Xe khách chạy từ Huế qua Lào bốc xếp hàng hóa tại khu vực phía Nam cầu An Nông (huyện Phú Lộc) và ngã ba phía Nam đường tránh Huế (TX Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế) Ảnh: Duy Lợi |
Tình trạng bát nháo của các xe khách hoạt động tuyến liên vận quốc tế Lào - Việt trên địa bàn Thừa Thiên - Huế kéo dài từ lâu, tuy nhiên đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra giải pháp khắc phục triệt để.
Phương tiện "ngoài vùng phủ sóng"
Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng bát nháo trên, PV Báo Giao thông ghi nhận nhiều bất cập không chỉ ở công tác quản lý, kiểm tra, giám sát mà ngay cơ chế, chính sách cũng có “độ vênh” giữa các quy định hiện hành của phía Việt Nam và Lào. Ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý Vận tải và phương tiện (Sở GTVT Thừa Thiên-Huế) cho hay, xe biển số Lào đang “ngoài tầm kiểm soát”. Ngay cả xe mang BKS Việt Nam (BKS Thừa Thiên-Huế) qua biên giới Lào rồi có phóng nhanh, vượt ẩu, đơn vị quản lý cũng không thể theo dõi bằng thiết bị giám sát hành trình. “Bên Lào khác mình, không chỉ ở quy định về thiết bị giám sát hành trình. Quy định của Việt Nam không cho xe khách chở hàng trên nóc xe, nhưng bên Lào lại không cấm việc này”, ông Hồng lấy ví dụ.
Theo Trung tá Lê Hồng Quang, Trưởng phòng CSGT Thừa Thiên -Huế, thời gian qua có xử lý xe BKS Lào, nhưng chưa nhiều. Việc xử lý xe khách BKS Lào không quá khó khăn, bởi vì các xe này lưu thông trên địa bàn Việt Nam thì phải chấp hành pháp luật của Việt Nam. Xe khách BKS Lào chở hàng trong khoang, trên mui, không có thiết bị giám sát hành trình thì CSGT lập biên bản xử lý. |
Thực tế, Hiệp định và Nghị định thư thực hiện vận tải liên vận quốc tế giữa hai nước Việt - Lào đến nay chưa có thay đổi kịp thời, phù hợp. Đơn cử, phía Việt Nam quy định rõ luồng tuyến, bến bãi, nhưng bên nước bạn Lào chỉ cấp giấy đi từ tỉnh này đến tỉnh khác, không ghi rõ tuyến đường, bến đi, bến đến... Các phương tiện mang biển Việt Nam đều phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, còn các phương tiện mang biển Lào thì không…
Đáng chú ý, tình trạng chở hàng hóa, hành lý trên xe khách, đặc biệt là trần xe, quá tải trọng vẫn diễn ra khá phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT. Nhưng đặc thù xe biển Lào hầu hết có nguồn gốc giấy tờ do nước bạn Lào cấp. Vì vậy, mọi thông số kỹ thuật đều do nước bạn thẩm định và cấp, gây không ít khó khăn cho ngành chức năng trong việc quản lý phương tiện này.
Theo ông Ngô Văn Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Thừa Thiên-Huế, các xe mang BKS Lào hoạt động vận tải theo Hiệp định, Nghị định thư mà VN đã ký kết công nhận lẫn nhau giữa các nước. Nhưng thực tế, không có chiếc xe biển “giun” (Lào) nào kiểm định tại Việt Nam. Vừa qua, Bộ GTVT có triển khai kiểm tra thí điểm một loạt xe khách giường nằm chạy các tuyến Bắc - Nam cho thấy rất nhiều xe khách chở quá tải. Ngành chức năng nhận định: chở như xe Lào - Việt, không quá tải mới lạ.
Còn nhiều bất cập
Anh T. (Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) từng là tài xế thâm niên chạy xe BKS Lào tuyến Lào - Việt cho hay, theo quy định tài xế xe BKS Lào phải là người Lào hoặc nếu là người Việt phải có hợp đồng lao động với công ty vận tải bên Lào, đồng thời phải có kinh nghiệm. Nhưng thực tế, hầu hết các xe BKS Lào đều đang do tài xế Việt “lèo lái”. Ghi nhận của PV Báo Giao thông, nhiều nhà xe như Út Mọn vừa có cả xe mang BKS Việt và xe BKS Lào hoạt động chở khách từ Thừa Thiên-Huế sang Lào và ngược lại, không ít xe BKS Lào nhưng số điện thoại vẫn đề tên, số Việt Nam…
“Tình trạng “núp bóng” xe Lào nhằm mục đích trốn thuế diễn ra phổ biến. Có những xe biển “giun” từ Thừa Thiên-Huế chạy qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo rồi qua Paske, nhưng khi về không có khách vẫn vô tư chạy về Salavan rồi về cửa khẩu La Lay, chứ không phải Lao Bảo. Chỉ có xe BKS Lào mới chạy được kiểu đó”, anh T. nói thêm.
Ông Lê Thưởng, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Xe khách Thừa Thiên -Huế cho hay, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng năm đơn vị khai thác tuyến liên vận quốc tế Việt - Lào với hơn 10 đầu xe. Nếu tính cả xe tư nhân phải trên 50 chiếc. Bất cập là người Việt buôn bán bên Lào, mua xe BKS Lào (85-90%) do giá rẻ, thuế nhẹ. Thêm vào đó, các quy định vận tải giữa hai nước có nhiều “độ chênh”. Theo ông Thưởng, quy định ngày xe Lào chạy, ngày xe Việt chạy xen kẽ nhau nhưng xe BKS Việt thực hiện nghiêm, còn xe BKS Lào không thực hiện. Ngày của mình, họ cũng chạy, còn ngày của doanh nghiệp Lào, xe Việt có chạy qua bến Lào, họ không cho về.
Cũng theo ông Thưởng: “Cần có quy định rõ ràng hơn để các doanh nghiệp kinh doanh phục vụ đảm bảo an toàn, văn minh lịch sự tuyến liên vận quốc tế. Bố trí tổ chức vận tải nên phân định rõ ràng ngày nào của Việt Nam, ngày nào của Lào và quy định cụ thể hóa giờ xuất bến của từng doanh nghiệp đăng ký chạy trên tuyến”.
Ông Phạm Xuân Sơn, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý Bến xe Thừa Thiên-Huế cũng cho biết: “Trong hợp đồng hàng năm, bến xe yêu cầu các doanh nghiệp, xe BKS Lào phải chấp hành đúng theo quy định của Việt Nam và phải đáp ứng theo các quy định bến xe mới làm thủ tục xuất bến theo quy định. Nhưng thực tế ra đường, họ vẫn vi phạm, trong khi cơ quan chức năng xử lý khá “chừng mực”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận