phối.
"Không phải ai có tiền cũng mua được mà còn phụ thuộc vào nguồn cung và uy tín trong kinh doanh... Đây cũng là cách bảo vệ các doanh nghiệp trong hệ thống", ông Chinh nói.
Hệ thống phân phối là vấn đề lớn được đề cập trong nghị định lần này. Trước đây đại lý có nhiều cấp bậc khác nhau, nhưng hiện nay quy chung về khâu bán lẻ. Bán lẻ có ba hình thức, doanh nghiệp tự lựa chọn, bao gồm lựa chọn ký hợp đồng, đại lý nhượng quyền thương mại hoặc là mua đứt bán đoạn.
Vấn đề thứ ba được ông Chinh nhắc đến là các quy định về giá. Bộ Công thương và Bộ Tài chính sẽ không quyết định các giá bán như hiện hành nữa, mà sẽ do các doanh nghiệp tự quyết định trên các cơ sở các tiêu chí được đưa ra một cách minh bạch tại nghị định.
Tức là, nghị định sẽ đưa ra các tiêu chí và doanh nghiệp đầu mối, phân phối sẽ tính toán và công bố giá trần và cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm quản lý xem doanh nghiệp này tính toán như vậy có vượt giá trần không. Nếu vượt giá trần thì sẽ bị xử lý.
Vấn đề lớn cuối cùng là quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ông Chinh cho biết, thời gian vừa qua, các cơ quan kiểm tra có so sánh lại Luật giá thì nhận thấy Luật giá mới (có hiệu lực từ tháng 7/2024) chưa phù hợp với điều chỉnh giá.
Theo ông Chinh, khi còn tồn tại quỹ bình ổn giá xăng dầu thì các doanh nghiệp mỗi kỳ điều hành đều nín thở. Bởi lẽ, giá thế giới thì các doanh nghiệp có thể dự liệu được rồi nhưng việc có chi hay trích lập quỹ trong điều hành đó hay không khiến họ khó đoán định.
"Nói không minh bạch thì không đúng, nhưng cũng khó đoán định khi nào tiêu vì chúng ta điều hành theo mục tiêu đảm bảo CPI theo chỉ đạo. Đây cũng là vấn đề", lãnh đạo Vụ thị trường trong nước băn khoăn.
Trong Luật giá mới có nêu về việc trường hợp nào thì phải thành lập quỹ và do ai thành lập, do đó, ông Chinh cho biết: "Nghị định mới nêu rõ khi giá sản phẩm xăng dầu thế giới duy trì ở mức trên 120 USD/thùng, duy trì trong thời gian nhất định (ví dụ 15 ngày) thì Bộ công thương sẽ báo cáo chính phủ thông qua Bộ Tài chính để quyết định thành lập quỹ. Quỹ này được chi như thế nào, trích như thế nào thì sẽ có tiêu chí cụ thể, chúng ta sẽ không đưa vào nghị định. Cái này nhằm tăng thêm tính minh bạch cho các doanh nghiệp".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận