Lực lượng TTGT tỉnh Hưng Yên vẫn làm tốt công tác ngăn ngừa, xử lý xe quá tải khi thiếu lực lượng CSGT tham gia - Ảnh: Tạ Tôn |
Đặc biệt, 13 tỉnh thành viện ra đủ lý do bào chữa cho việc chậm trễ, chây ỳ chưa đưa trạm cân lưu động hoạt động trở lại sau khi kết thúc kế hoạch siết xe quá tải giữa liên ngành Công an - GTVT. Vì sao lại như vậy?
|
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN:
Cuộc chiến chống xe quá tải vẫn cam go
Hiện nay, 50 tỉnh đã có quy chế phối hợp, nhưng vẫn còn 13 tỉnh (Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Đắk Nông, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau) chưa đưa trạm cân vào hoạt động. Lý do chưa đưa trạm vào hoạt động theo các địa phương, chủ yếu do không bố trí được lực lượng, một số tỉnh cho rằng phải có lực lượng công an tại trạm mới xử lý được xe quá tải. Một số tỉnh khác cho biết, dù Sở GTVT đã tham mưu xây dựng kế hoạch nhưng lãnh đạo tỉnh vẫn chưa chỉ đạo thực hiện, đơn cử như tỉnh Hà Nam mặc dù trạm vẫn hoạt động nhưng không hiệu quả.
6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng tại các Trạm KTTTX lưu động, cố định và Thanh tra các Sở GTVT, Thanh tra các Cục Quản lý đường bộ sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra trên 174.000 xe, trong đó có gần 20.000 xe vi phạm, tước trên 6.400 GPLX, xử phạt nộp kho bạc nhà nước trên 180 tỷ đồng. Nhiều địa phương triển khai tích cực xử lý xe quá tải như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Kon Tum, Gia Lai... |
Tổng cục cũng nhiều lần đôn đốc nhắc nhở, các tỉnh phải thực hiện nghiêm theo Chỉ thị 32 của Thủ tướng, Chủ tịch tỉnh kiêm Trưởng ban ATGT phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng việc đưa trạm cân vào hoạt động. Tuy nhiên, Tổng cục cũng chỉ đôn đốc được đến các Sở GTVT, còn cấp tỉnh rất khó. Trong tháng 7, Bộ GTVT sẽ có buổi làm việc với Bộ Công an để thống nhất tiếp tục xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành xử lý xe quá tải. Kiểm soát tải trọng xe là cuộc chiến rất khó khăn, nhưng việc kiểm soát tải trọng xe vẫn phải kiên trì, 10% xe quá tải còn lại chủ yếu tồn tại được là do bảo kê.
Tới đây, để tiếp tục công tác kiểm soát xe quá tải, Tổng cục Đường bộ VN đã tham mưu cho Bộ GTVT ban hành Kế hoạch 12885, tham mưu trình Bộ GTVT ban hành Thông tư số 06 quy định quy trình sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và đang tiến hành tập huấn đến các cơ sở và tổ chức hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ. Tổng cục cũng tiếp tục đẩy nhanh việc thực hiện Quy hoạch các Trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) theo Quyết định 1885 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tiến hành rà soát 28 vị trí lắp đặt trạm KTTTX cố định. Trong đó, tập trung 9/28 vị trí đã được đầu tư, lắp đặt thiết bị cân KTTTX. Đồng thời, rà soát việc kết nối 24 bộ cân đã được lắp đặt tại các trạm thu phí.
Đồng thời, Tổng cục trực tiếp chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ tăng cường kiểm soát xe quá tải tại các đầu mối nguồn hàng và kiểm soát đột xuất xử lý tại các điểm nóng vi phạm các tuyến quốc lộ trọng điểm. Đặc biệt, tối thiểu mỗi quý một lần, tất cả các lãnh đạo từ tổng cục đến các cục trưởng, cục phó các Cục Quản lý đường bộ phải trực tiếp xuống đường, xuống cơ sở để kiểm tra, xử lý xe quá tải.
|
Ông Lư Thành Đồng, Giám đốc Sở GTVT, Phó Ban thường trực Ban ATGT TP Cần Thơ:
Không đủ người điều hành trạm kiểm tra tải trọng xe
Thời gian qua, Trạm kiểm tra trọng tải xe lưu động Cần Thơ phải tạm ngừng hoạt động do không có lực lượng công an phối hợp. Mặt khác, lực lượng TTGT của Sở GTVT TP Cần Thơ còn quá ít người do một số bị bắt, truy tố do dính tiêu cực, một số khác đang bị tạm đình chỉ công tác nên không đủ người để điều hành trạm kiểm tra trọng tải xe lưu động.
Thực hiện chỉ đạo của cấp trên về việc đưa trạm kiểm tra trọng tải xe lưu động vào hoạt động trở lại, lãnh đạo Sở GTVT đã chỉ đạo lực lượng TTGT tiến hành kiểm tra, sửa chữa phương tiện và khảo sát vị trí đặt trạm để trong tuần này hoặc muộn nhất là trong tháng 7 phải đưa trạm kiểm tra trọng tải xe lưu động trở lại hoạt động. Trước mắt, do lực lượng công an đã từ chối cử lực lượng phối hợp nên lực lượng TTGT phải điều hành hoạt động của trạm kiểm tra trọng tải xe lưu động.
Việc lực lượng TTGT không được dừng xe để kiểm tra cũng là một vấn đề hết sức khó khăn khi đưa trạm kiểm tra trọng tải xe lưu động. Bằng mắt thường thì rất khó phát hiện xe nào đủ tải, xe nào quá tải. Còn việc dùng xe đuổi theo để bắt xử lý nguội cũng không được...
|
Ông Lê Xuân Nhị, Chánh TTGT (Sở GTVT Đắk Nông):
Trạm cân dừng do thiếu người vận hành
Từ tháng 10/2016, sau khi kết thúc quy chế phối hợp 12593 giữa TTGT và CSGT, Trạm KTTTX lưu động số 56 được rút, ngưng hoạt động. Cùng đó, một phần là do TTGT thiếu thanh tra viên (TTGT tỉnh Đắk Nông chỉ có 1 thanh tra viên – PV) nên không thể vận hành Trạm cân được. Vừa qua, TTGT vừa được bổ nhiệm 4 thanh tra viên nên trong thời gian tới sẽ cho triển khai trạm cân ngay. Hiện, Sở GTVT đã trình UBND tỉnh quy chế phối hợp mới và đang chờ UBND tỉnh phê duyệt. Ngay sau khi có kết quả, Sở GTVT sẽ triển khai ngay để xử lý xe quá tải trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian Trạm KTTTX lưu động ngưng hoạt động thì TTGT bố trí lực lượng TTKS bằng cân xách tay để xử lý các vi phạm về tải trọng tập trung trên các tuyến tỉnh lộ 1, 2, 3, 5, 6 và QL28.
|
Ông Phùng Văn On, Phó ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Long An:
Tận dụng các trạm cân tư nhân trên QL1 để cân xe quá tải
Dù chưa có trạm cân xe quá tải lưu động trên QL1 nhưng các lực lượng TTGT, CSGT…vẫn phối hợp tốt để kiểm tra, xử lý xe quá tải. Theo đó, tỉnh đã trang bị cho công an 15 huyện cùng TX Kiến Tường và TP Tân An mỗi đơn vị 1 cân xách tay để xử lý xe quá tải. Ngoài ra, còn trang bị khoảng 10 cân xách tay cho 2 lực lượng TTGT, CSGT tỉnh xử lý xe quá tải trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ…
Bên cạnh đó còn tận dụng các trạm cân cố định của các nhà máy, xí nghiệp trên quốc lộ để xử lý xe quá tải. Riêng lực lượng TTGT kiểm tra, xử lý xe quá tải tại các bến bãi, kho hàng... bằng cân xách tay hoặc cân của doanh nghiệp tư nhân gần nơi kiểm tra.
|
Ông Ma Trương Thiêm, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bắc Kạn:
Đã đưa trạm cân hoạt động trở lại
Sau khi Kế hoạch 12593 hết hiệu lực, 2 lực lượng CSGT và TTGT địa phương phân cấp hoạt động độc lập. Việc CSGT và TTGT tiến hành công tác kiểm soát tải trọng độc lập, không có sự phối hợp như trước khiến cho công tác nghiệp vụ của lực lượng TTGT gặp nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện lực lượng đơn vị vốn mỏng, trang thiết bị còn nhiều thiếu thốn trong khi các tuyến đường do đơn vị quản lý rộng và ở nhiều địa phương xa xôi.
Trước thực tế trên, Sở GTVT tỉnh Bắc Kạn đã có ý kiến đề nghị UBND tỉnh cho phép đơn vị kiện toàn Trạm cân tải trọng xe lưu động và sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý hoạt động của trạm này. Sau khi được UBND tỉnh chấp thuận, lực lượng TTGT đã sử dụng hệ thống cân của trạm đưa về đặt Km145+100 QL3B để kiểm soát tải trọng xe. Trạm cân đã đưa vào hoạt động từ 1/7 và sau khi có trạm cân, xe quá tải giảm hẳn
|
Ông Nguyễn Văn Ninh, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Sơn La:
Trạm cân hỏng cần sửa chữa mới hoạt động tiếp
Hiện, Sơn La đang xây dựng chủ trương đưa Trạm KTTTX lưu động tiếp tục hoạt động trở lại. Sau một thời gian trạm cân lưu động của địa phương tạm dừng, vừa qua Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã có ý kiến trao đổi với Giám đốc Sở GTVT tỉnh trong đó đề cập đến chủ trương tiến tới kiện toàn và đưa trạm cân tải trọng xe lưu động của địa phương đi vào hoạt động.
Từ khi trạm cân dừng hoạt động, tình trạng xe quá tải trên địa bàn không có dấu hiệu bùng phát nhưng vẫn có hiện tượng xe quá tải tái xuất hiện nhỏ lẻ. Hiện, tỉnh đã có chủ trương sẽ cho trạm cân hoạt động trở lại nhưng cần thêm thời gian để các sở, ban, ngành và lãnh đạo tỉnh họp bàn, lập phương án triển khai trong thời gian tới.
Tuy nhiên, hiện trạm KTTT lưu động ở Sơn La đã bị hỏng, nếu muốn đưa vào sử dụng tiếp cần được kiểm tra và sửa chữa.
|
Ông Nguyễn Văn Bảy, Chánh TTGT tỉnh Tiền Giang:
Không có vị trí phù hợp đặt bộ cân Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp
Bộ cân kiểm soát tải trọng xe lưu động do Tổng cục Đường bộ VN cấp năm 2016 bị hỏng 4 lần, hiện tại không sử dụng được. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh không có mỏ, cảng, bến bãi quy mô lớn nằm trên trục đường tỉnh; các tuyến đường tỉnh không có vị trí phù hợp để đặt bộ cân do Tổng cục Đường bộ VN cấp, nên việc sửa chữa, khôi phục bộ cân này để kiểm soát tải trọng là không khả thi và không có hiệu quả.
Trong quá trình kiểm tra bằng cân xách tay do đơn vị tự trang bị có những trường hợp vi phạm cần hạ tải như xe chở hàng tươi sống, thiết bị cấu kiện hàng không thể tháo rời chưa có nơi đủ điều kiện cho việc hạ tải phương tiện và bảo quản tài sản của người vi phạm nên gặp khó khăn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận