Cô Tô là nơi duy nhất trên cả nước được Bác Hồ cho phép dựng tượng mình khi Người còn sống. Ngày nay, Cô Tô được ví như "đảo ngọc", ngày càng thu hút khách du lịch bởi cảnh sắc tuyệt đẹp cùng những giá trị lịch sử thiêng liêng.
Sau gần một giờ hành trình từ bến cảng Ao Tiên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, chiếc tàu cao tốc ra huyện Cô Tô đã qua vùng biển Cửa Đối.
Tiết trời trong xanh, nên từ Cửa Đối đã thấy Cô Tô hiện rõ như một con rùa khổng lồ trồi trên mặt nước xanh thẳm.
Đảo Cô Tô được phủ kín một màu xanh mướt bởi những cánh rừng nguyên sinh mà quân, dân nơi đây bao đời dày công gìn giữ.
Nằm ở trung tâm thị trấn Cô Tô là những khách sạn cao tầng, những công trình mới xây dựng quy củ, khang trang... Đặc biệt là tượng đài Bác Hồ hướng về đất liền sừng sững, uy nghiêm.
Theo ông Đỗ Huy Thông, Phó chủ tịch UBND huyện Cô Tô, ngày 9/5/1961, Bác Hồ đã tới thăm nhân dân các dân tộc trên đảo Cô Tô.
Yêu kính Bác, quân và dân nơi đây đã xin dựng tượng Người để ngày ngày được ở bên Bác. Nguyện vọng tha thiết ấy đã được Bác đồng ý.
Và đầu năm 1968, tượng đài Bác Hồ đã được nhà điêu khắc Nguyễn Văn Quế cùng các đồng nghiệp bắt tay vào thực hiện. Tượng được làm bằng chất liệu thạch cao,
Lúc đầu, tượng Bác được dựng bán thân, tay phải giơ lên cao vẫy chào như hình ảnh Người đang tươi cười vẫy chào nhân dân khi tới thăm Cô Tô. Tượng cao 1,8m, cả bệ là 4m. Công trình được khánh thành ngày 22/5/1968.
Tháng 6/1976, bức tượng bán thân được thay bằng bức tượng toàn thân với chất liệu bê tông cốt thép, chiều cao 4,5m, cả bệ cao 9m, nằm cách bờ biển 100m.
Tượng Bác đứng uy nghiêm, lưng tựa vào núi, tay phải giơ cao vẫy chào, mặt nhìn hướng ra Biển Đông. Năm 1996, kỷ niệm ngày sinh lần thứ 106 của Bác, bức tượng được thay thế bằng chất liệu đá granit…
"Về giá trị lịch sử thì Cô Tô là nơi duy nhất trên cả nước được phép dựng tượng Bác khi Người còn sống, đây là niềm vinh dự, tự hào lớn lao của nhân dân Cô Tô mà không nơi nào trên cả nước có được", ông Thông chia sẻ.
Ngày nay, những nơi Bác Hồ đến thăm đảo Cô Tô năm xưa đã trở thành những địa điểm du lịch, là "địa chỉ đỏ" để giáo dục truyền thống cách mạng.
Đó là nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi Bác từng gặp gỡ cán bộ Cô Tô năm xưa, nay vẫn còn lưu giữ bộ bàn ghế Bác từng ngồi, chiếc tủ đựng đồ đạc, bộ quần áo, đôi dép Bác từng mang, chiếc giường đơn sơ Bác từng nghỉ trưa…
Năm nay đã 81 tuổi, song cụ Trần Thị Trác, ở khu 4, thị trấn Cô Tô vẫn nhớ như in kỷ niệm hơn 62 năm về trước, khi Bác Hồ ra thăm đảo.
Cụ Trác kể, lúc ấy cụ 19 tuổi, là dân quân tham gia bảo vệ vùng biển, đảo Cô Tô. Trước ngày Bác ra thăm vài ngày, đơn vị của cụ được triệu tập và giao nhiệm vụ chuẩn bị đón Bác. Nghe chỉ huy quán triệt, cả đơn vị vỡ òa, vui mừng khôn xiết.
"Ngày 9/5/1961, Bác ra thăm, cả đảo rợp cờ, có hàng nghìn người từ khắp các đảo đổ về Cô Tô, trên tay mỗi người đều cầm một lá cờ đỏ sao vàng để vẫy chào. Rồi Bác đi thăm ruộng khoai, ra đồng muối, thăm chiến sỹ biên phòng trên đảo", cụ Trác bồi hồi nhớ lại.
Chỉ về khu vực cánh đồng muối, nơi Bác Hồ ghé thăm ngày ấy, cụ Trác cho biết, lúc Bác ra thăm, cụ tham gia bảo vệ ở xa, nhưng đã được chứng kiến tường tận hình ảnh Bác ân cần thăm hỏi sức khỏe các cụ già, chia kẹo cho các cháu thiếu nhi.
"Sau này, tôi được biết rõ hơn là Bác đã căn dặn các cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Cô Tô rất nhiều, từ việc tăng gia sản xuất, củng cố hợp tác xã đến việc phát triển văn hóa, giữ vững trật tự trị an.
Những lời dạy của Bác đến bây giờ vẫn vang vọng để bà con trên đảo đoàn kết, đồng lòng, xây dựng Cô Tô ngày càng giàu, đẹp", cụ Trác tâm sự.
Cũng như bao người dân Cô Tô lúc bấy giờ, vâng theo lời dạy của Người, gia đình cụ Trác yên tâm bám trụ với hòn đảo tiền tiêu dù có nhiều cơ hội chuyển về đất liền sinh sống.
"Lời dạy của Bác khi thăm Cô Tô là cẩm nang trong công cuộc giữ gìn biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Về giá trị văn hóa thì di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô là "cột mốc văn hóa" trường tồn, là "cột mốc chủ quyền" của Việt Nam trên vùng biển đảo.
Đồng thời, đó còn là tài sản đặc biệt, là động lực để Cô Tô thay đổi, vươn lên ngày một giàu đẹp", ông Đỗ Huy Thông xúc động chia sẻ.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết, dù được quan tâm, nhưng một thời kỳ dài Cô Tô vẫn khó khăn chồng chất.
Bởi tiềm năng, lợi thế tuy nhiều, nhất là về du lịch, nhưng hạ tầng giao thông hạn chế, điện lưới không có, nước ngọt thì thiếu thốn.
Cuộc đổi đời thực sự của Cô Tô được bắt đầu từ năm 2014, khi điện lưới từ đất liền vượt gần 60km, luồn sâu dưới lòng biển làm bừng sáng đảo xa. Từ chỗ giao thông cách trở, đến nay Cô Tô đã sở hữu hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối chặt chẽ giữa trung tâm với vùng nông thôn.
Năm 2015, Cô Tô là huyện đảo đầu tiên trong cả nước được công nhận là huyện nông thôn mới. Nếu như thu nhập bình quân của người Cô Tô năm trước khi có điện chỉ khoảng 20 triệu đồng/người/năm thì nay đã lên tới trên 100 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Huy, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch huyện Cô Tô mới hơn 30 tuổi đã sở hữu hệ thống nhà hàng, khách sạn và dịch vụ trị giá hàng chục tỷ đồng ở trung tâm thị trấn với doanh thu mỗi năm vài tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập từ 8-18 triệu đồng/tháng cho gần 20 lao động.
Anh Huy sinh ra lớn lên trên đảo Cô Tô trong một gia đình nghèo. Năm 2013, khi điện lưới kéo ra đảo, anh mạnh dạn vay ngân hàng đầu tư nhà nghỉ 5 tầng.
Khi du khách đến với Cô Tô ngày càng nhiều, anh tiếp tục mở nhà hàng, mua xe máy điện phục vụ du khách.
"Là thế hệ trẻ, được nghe, được đọc về những lời dạy của Bác Hồ với quân và dân trên đảo, tôi tự nhủ cần phải làm gì để xứng đáng", anh Huy chia sẻ.
Nội dung: Quang Minh
Thiết kế: Nguyễn Tường
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận