Xã hội

Về vùng đất Mai An Tiêm trồng dưa hấu dâng Vua Hùng

14/04/2019, 09:00

Một vùng quê trù phú, núi sông kỳ vĩ thuộc xã Nga Phú, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) ngày nay gắn liền với truyền thuyết về Mai An Tiêm.

img
Núi Mong - nơi Mai An Tiêm hàng ngày đứng nhìn về phương Bắc nhớ quê nhà

Một vùng quê trù phú, núi sông kỳ vĩ thuộc xã Nga Phú, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) ngày nay, cách đây hàng ngàn năm về trước là một hoang đảo nổi lên giữa biển khơi mênh mông, gắn liền với truyền thuyết về Mai An Tiêm - người có công khai phá xây dựng vùng đất ven biển Nga Sơn, cũng là người trồng dưa hấu nổi tiếng.

Nơi “khai sinh” nghề trồng dưa hấu

Những ngày này, tại xã Nga Phú, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) người dân đang tất bật chuẩn bị mọi thứ cho lễ hội tại đền thờ Mai An Tiêm - ông Tổ nghề trồng dưa hấu. Mặc dù đây được xem là dấu tích gia đình Mai An Tiêm - con nuôi của Vua Hùng thứ 18 trú ngụ và trồng dưa hấu.

Ông Đặng Văn Thiết (SN 1975, ngụ tại thôn Văn Đức, xã Nga Phú, huyện Nga Sơn) cho biết: Từ nhỏ cho tới lớn, tôi được nghe kể lại trước kia toàn huyện Nga Sơn đều là nước biển mênh mông. Chỉ có hòn đảo ở xã Nga Phú cao nên Mai An Tiêm và gia đình trú ngụ rồi trồng dưa hấu. Ngày xưa, người dân chúng tôi trồng rất nhiều dưa hấu và nhiều nhất là vào những năm 1985, 1986. Nhưng sau quá trình bồi lắng phù sa của sông Hoạt nên nền đất chắc dần chuyển thành đất thịt không còn đất cát như ngày xưa, vì vậy người dân ít trồng. Sau đó không trồng hẳn.

Còn ông Trần Văn Hòa, công chức Văn hóa xã hội, UBND xã Nga Phú kiêm Trưởng ban quản lý Khu di tích đền thờ Mai An Tiêm cho rằng: Hiện nay, ngoài việc không còn đất cát trồng dưa hấu thì cũng có việc quy hoạch đất ở cho nhân dân, rồi nhu cầu kinh tế thị trường của bà con nên trong xã giờ không ai trồng dưa hấu nữa.

Theo ông Hòa, mặc dù ở xã Nga Phú không còn quỹ đất trồng dưa nhưng những xã lân cận như: Nga An, Nga Thành, Nga Yên, Nga Hải, Nga Giáp… bà con trồng dưa rất nhiều.

img
Ông Phạm Văn Nguyên (xóm 11, xã Nga An) cho biết vụ dưa hấu năm nay bội thu

Đang loay hoay dưới cánh đồng dưa, lão nông Phạm Văn Nguyên (70 tuổi, ngụ xóm 11, xã Nga An, huyện Nga Sơn) cho biết: Năm nay cả 3 sào dưa đẹp và nhiều quả lắm. Độ khoảng 10 ngày nữa là bố con tôi có thể thu hoạch được rồi. Vừa nói, ông Nguyên vừa dẫn tôi dạo quanh một vòng cánh đồng chỉ thấy toàn dưa là dưa.

“Tôi biết trồng dưa hấu từ lúc mới 15-16 tuổi. Có một thời gian không trồng nữa vì giá quá thấp. Nhưng trong đầu tôi luôn nghĩ vùng đất Nga Sơn là nơi xuất hiện dưa hấu đầu tiên và đi vào sử sách thì hà cớ gì mình không giữ cái nghề này. Thế nên mấy năm nay tôi quay lại nghề trồng dưa hấu. Tính cả xóm 11 này phải có tới 20 mẫu dưa hấu với hàng trăm tấn dưa”, ông Nguyên cho hay.

Ngồi cầm chiếc kéo tỉa tót cho cây dưa, bà Nguyễn Thị Thuần (46 tuổi) tâm sự: Trước kia, do công việc làm ăn xa nên tôi cũng mới trồng dưa hấu được khoảng 2 năm nay. Đây là vụ trồng dưa đầu tiên của năm 2019 nhưng thấy rất khả quan, quả ra nhiều và đều, đẹp. Với 2 sào dưa này năm nay chí ít cũng kiếm được ngót nghét 5 triệu đồng. Chúng tôi rất tự hào vì sinh ra và lớn lên ở vùng đất Mai An Tiêm. Nghề trồng dưa này chúng tôi sẽ gìn giữ và truyền lại cho con cháu với mong muốn nhắc nhở về cội nguồn mà ông cha để lại.

Cần một thương hiệu

img
Đền thờ Mai An Tiêm ở xã Nga Phú, huyện Nga Sơn tọa lạc giữa 3 ngọn núi kỳ vĩ có Long chầu, Hổ phục

Liên quan đến việc tại sao là nơi “khai sinh” giống dưa hấu nhưng người dân ít trồng và trồng rải rác, trao đổi với Báo Giao thông, ông Mai Văn Công, Phụ trách Phòng Nông nghiệp huyện Nga Sơn cho biết: Từ năm 2003, cây dưa hấu mới quay trở lại và được trồng trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, giống dưa hấu Mai An Tiêm không còn nữa mà hiện nay người dân chỉ lấy giống lai F1 nhập từ Thái Lan, Nhật Bản… Những năm gần đây, diện tích trồng dưa tăng lên đáng kể như năm 2017 thì có 108ha trồng, đến năm 2019 lên đến 126ha. Riêng vụ xuân năm 2019 tính đến nay có 11 xã trồng với 112ha và đang tiếp tục tăng lên. Trung bình sản lượng quả từ 28-30 tấn/ha.

“Đối với xã Nga Phú không có đất màu, chỉ có đất lúa. Bên cạnh đó, vùng xung quanh khu vực đền thờ Mai An Tiêm đã có quy hoạch cụ thể về xây dựng nhà thờ nâng cấp các hạng mục của khu di tích. Còn nếu có trồng dưa phải thực hiện theo công nghệ cao”, ông Công cho biết thêm.

Theo ông Công, hiện nay việc thu mua dưa hấu vẫn ở trong nội địa, chưa có thương quyền, hợp đồng sản xuất tiêu thụ. Để nhiều người biết đến nguồn gốc của cây dưa hấu cần có tính toán kỹ lưỡng. “Chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ thực hiện nhãn hiệu tập thể “Dưa hấu Nga Sơn” hay “Dưa hấu Mai An Tiêm” cùng với đó là chỉ dẫn địa lý. Mặt khác lựa chọn những xã có truyền thống canh tác dưa hấu như Nga An, Nga Thành, Nga Yên… để làm sao gìn giữ, phát huy nghề trồng dưa hấu trên vùng đất Nga Sơn”, ông Công nói.

Đậm dấu ấn di tích

Ngày nay, trên vùng đất Nga Phú và một số xã lân cận còn có nhiều địa danh gắn liền với Mai An Tiêm. Nơi đảo hoang gọi là bãi An Tiêm, ngọn núi xưa kia là hoang đảo được nhân dân đặt tên là núi Mai An Tiêm. Hang đá tương truyền là nơi ở của gia đình Mai An Tiêm khi mới đặt chân lên nơi này được gọi là hang núi Mai An Tiêm. Ở ngôi nhà cũ của Mai An Tiêm thì lập đền thờ hai vợ chồng ông. Những người kế tiếp công việc của hai vợ chồng An Tiêm trên đảo mỗi ngày thêm đông đúc. Họ lập thành làng Mai An và dưa hấu Mai An Tiêm là sản vật nổi tiếng ở Nga Sơn.

Trải qua những biến cố thiên nhiên và thăng trầm của lịch sử, nhiều địa danh gắn liền với An Tiêm đã thay đổi. Ngôi đền thờ Mai An Tiêm bị đổ nát hoàn toàn, nhiều đồ thờ bị hư hỏng. Đến năm 1990, chính quyền và nhân dân địa phương đã góp công, góp sức cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước đã xây dựng lại ngôi đền trên nền móng cũ. Cổng tứ trụ gồm 4 cột theo truyền thống, trên đỉnh trụ đắp Phượng lật, bốn mặt lồng đèn đắp hoa văn trang trí hình Long - Ly - Quy - Phượng.

Hàng năm, từ ngày 12 đến 15 tháng 3 Âm lịch, tại đền thờ Mai An Tiêm, xã Nga Phú, huyện Nga Sơn, chính quyền và nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội với nhiều hình thức phong phú và hấp dẫn trong đó không thể thiếu hình ảnh quả dưa hấu nhằm khơi dậy truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, đức tính kiên trì nhẫn nại và tình yêu quê hương của Mai An Tiêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.