Hai vợ chồng cụ Biện vẫn giữ thói quen ăn đất ngói hàng ngày |
Tục ăn đất đã có từ lâu nhưng ngay cả những bậc cao niên ở thôn Thống Nhất (nay là Tổ dân phố Thống Nhất, thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) cũng không nhớ chính xác là bao giờ. Chỉ biết, đất ngói (hay còn gọi là đất cao lanh) từng là món ăn khoái khẩu, thậm chí là “đặc sản” để mời khách của những người dân trong thôn. Và cho đến giờ, vẫn còn không ít người giữ thói quen ăn đất hàng ngày, thiếu là thèm.
Mời khách ăn đất như mời kẹo
Dù đã ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng sáng sáng, cụ Khổng Thị Biện (80 tuổi, trú tổ dân phố Thống Nhất) vẫn đều đặn gánh hai bao tải đất ngói ra chợ thị trấn. Ngày nhiều cụ cũng bán được đôi cân, ngày ít thì vài lạng, giá mỗi cân khoảng 200.000 đồng. Tiền bán đất dù không nhiều nhặn, nhưng cũng giúp vợ chồng cụ thêm được mớ rau, con cá mỗi ngày.
Chồng cụ Biện là cụ Khổng Văn Loa, năm nay đã 85 tuổi. Con cái đều đã phương trưởng và ở riêng, hai cụ sống với nhau trong căn nhà lụp xụp phía cuối tổ dân phố. Hàng ngày, sau giờ ra chợ, cụ Biện lại cùng chồng ra mấy quả đồi gần nhà ở xứ đồng Bò Vạng tìm lấy đất.
Cụ Biện cho hay, muốn lấy đất ăn được thì phải đào sâu 2 chiếc chạc (gậy), chỗ nông thì 5-7m, còn không phải 8-9m. Đào được rồi thì chọn loại đất không có sạn, cũng không cứng quá. “Có nghĩa là khi đào xuống độ sâu như vậy nhưng không phải đất nào cũng ăn được, mà phải chọn miếng đất có màu trắng nhờ nhờ, không có vết như đất cao lanh. Sau đó mang về phơi khô, hết độ nước trong đất mới ăn được và ăn nó không bị chua. Sau khi phơi khô, băm nhỏ từng miếng rồi mang về cho vào lò, lấy rơm và lá sim trên đồi hun khói để nó có độ thơm, hun vàng lên là ăn được”, cụ Biện giải thích.
Đưa cho chúng tôi một cục đất nho nhỏ màu vàng nhạt, trông giống như viên đá cuội, cụ Biện cười: “Các chú ăn thử đi, ngon lắm! Vợ chồng tôi không bữa nào không ăn. Giờ nhiều hoa quả, bánh kẹo nên mọi người không còn ăn đất nhiều như trước, chứ ngày xưa làm đất xong chúng tôi mang ra chợ huyện bán đắt hàng lắm, họ mua xong ngồi ăn như ăn kẹo”.
Cắn thử miếng đất, người ăn cảm nhận có vị ngầy ngậy, bùi bùi, bở bở, gần giống như vị lương khô nhưng lại có mùi rất đặc trưng. Thứ mùi đó, theo cụ Biện chính là khói của lá sim khi hun đất.
Còn theo cụ Loa, khi cụ còn nhỏ đã thấy cha, ông mình ăn đất ngon lành, thậm chí ăn hàng bữa. Thấy thế, cụ cũng bắt chước, dần dà thành quen và cụ ăn đất từ đó đến nay, như một món khoái khẩu. Theo cụ Loa, trước đây đất ngói ăn được có nhiều ở khu vực sông Lô, nhưng dần dà đất ở đó cạn kiệt nên một số người đã tìm về khu phố Thống Nhất, nơi có loại đất ngói ăn được và sau đó sinh sống luôn tại đây cho đến bây giờ. Từng có thời, đất ngói hiện diện trong mỗi gia đình, là thứ quà mà người ta mời nhau khi đến nhà chơi, tựa như việc mời nhau uống trà, ăn kẹo mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Cụ Loa kể, đã từng có nhiều đoàn nghiên cứu, trong đó có cả người nước ngoài về đây tìm hiểu. Nhiều người khẳng định, ăn loại đất này rất tốt cho sức khỏe. Có chuyên gia Hàn Quốc khẳng định đây là đất cao lanh. “Nhiều năm ăn đất, tôi thấy hết nóng trong người. Phụ nữ có thai ăn đất này cũng rất tốt vì chứa nhiều canxi”, cụ Loa chia sẻ và cho hay, trước đây mọi người trong làng có thể đào đất ngay tại bờ ao, vệ giếng, mọi chỗ trong làng đất đâu đâu cũng ăn được. Tuy nhiên, hiện nay nhà cửa xây dựng san sát nên chỗ lấy đất cũng chẳng còn lại bao nhiêu.
Ăn đất ngói có tốt cho sức khỏe?
Theo ông Khổng Văn Duy (43 tuổi), tổ trưởng Tổ dân phố Thống Nhất, thị trấn Lập Thạch, ngày trước ở địa phương có rất nhiều chỗ có thể lấy được đất ngói nhưng hiện nay do quá trình đô thị hoá, giờ chỉ còn lại 3 điểm có thể lấy loại đất ăn được này. Cụ thể là: Gò Vạng, xứ đồng Bò Vạng và xứ đồng Dọc Lựu. “Thật sự thì cũng chưa biết là đất này tốt như thế nào, nhưng ngày xưa những phụ nữ có thai mà thiếu chất rất thèm loại đất này. Tôi cũng ăn nhiều rồi và cảm thấy ăn xong trong người rất thoải mái, khoan khoái. Vậy chắc phải có khoáng chất gì trong đó”, ông Duy nói.
Cụ Biện giới thiệu mẻ đất ngói mới hun xong với ông Ngô Văn Minh, Phó chủ tịch thị trấn |
Thậm chí, theo ông Duy, khoảng 20-30 năm trước, đất ăn được bày bán tràn lan ở chợ, chợ nào cũng có gian hàng bán đất, tựa như bán rau, bán thịt. Bởi thế mà Lập Thạch từng là đầu mối cung cấp đất ăn cho nhiều địa phương trong, ngoài Vĩnh Phúc như: Tam Dương, Vĩnh Tường; Lâm Thao, Phù Ninh (Phú Thọ), xa hơn là ở tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang...
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Ngô Văn Minh, Phó chủ tịch UBND thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch cho biết: “Có thể nói, đất ăn được ở đây cứ như là chuyện lạ Việt Nam và từ trước đến nay đã có nhiều đoàn về tìm hiểu. Đời bố mẹ tôi cũng làm, thời kì đó đói kém. Mà đặc biệt ở đây những người phụ nữ có thai rất thèm ăn loại đất này. Không hiểu đất này có chất gì, tôi đã ăn nhiều lần, thấy nó béo béo, ngậy ngậy, không có tí nào là sạn cả”.
Tuy nhiên, theo ông Minh, dù đất ngói là một “đặc sản” của địa phương, song đến nay cũng chưa có một nghiên cứu khoa học nào khẳng định rằng, ăn đất này tốt cho sức khoẻ hay không.
“Hiện giờ đất ăn được chỉ còn tại khu vực gia đình cụ Biện đang ở. Lớp trẻ bây giờ cũng không ăn đất ngói nhiều như trước kia”, ông Minh cho biết, với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, có lẽ chẳng bao lâu nữa, loại đất ăn được của Lập Thạch sẽ chỉ còn trong ký ức.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận