Sau hơn ba năm kể từ khi Công ty CP Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines chính thức khai thác 7 tuyến xe buýt nội thành trên địa bàn thành phố Cần Thơ, những chuyến xe hiện đại, tiện nghi, an toàn vẫn đều đặn chạy theo lộ trình. Nhưng lượng khách vẫn vắng vẻ.
Chất lượng tốt nhưng vẫn "ế khách"
Từ tháng 9/2020 đến nay, Công ty CP Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines tham gia đầu tư, khai thác 7 tuyến xe buýt nội tỉnh không trợ giá với 42 xe buýt chất lượng cao, có máy lạnh, wifi.
Nghịch lý là dù đã được đầu tư về chất lượng xe, dịch vụ, phục vụ tốt, nhưng vẫn chưa thật sự thu hút người dân sử dụng loại hình dịch vụ vận tải công cộng này.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, các tuyến xe buýt di chuyển trong nội ô Cần Thơ, mỗi chuyến chỉ có khoảng 2-3 hành khách. Thậm chí một số chuyến khi xuất bến không có hành khách nào.
Một tài xế xe buýt tuyến Ba Láng - Ô Môn cho biết: "Khách chỉ tập trung đông vào các khung giờ cao điểm và đông nhất là tại các bệnh viện như 121, Đa khoa thành phố, Đa khoa Trung ương và dao động từ khoảng mười mấy đến hơn ba mươi mấy người. Các giờ khác và những tuyến khác thường rất ít người đi, chủ yếu là người lao động có thu nhập thấp".
Sau ba năm hoạt động, tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng đã tăng lên 3,6% so với trước tháng 9/2020 (0,7%) nhưng kết quả thì vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Đường phố Cần Thơ vẫn thường xuyên ùn tắc vào các giờ cao điểm, đặc biệt là với phương tiện cá nhân.
Chính vì lượng khách không như kỳ vọng, tuyến Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ - bến xe khách Trung tâm Cần Thơ đã tạm dừng hoạt động từ tháng 7/2023.
Thống kê tháng 9/2023, trong 6 tuyến còn lại có đến ba tuyến sản lượng hành khách sụt giảm so với tháng trước từ 1,4 - 13,4%.
"Tôi biết xe buýt hiện đã được đầu tư hơn so với trước đây, tốt từ chất lượng đến dịch vụ, 20 phút là có chuyến thay vì phải chờ hơn 1 giờ như trước đây. Nhưng để các thành viên trong gia đình thay đổi thói quen đi xe buýt thay vì xe máy là hơi khó", bà Phương Anh (ngụ quận Ninh Kiều) chia sẻ.
Còn theo anh Minh Thái (ngụ quận Cái Răng) lý giải, điểm đón xe buýt từ nhà đến nơi làm việc rất tiện lợi, nhưng để đến cơ quan, anh phải xuống điểm cuối tuyến tại bến Ba Láng rồi đi bộ thêm một đoạn khoảng 1km. Sẽ rất bất tiện nếu sử dụng xe buýt là phương tiện đi làm thay cho xe máy.
Điều chỉnh lộ trình
Nói về nguyên nhân các tuyến xe buýt chưa phát huy hiệu quả khai thác như mong muốn, ông Nguyễn Thanh Tân, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT thành phố Cần Thơ) cho biết, hiện vẫn chưa có chủ trương trợ giá cho doanh nghiệp tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Chính vì vậy, các tuyến buýt đang khai thác chưa đảm bảo tần suất hoạt động ổn định, mạng lưới tuyến chưa thật sự phát triển rộng khắp do việc lo ngại thua lỗ của đơn vị vận tải khi tham gia đầu tư các tuyến mới.
Hệ thống nhà chờ xe buýt chưa được cải thiện, quá cũ kỹ và các bến xe buýt hiện đang khai thác là bến tạm so với đơn vị đưa phương tiện khai thác chưa đáp ứng nhu cầu cũng cản chân hành khách...
Ông Tân cho biết, trung tâm sẽ phối hợp cùng đơn vị khai thác điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt hiện hữu, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Đồng thời, tiếp tục mở rộng mạng lưới tuyến để tăng cường năng lực kết nối hiệu quả giữa xã, phường, thị trấn, quận, huyện đến trung tâm thành phố và khu vực lân cận.
Cùng với đó, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người dân khai thác, sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động về vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Qua đó, giúp người dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin.
"Trong thời gian tới Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị định hướng mở rộng tuyên truyền đến xã, phường, thị trấn thông qua các buổi tuyên truyền hội thảo về giao thông.
Theo đó, tổ chức các hoạt động giao lưu, trải nghiệm sử dụng xe buýt công cộng, hướng đến đối tượng là học sinh, sinh viên ở các trường học trên địa bàn thành phố Cần Thơ, nơi có các tuyến xe buýt đi qua", ông Tân cho biết thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận