“Hai Phượng” doanh thu tốt nhưng…
Những ngày qua, thông tin bộ phim “Hai Phượng” (đạo diễn Lê Văn Kiệt, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân) được Bộ VH, TT&DL chọn làm đại diện Việt Nam tham gia vòng loại của giải thưởng Oscar lần thứ 92 được nhiều người quan tâm. Theo đó, phim sẽ tham gia vòng sơ tuyển tại hạng mục Phim truyện quốc tế xuất sắc. Theo quy định của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS), mỗi nước hoặc khu vực có thể gửi một phim dự tranh giải này. Kết quả 5 tác phẩm được vào đề cử sẽ được Ban tổ chức công bố vào đầu năm 2020. Như thế, “Hai Phượng” sẽ đối đầu với nhiều đối thủ khá mạnh lần này, trong đó có một số ứng viên sáng giá như: “Parasite” (Hàn Quốc, giải Cành Cọ Vàng ở LHP Cannes), “Pain & Glory” (Tây Ban Nha, giải nam chính ở LHP Cannes), “Les Misérables” (Pháp, giải của ban giám khảo ở Cannes)…
Chính thức ra rạp từ tháng 2/2019, “Hai Phượng” là hành trình đi tìm đứa con gái nhỏ bị bắt cóc của một người mẹ đơn thân là có tên Hai Phượng (diễn viên Ngô Thanh Vân thủ vai). Phim hội tụ cả yếu tố tâm lý, hành động và đề tài xã hội nóng bỏng và vấn đề bắt cóc trẻ em đã khiến phim nhanh chóng lập kỷ lục doanh thu phòng vé với 135 tỷ đồng sau 2 tuần công chiếu. Phim còn được công chiếu tại thị trường Mỹ, Canada và Trung Quốc, được dịch vụ xem phim trực tuyến lớn nhất tại Mỹ là Netflix mua bản quyền phát sóng.
Đạt được nhiều thành tích về mặt thương mại và quảng bá nhưng khả năng làm nên chuyện của “Hai Phượng” tại Oscar lại khiến nhiều người nghi ngờ. Theo biên kịch - chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước, anh và giới làm nghề đều tôn trọng những thành công của “Hai Phượng” ở thị trường Việt Nam cũng như quốc tế. Thế nhưng, đây là bộ phim thuần thương mại, không hội tụ được những tiêu chí về nghệ thuật để tham gia một giải thưởng điện ảnh quốc tế như Oscar.
Thậm chí trong mùa phát hành phim Việt thời gian qua, cũng chưa có phim nào đủ tính chất lẫn cân lượng thật sự xứng tầm để đi dự thi Oscar, nếu xét từ xuất phát điểm thực hiện dự án phim hoặc kể cả khi đã thành phẩm. Mặc dù thời gian qua, cũng có một vài phim Việt đủ tốt và nhận được sự quan tâm ít nhiều của khán giả Việt và giới truyền thông, giới làm nghề, nhưng có vẻ chỉ là đáp ứng được trong thị trường phim Việt chứ khó có “cửa” gây chú ý với khu vực châu Á và quốc tế. “Đưa “Hai Phượng” đi thi Oscar, dù phim có doanh thu tốt nhưng nếu xem nó như một phim có tính nghệ thuật và dấu ấn điện ảnh để gây đột phá với một LHP chuyên ngành quốc tế thì không ai có lòng tin về điều đó”, anh Phước nhấn mạnh.
Điện ảnh Việt vẫn ở nấc thang thấp
Chúng ta phải hiểu nền điện ảnh bản địa đang có gì. Ai cũng biết chất lượng của các phim mỗi năm gửi đi dự thi thế nào thì cứ ráng mỗi năm lại chọn một phim đi dự thi để làm gì? Tôi nghĩ, nếu chúng ta có phim tốt thì có thể mang thi quốc tế, còn không thì nên can đảm dừng lại, cứ chấp nhận là chưa có để tiếp tục cố gắng.
Chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước
Cũng theo chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước, Cục Điện ảnh và Bộ VH, TT&DL cũng như những nhà sản xuất, người làm phim nên nhìn nhận thẳng thắn rằng, các phim Việt nếu không phù hợp thì không nhất thiết phải đưa đi thi tại Oscar cho có hoặc chỉ để vinh danh bề nổi. Rõ ràng, để những bộ phim lọt được vào đề cử của Oscar luôn phải có những “công thức” nhất định. Thị trường phim Việt vài năm gần đây có phát triển tốt. Hầu hết các dự án có xuất phát điểm nền đều là làm thuần thương mại, nhắm vào doanh thu chứ không có chủ đích để đi thi giải thưởng quốc tế. Ngoại trừ một số bộ phim hiếm hoi thuộc dòng phim độc lập của những người tự bỏ tiền túi thực hiện, nhằm thỏa mãn đam mê làm nghề chứ không đặt nặng doanh thu, hoặc những dự án có khả năng xin được quỹ tài trợ của nước ngoài.
Thực tế thời gian qua, điện ảnh Việt cũng đón nhận nhiều tin vui khi có nhiều dự án phim Việt đạt được những giải thưởng điện ảnh tại nhiều LHP quốc tế như: “Vợ ba” - giải thưởng Phim châu Á xuất sắc nhất tại LHP Quốc tế Toronto, Canada; Giải Phim hay nhất tại phần thi quốc tế của LHP quốc tế Kolkata, Ấn Độ lần thứ 24…; Cu Li Never Cries của Phạm Ngọc Lân đoạt giải ARTE International Open Doors và S-rfond tại LHP Locarno;… Thế nhưng, ở giải thưởng Oscar lại chưa từng có bộ phim đại diện Việt Nam nào làm nên chuyện, ngoại trừ phim “Mùi đu đủ xanh” được đề cử vào năm 1994 (diễn viên Việt, nói tiếng Việt nhưng được sản xuất bởi Pháp).
Đạo diễn Phan Đăng Di nhìn nhận, Oscar là giải thưởng điện ảnh thuộc về số đông khi các thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ bình chọn cho tác phẩm họ thích. Phim nào càng chinh phục nhiều người thì cơ hội được giải càng cao. Anh phân tích, những bộ phim đoạt giải Oscar thường có kịch bản chặt chẽ, có cấu trúc, câu chuyện rõ ràng, dễ hiểu, đủ đơn giản nhưng đủ xúc động. Trong đó, nhân vật chính thường yếu thế, có sức vươn lên và có niềm tin vào giá trị căn bản. Tuy nhiên, giải Oscar lại mang màu sắc phương Tây nên những nước nói tiếng Anh sẽ có lợi thế hơn.
Nói về cơ hội cho phim Việt tại Oscar, đạo diễn Phan Đăng Di thẳng thắn, với cơ chế quản lý và ngoại giao điện ảnh như Việt Nam hiện nay thì Oscar có thể ngoài tầm với. Mấy năm qua, phim Việt được vào những LHP lớn của thế giới khá liên tục nhưng không ai quan tâm dù đó là điều rất quan trọng. Chúng ta có những hạn chế về mặt tài năng, khâu kiểm duyệt và thiếu công bằng đối với các tài năng. Điều đó làm điện ảnh Việt vẫn ở nấc thang tương đối thấp so với thế giới. “Chính sách quản lý thiếu tầm nhìn, nhiều tài năng không được đoái hoài. Với cách vận hành như thế, chúng ta sẽ không bao giờ có hy vọng để mong điện ảnh với được tới Oscar hay tầm quốc tế”, đạo diễn Di cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận