Nguồn chi phí cho quỹ do xã hội hóa
Trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an soạn thảo và hoàn thiện, cơ quan này đề xuất một số nội dung về quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ.
Cụ thể, Điều 84 của dự thảo định nghĩa quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được hình thành ở Trung ương để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ.
Quỹ này được hình thành từ các nguồn gồm: Hỗ trợ, viện trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước...
Quỹ ưu tiên chi các hoạt động như: Hỗ trợ nạn nhân, gia đình nạn nhân do TNGT đường bộ gây ra; Hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tuyên truyền giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ mà không được nhà nước bảo đảm kinh phí.
Về nguyên tắc hoạt động, quỹ này được lập ra không vì mục đích lợi nhuận. Việc quản lý, sử dụng quỹ đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch và không được chi trùng với ngân sách nhà nước.
Cũng theo dự thảo, Chính phủ sẽ quy định việc thành lập, quản lý, sử dụng quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ.
Hạn chế tổn thất và khắc phục hậu quả TNGT
Lý giải sự cần thiết phải thành lập quỹ, Bộ Công an dẫn chứng Luật Giao thông đường bộ năm 2008 tuy đã có quy định về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra TNGT đường bộ. Song, các nội dung đó chưa nêu cụ thể về công tác giải quyết tai nạn, nhất là quy định về quỹ giảm thiểu thiệt hại.
Khi xảy ra TNGT có hậu quả thiệt hại về người và tài sản, nếu không có quỹ để giảm thiểu những hậu quả thiệt hại này sẽ khiến các nạn nhân cùng thân nhân, gia đình của họ thêm nhiều gánh nặng, thậm chí có thể kiệt quệ về kinh tế, bất ổn về tinh thần, dẫn đến kìm hãm sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Theo Bộ Công an, đa số nạn nhân trong các vụ TNGT ở trong độ tuổi lao động, họ là nguồn thu nhập chính của gia đình và là lực lượng lao động để phát triển kinh tế - xã hội. Khi xảy ra tai nạn, gia đình họ không những bị mất đi nguồn thu nhập chính mà còn phải chi phí thuốc men, chạy chữa hoặc khắc phục thiệt hại về tài sản. Từ đó, làm tăng gánh nặng cho xã hội.
Cơ quan soạn thảo đánh giá quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGTĐB nếu được quy định trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ tạo cơ sở pháp lý đủ mạnh, rõ ràng để triển khai việc hỗ trợ nạn nhân. Đồng thời, hỗ trợ cho các lực lượng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; hỗ trợ việc phòng ngừa, hạn chế tổn thất, thiệt hại và khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại do TNGT đường bộ gây ra.
Bên cạnh đó, quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ và kinh phí phục vụ cho việc giảm thiểu thiệt hại sẽ là nguồn tài chính xã hội hóa, không phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn ngân sách của nhà nước.
Quỹ cũng huy động được tối đa nguồn lực và phát huy được sự chung tay chia sẻ của toàn xã hội hỗ trợ về tinh thần, vật chất cho những nạn nhân và gia đình có người không may bị nạn do TNGT, giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Nguồn quỹ cũng khích lệ các lực lượng thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ ngày một tốt hơn, từ đó sẽ giảm TNGT đường bộ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận