Xã hội

Về nơi người dân thay nhau canh giữ bảo vật vua ban

17/03/2024, 07:30

Hơn trăm năm qua, người dân vùng đất Phú Gia thay nhau canh giữ bảo vật của Vua Hàm Nghi ban tặng, được đặt tại ngôi đền Trầm Lâm đầy huyền bí. Trong đó, có 2 con voi được đúc bằng vàng ròng, tương truyền rất linh thiêng.

Bí ẩn ngôi đền thiêng

Đền Trầm Lâm (xóm Phú Thành, xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn được người dân gọi bằng tên dân gian là miếu Trăm Năm. Ngày xưa, đây là ngôi đền rất to lớn và linh thiêng nhưng do chiến tranh đã khiến đền bị hư hại khá nhiều.

Về nơi người dân thay nhau canh giữ bảo vật vua ban- Ảnh 1.

Đền Trầm Lâm có giếng nước hình bán nguyệt phía trước.

Di tích đền Trầm Lân được xây dựng theo hướng Nam, với kiểu nhà gỗ, trước đây đền được lợp bằng lá cọ. Trải qua thời gian, đền bây giờ đã được tu bổ nhiều. Phía trước chính diện đền là một hồ nước nhỏ hình bán nguyệt đường kính khoảng 40m. Thành hồ cao khoảng 1,5m, được tạo nên bởi một lớp đá ong viền tự nhiên rất đẹp.

Tương truyền trước kia, nước ở trong hồ một năm có 4 mùa thì nước giếng có 4 sắc. Mùa xuân nước xanh, mùa hạ nước hồng, mùa thu nước trắng và mùa đông nước đen.

Một ngày giữa tháng 3, chúng tôi được gặp cụ Phan Hùng Vỹ (95 tuổi, trú tại thôn Hòa Nhượng, xã Phú Gia), là người đang đảm đương chức vụ "cố đạo chủ", trông coi bảo vật Vua Hàm Nghi ban tặng.

Tại đây, chúng tôi được nghe cụ kể lại những câu chuyện lưu truyền nhiều huyền tích về báu vật vua Hàm Nghi ban tặng và những bí ẩn ở ngôi đền Trầm Lâm.

Theo sử sách, năm 1885, khi kinh thành Huế thất thủ, tướng Tôn Thất Thuyết đã đưa Vua Hàm Nghi mới 14 tuổi cùng đoàn tùy tùng ra Quảng Trị lánh nạn. Đoàn sau đó đi bằng nhiều con đường độc đạo, trở về xã Phú Gia, huyện Hương Khê lập thành Sơn Phòng, ban chiếu Cần Vương lần hai chống Pháp.

Trong thời gian lập căn cứ địa ở Phú Gia, một hôm bị quân Pháp tấn công, Vua Hàm Nghi chạy trốn vào đền Trầm Lâm. Tương truyền, một vị thần linh báo mộng nhà vua không nên ở lại nơi này quá lâu, bởi nguy hiểm cận kề. Vua cảm ơn dân làng rồi rút vào vùng núi Quảng Bình củng cố lực lượng đánh giặc.

Vua Hàm Nghi bàn với tướng lĩnh chuẩn bị sắc phong và lễ vật, ban cho đền Trầm Lâm danh hiệu "Thượng thượng đẳng tối linh thần". Làng được vua tặng cho hai con voi bằng vàng nguyên khối (một con nặng 2,7 lượng, con còn lại 1,7 lượng), 48 đạo sắc phong, 8 bộ áo mũ triều thần, cờ lộng, hai thanh kiếm lưỡi sắt có cán sơn son thiếp vàng, một con nghê đồng, một tấm áo bào, 20 chiếc quạt.

Khắt khe tuyển chọn cố đạo chủ giữ báu vật

Từ ngày được vua ban tặng bảo vật quý, cứ hai năm một lần, người dân Phú Gia làm lễ bầu ra một người uy tín, đặt chức danh là "cố đạo chủ", được đưa hộp sắt đựng bảo vật về nhà cất giữ. Từ năm 2023, cụ Phan Hùng Vỹ, trú thôn Phú Hồ là cố đạo chủ. Đến nay toàn xã có 50 cụ cao niên từng giữ vị trí này.

Về nơi người dân thay nhau canh giữ bảo vật vua ban- Ảnh 2.

Báu vật hai con voi bằng vàng nguyên khối Vua Hàm Nghi ban tặng người dân Phú Gia.

Đến nay, trải qua 138 năm, những bảo vật Vua Hàm Nghi ban tặng vẫn được lưu giữ nguyên vẹn bởi dân làng Phú Gia. Người dân nơi đây chọn lựa kỹ lưỡng người được cất giữ bảo vật vua ban, họ là những cố đạo chủ được dân làng tín nhiệm và "được thần linh tin tưởng khi gieo quẻ âm dương".

Theo phong tục của dân làng, cứ hai năm một lần, vào ngày mùng 7 tháng Giêng hằng năm, người dân và các cụ cao niên trong làng tổ chức lễ Hạ Keo xin thần linh chứng giám, chọn cố đạo chủ mới. Việc tuyển cố đạo chủ cũng rất khắt khe. Đó là người có đạo đức, liêm khiết, cẩn trọng, am hiểu tế tự, gia đình hòa thuận, được người dân tín nhiệm, phải sống thọ cả vợ và chồng.

Người được chọn phải xin quẻ âm dương. Nếu một đồng xu nằm ngửa, đồng xu còn lại nằm sấp trên đĩa thì người này chính thức trở thành cố đạo chủ.

Một nhiệm kỳ cố đạo chủ là 2 năm. Sau khi được lựa chọn, cố đạo chủ phải mặc bộ áo dài truyền thống màu đỏ, dâng hương lên bàn thờ với linh ảnh Vua Hàm Nghi, đọc bài cúng Đức Thánh Mẫu Trầm Lâm, cầu nguyện cho quốc thái dân an. Tiếp đó, Ban lễ nghi sẽ tổ chức lễ rước đưa bảo vật vua từ nhà cố đạo cũ sang nhà cố đạo mới.

Giữ bảo vật như giữ sinh mạng

Đến nay, các bảo vật vua Hàm Nghi ban tặng người dân Phú Gia vẫn được giữ nguyên vẹn. Người dân nơi đây vẫn kể câu chuyện ly kỳ, bí ẩn khiến bảo vật vua ban trở nên linh thiêng, không ai dám có tư tưởng xấu.

Về nơi người dân thay nhau canh giữ bảo vật vua ban- Ảnh 3.

Báu vật hai thanh kiếm lưỡi sắt có cán sơn son thiếp vàng.

Đó là vào năm 1934, một cố đạo được giao trọng trách lưu giữ bảo vật. Nhưng vì lòng tham lam, người này đã mang một trong hai con voi vàng sang Lào đổi lấy 10 con trâu, bò. Trên đường đưa trâu bò trở về nhà, người này đã bị trâu húc chết. Sau đó, khi nghe tin chẳng lành, người dân Lào được đổi trâu, bò lấy voi vàng không dám giữ lại bảo vật bên mình, đưa voi vàng trả lại cho đền Trầm Lâm.

Theo cụ Vỹ, hằng năm cứ đến mùng 7 tháng Giêng âm lịch, người dân và các cụ cao niên trong xã sẽ tập trung tổ chức kiểm tra báu vật nhà vua ban tặng. Theo lệ làng, sau 2 năm canh giữ báu vật sẽ tuyển cố đạo chủ mới để thay thế. Các hiện vật nhà vua tặng sẽ được tổ chức rước đến nhà cố đạo chủ mới, người này phải bảo quản, canh giữ không được làm thất lạc.

Cụ Vỹ tự hào giới thiệu: "Hàng trăm năm qua, những bảo vật này vẫn còn nguyên vẹn như lúc ban đầu. Bao đời nay, người dân làng này sinh ra đã đặt trọng trách gìn giữ bảo vật như sinh mạng của mình. Được trông coi bảo vật rất vinh dự song cũng áp lực, thường tôi không dám đi đâu xa, buổi tối nằm ngủ nghe tiếng động cũng phải tỉnh dậy quan sát".

Ông Trần Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Phú Gia cho biết, hiện nay việc bảo vệ, cất giữ những báu vật vua ban rất cẩn trọng và nghiêm ngặt. Địa phương giao báu vật cho cố đạo chủ cất giữ, nhưng chìa khóa thì lãnh đạo UBND xã giữ.

"Đã hơn một thế kỷ qua, các bậc cao niên trong xã khi được giao trọng trách giữ bảo vật đều xem đó là trách nhiệm lớn lao, đây không chỉ là báu vật vô giá mà còn là linh hồn của xã", ông Tuấn cho hay.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.