Văn hóa - Giải Trí

Ví não người vi phạm với "não bò sát", "não thú", VTV24 gây tranh cãi

31/07/2021, 18:40
image

Nội dung Điểm tuần của VTV24 phân tích não người vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19 giống "não bò sát", "não thú" gây tranh cãi dữ dội.

Nỗi sợ và cấu tạo bộ não con người

Chuyên mục Điểm tuần của VTV24 lên sóng trưa ngày 31/7 với chủ đề "Nỗi sợ mùa Covid-19: Từ những "vận động viên" đến virus tin giả" đang trở thành đề tài nóng trên các diễn đàn, mạng xã hội.

Trong đó, lời dẫn của BTV Sơn Lâm khi ví não của những người vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19 với "não bò sát", "não thú" gây tranh cãi dữ dội.

img

Nội dung phóng sự trong chương trình Điểm tuần của VTV24 gây tranh cãi

Cụ thể, nhắc đến những trường hợp người dân Hà Nội bất chấp lệnh cấm tập thể dục theo Chỉ thị 16, chương trình đặt vấn đề rằng dường như: "Họ không sợ Covid-19 thì phải? Nếu nghĩ rằng họ không sợ thì e rằng chưa được xác đáng. Để hiểu rõ hơn, có lẽ ta phải nhìn vào cấu tạo bộ não của con người.

Về cơ bản thì bộ não con người có thể chia làm 3 phần: Não bò sát, não thú và não người. Nỗi sợ ở 3 khu vực này cũng có những điểm khác biệt".

BTV Sơn Lâm phân tích thêm: "Ở phần não bò sát, nỗi sợ sẽ biến thành hành động bản năng, ngay lập tức và vô điều kiện, ví dụ như nhìn thấy lực lượng chức năng thì chạy chẳng hạn.

Ở phần não thú: Nỗi sợ sẽ chi phối hành vi con người ở dạng cảm xúc, ví dụ như: "ở nhà chán quá, ra ngoài tí xem nào".

Cuối cùng, ở phần não người: Nỗi sợ giờ sẽ đi kèm với tư duy trừu tượng, ý thức, trách nhiệm với mối nguy có thể có trong tương lai.

Tóm lại, mỗi người lại đang dùng một phần não khác nhau để đối diện với Covid-19, nên mới có người ở nhà, có người lại ra ngoài không lý do chính đáng.

Vấn đề ở đây là cần tìm một mẫu số chung cho tất cả mọi người. Đây là lúc những quy định, chế tài cụ thể thể hiện vai trò của mình, mà đơn giản nhất là đánh vào túi tiền của mỗi người".

Trong diễn biến mới nhất, đoạn phóng sự của VTV24 không còn tồn tại trên website và kênh YouTube của Đài VTV.

So sánh không phù hợp

Đoạn phóng sự của Đài VTV lập tức trở thành đề tài bàn tán với 2 luồng dư luận. Một bộ phận khán giả rất đồng tình với cách lên án, ví von này.

img

Nhiều người dân phớt lờ lệnh cấm hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người ở công viên, vườn hoa và các điểm công cộng trong những ngày đầu Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ảnh: Phùng Đô

"Trong thời điểm này, phải cho những điển hình tiên tiến lên, tác dụng tuyên truyền cao hơn, chỉ trích mạnh mẽ để giảm vi phạm, điều này hoàn toàn nhân văn với cả cộng đồng, ủng hộ VTV bài này", "Trong sinh học, não ai cũng có 3 thành phần như vậy. Chẳng có gì là so sánh với động vật ở đây vì con người cũng là một loài động vật", "VTV chưa bao giờ làm tôi thất vọng"... là một số bình luận của khán giả.

Trong khi đó, nhiều người khác lại không đồng tình với đoạn phóng sự này của VTV và cho rằng đây là một việc làm thiếu nhân văn.

"Phê phán thì cho nghiêm túc, sai thì phạt nặng. Phân tích kiểu não nọ não kia là không ổn rồi", "Mấy cái này đăng trên YouTube có thể phù hợp với người xem trẻ, đăng trên chương trình khoa giáo phân tích não bộ con người cũng ok nhưng lên sóng truyền hình thời sự giờ vàng không ổn", "Tôi cũng bất bình với những người không tuân thủ Chỉ thị số 16/CT-TTg của thành phố. Nhưng để làm một chương trình như thế này khiến người xem có cảm giác sự ví von đi quá giới hạn"... là một số bình luận của cư dân mạng.

img

Hình ảnh tại Hồ Giảng Võ hôm 13/7. Ảnh: Phùng Đô

Trao đổi với báo Giao thông, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, để chiến thắng được dịch bệnh, chúng ta cần phải tuân thủ theo các biện pháp được Chính phủ quy định.

Ngoài sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, vẫn có một số ít cá nhân ý thức kém khi chưa tuân thủ các quy định, vẫn tập thể dục, đi dạo ngoài đường hoặc có hành vi chống trả lực lượng chức năng.

Tuy nhiên, luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, hành vi vi phạm của họ sai phạm đến đâu thì xử lý đến đấy có thể bằng hành chính hoặc hình sự.

"Việc xử lý phải tuân theo các quy định. Các cơ quan báo chí khi thực hiện nhiệm vụ của mình cần cẩn trọng, không dùng lời nói, hành động có tính chất miệt thị, sỉ nhục dẫn đến hậu quả là người bị hại bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm", luật sư Diệp Năng Bình phân tích thêm.

Tại khoản 1 và 3 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.[…]

Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật”.

Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Đêm 23/7, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, như sau:

Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 06h00 ngày 24/7/2021 trên phạm vi toàn Thành phố theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; Thành phố cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định.

Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động...

Video: VTV24

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.