Bay Sài Gòn rẻ bằng 1/3 đi tàu hỏa
Trường phải đóng cửa vì dịch Covid-19, chị Hạnh, một giáo viên mầm non ở Đống Đa (Hà Nội) truy cập một số trang bán vé máy bay trực tuyến để tìm vé máy bay đi chơi.
“Quá bất ngờ, vé Hà Nội đi Phú Quốc dịp cuối tuần chỉ hơn 2 triệu đồng/vé khứ hồi đã bao gồm thuế phí. Vé đi Đà Nẵng thậm chí chỉ còn nhỉnh hơn 1 triệu đồng một chút, còn vé đi Nha Trang khứ hồi cũng chỉ còn khoảng 1,6 triệu đồng”, chị Hạnh nói và nhấn mạnh: “Có lẽ chưa bao giờ nhiều vé rẻ như bây giờ. Mình định rủ cả nhà đi du lịch nhưng ai cũng can vì sợ dịch, nên xem thì xem thế thôi”.
Anh Quốc Anh, Giám đốc một công ty chuyên kinh doanh nhà hàng ở quận Thanh Xuân cũng vừa quyết định hủy bỏ vé đi TP HCM vì lo cả nhà có thể nhiễm virus Corona.
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông trên một số trang bán vé máy bay trực tuyến, thời điểm này, hành khách có thể mua vé đến các điểm nóng du lịch như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng với mức giá “không thể rẻ hơn”.
Cụ thể, trên chặng Hà Nội - Đà Nẵng, chỉ cần bỏ ra chưa đến 1 triệu đồng, hành khách hoàn toàn có thể mua vé khứ hồi của Vietjet (đã bao gồm cả mức thuế phí sân bay). Mức giá này của Bamboo Airways nhỉnh hơn một chút, khoảng hơn 1,3 triệu đồng, trong khi nếu bay Vietnam Airlines với dịch vụ đầy đủ, mức giá cũng “siêu rẻ” chỉ 1,4 triệu đồng. Trong khi bình thường giá vé chặng này dao động khoảng 3 triệu đồng.
Giá vé mà các hãng mở bán trên chặng bay Hà Nội - Phú Quốc cũng khiến nhiều người không tin nổi vào mắt mình khi chỉ hơn 2 triệu đồng một chút cho một cặp vé khứ hồi. Cần phải nhớ rằng, vào những dịp cao điểm, con số này có thể lên tới 8 triệu đồng cho một cặp vé hạng phổ thông.
Vé máy bay từ Hà Nội đi điểm nóng du lịch 4 mùa Nha Trang cũng hấp dẫn hơn bao giờ hết, chỉ khoảng 1,6 triệu đồng cho 1 cặp vé khứ hồi ngay cả khi bay vào cuối tuần. Bình thường chặng bay này có giá khoảng 5 triệu đồng/cặp.
Cũng như vậy, vé trên trục Hà Nội - TP HCM cũng rẻ đến mức bất ngờ, chưa đến 1,2 triệu đồng cho 1 vé khứ hồi ngay cả khi bay với hãng hàng không truyền thống Vietnam Airlines. Giá vé khứ hồi mà Vietjet cung ứng trên chặng này thậm chí chỉ còn chưa đến 1 triệu đồng (đã bao gồm thuế phí), chỉ rẻ bằng 1/3 vé tàu hỏa khoang giường nằm có điều hòa cùng chặng (khoảng hơn 3,3 triệu đồng).
Chị Tam, một nhân viên đại lý vé máy bay cho hay, từ Tết ra, rất nhiều khách nhờ chị hủy, trả vé. Lượng vé bán mới, kể cả quốc nội và quốc tế cũng thấp hơn hẳn so với hồi năm ngoái cho dù mức giá mà các hãng tung ra vô cùng hấp dẫn.
Trả bớt tàu bay thuê, giãn tiến độ nhận tàu bay mới
Một lãnh đạo Cục Hàng không VN khẳng định: “Việc ngừng đột ngột các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục chắc chắn sẽ tác động mạnh đến hoạt động của các hãng hàng không, kể cả những hãng không có đường bay đến Trung Quốc như Bamboo Airways”.
Cũng theo vị này, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tất cả thị trường chứ không riêng gì thị trường Trung Quốc.
“Hiện, các hãng hàng không đã nỗ lực mở thêm các tuyến bay quốc nội bởi máy bay nằm không nhưng vẫn phải trả tiền thuê máy bay, nhân công, khấu hao...”, vị này cho hay.
Theo Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh, người đã từng có một thời gian dài đảm nhiệm chức danh Cục trưởng Cục Hàng không VN, sau dịch SARS, ngành hàng không đã rút ra bài học lớn là nếu phụ thuộc quá lớn vào một thị trường thì sẽ “lao đao” hết khi có vấn đề xảy ra.
“Hồi đó đã có một đợt tái cơ cấu thị trường. Đợt này, chúng tôi cũng đặt ra định hướng phối hợp với hãng hàng không để tái cơ cấu thị trường”, ông Thanh nói và dẫn ví dụ: Bình thường các hãng mới ở các thị trường khác vào rất khó do không còn slot, đặc biệt tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Nhưng dịp này, ngoài việc ưu tiên slot lịch sử thì cũng tăng cường, ưu tiên slot cho các thị trường khác.
Lãnh đạo Cục Hàng không VN cũng khẳng định tái cơ cấu thị trường, tái cơ cấu đường bay là một trong những giải pháp quan trọng bên cạnh việc kêu gọi nhà cung ứng dịch vụ giãn tiến độ thanh toán cho các hãng hàng không.
Mặc dù vậy, vị này cũng thừa nhận hiện tại toàn bộ thị trường đều giảm nên có tái cơ cấu cũng không đỡ được bao nhiêu.
Lãnh đạo Cục Hàng không VN cũng khuyến nghị các hãng hàng không đàm phán với các nhà cho thuê máy bay để trả bớt tàu bay cũng như đàm phán với các nhà sản xuất máy bay để giãn tiến độ nhận tàu bay; Đẩy nhanh tiến độ bán tàu bay theo kế hoạch. Theo thông tin của Báo Giao thông, số lượng máy bay phải nằm sân, không có giờ bay của các hãng hàng không Việt Nam lên tới vài chục chiếc.
Vietnam Airlines cũng vừa ra thông báo cho thuê máy bay Airbus A321, A350-900, Boeing B787-9, B787-10 với thời gian thuê là 6 tháng, dự kiến bắt đầu từ tháng 4/2020.
Trả lời câu hỏi về việc sẽ tái cơ cấu thị trường như thế nào, ưu tiên thị trường nào, đường bay nào trong thời gian tới, đại diện các hãng hàng không đều từ chối trả lời vì cho rằng đây là “bí mật kinh doanh, không thể sớm tiết lộ”.
Được biết, các hãng hàng không Việt Nam đang có những báo cáo lên Cục Hàng không VN, Bộ GTVT, Chính phủ và các bộ, ngành để có kế hoạch chi tiết giúp phục hồi thị trường vào năm 2021 và 2022. “Chúng tôi đánh giá lần ảnh hưởng này lớn hơn nhiều về mặt quy mô cũng như phạm vi so với dịch SARS năm 2003”, lãnh đạo Vietnam Airlines nhấn mạnh.
Dự kiến 3 kịch bản cho thị trường hàng không
Cục Hàng không VN đã dự kiến 3 kịch bản cho thị trường hàng không năm 2020 cho đến khi Trung Quốc công bố hết dịch. Cụ thể, nếu dịch hết trong tháng 4 (kịch bản lạc quan nhất), tổng thị trường năm 2020 vẫn đạt 80 triệu khách, tăng 1,1%. Lượng khách qua cảng đạt 119 triệu khách.
Ở kịch bản trung bình (tháng 6/2020 hết dịch), tổng thị trường sẽ chỉ đạt 74,6 triệu khách, giảm 5,7%, lượng khách qua cảng đạt 111,6 triệu khách, giảm 4,2%.
Trường hợp xấu nhất, nếu tháng 8 mới hết dịch, tổng thị trường sẽ giảm sâu 17,2%, chỉ còn 65,5 triệu khách. Lượng khách qua cảng giảm 15,5%, còn 98,5 triệu khách.
Doanh thu ngành hàng không toàn cầu giảm từ 4 - 5 tỷ USD
Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cảnh báo Covid-19 sẽ có tác động lớn hơn đến ngành hàng không so với dịch SARS năm 2003.
Theo ICAO, 50 hãng hàng không đã cắt giảm đáng kể hoạt động, 70 hãng khác đã hủy hoàn toàn tất cả các chuyến bay quốc tế đến và đi từ Trung Quốc đại lục. Ước tính doanh thu ngành hàng không toàn cầu giảm từ 4 - 5 tỷ USD xuất phát từ việc giảm khoảng 40% tổng công suất hành khách trong quý đầu tiên năm 2020, tương ứng gần 20 triệu hành khách.
Dự báo của ICAO trong quý đầu tiên của năm 2020 cho thấy, Nhật Bản mất 1,29 tỷ USD doanh thu du lịch do lượng khách Trung Quốc giảm. Thái Lan có thể mất 1,15 tỷ USD.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận