Đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, dù công tác đào tạo trẻ vẫn đang được nhiều địa phương, nhiều CLB chú trọng?
Thầy Park đau đầu lo SEA Games
Trung tuần tháng 8/2020, HLV Park Hang-seo triệu tập đội tuyển U22 Việt Nam để sàng lọc lực lượng cho SEA Games 31 diễn ra trên sân nhà vào năm sau. Đáng chú ý, ở lần hội quân này, ông Park điền tên tới 48 cầu thủ, số lượng đông nhất trong lịch sử các đội tuyển.
Với lứa U22 hiện tại, bóng đá Việt Nam không có nhiều cái tên xuất sắc, bởi vậy, ông Park buộc phải tuyển chọn trên diện rộng nhằm tìm được bộ khung ưng ý.
Một chi tiết nữa cũng cần được lưu tâm, một bộ phận không nhỏ cầu thủ lên tuyển U22 nhưng những động tác kỹ thuật cơ bản còn hạn chế, khiến ban huấn luyện khá vất vả căn chỉnh.
Thực tế, sau lứa U23 Việt Nam gây sốt ở giải U23 châu Á 2018 (diễn ra tại Thường Châu, Trung Quốc) và liên tiếp thành công trong hai năm qua, bóng đá Việt Nam gần như không giới thiệu được cái tên nào thực sự nổi bật.
Tại các giải trẻ khu vực cũng như châu lục, Việt Nam đều bị loại sớm, lối chơi nhạt nhòa. Hệ quả là hiện nay lớp kế cận cho đội tuyển Việt Nam đang rơi vào tình trạng đáng phải lo lắng.
Trong quá khứ, sau chức vô địch AFF Cup 2008, bóng đá Việt Nam cũng trải qua một thời gian dài khan hiếm tài năng và phải mất tới 10 năm (từ năm 2008 đến năm 2018) để có được thế hệ xuất sắc gồm những Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh, Công Phượng, Xuân Trường, Văn Đức… như hiện tại. Hai năm sau chiến tích tại giải U23 châu Á, dường như câu chuyện quá khứ đang lặp lại với bóng đá Việt Nam.
Nghịch lý ở chỗ, công tác đào tạo trẻ hiện nay đang nở rộ và rất được các địa phương, CLB, trung tâm chú trọng. Vậy tại sao bóng đá Việt Nam lại không thể liên tục giới thiệu các lớp cầu thủ vượt trội? Theo HLV Hoàng Anh Tuấn, người từng dẫn dắt lứa Quang Hải dự U20 World Cup, nhìn bề ngoài đào tạo trẻ đang phát triển nhưng thực tế thì sự đầu tư vẫn cục bộ.
“Trong bóng đá, không phải cứ đầu tư tốt, làm đào tạo tốt là sẽ ra được cầu thủ giỏi. Tuy nhiên, vẫn phải đầu tư mới ra được kết quả, còn chỉ trông chờ vào yếu tố tự phát thì rất khó. Tôi thừa nhận bóng đá trẻ Việt Nam đang được chú trọng nhưng chỉ ở một vài trung tâm lớn như: PVF, Viettel, HAGL JMG. Còn lại chủ yếu làm theo kinh nghiệm. Phải tới khi nào có nhiều lò đào tạo hiện đại, chất lượng như những cái tên vừa nêu thì khi đó chúng ta mới mong có được nhiều cầu thủ giỏi”, ông Tuấn phân tích.
Đồng tình, HLV Dương Hồng Sơn (CLB Phú Thọ) nhấn mạnh, trong đào tạo trẻ, cơ sở vật chất hiện đại đóng vai trò tiên quyết. “Không phải bỗng dưng lứa đội tuyển hiện tại chủ yếu đều xuất thân từ HAGL, Viettel, Hà Nội FC, PVF… Họ có sân bãi tốt, thiết bị tập luyện, phục hồi hiện đại, dinh dưỡng tốt… nên cầu thủ phát triển toàn diện”, ông Sơn nói và phân tích thêm: “Bên cạnh cơ sở vật chất, con người làm đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam vẫn chưa chuẩn hóa, chưa được đào tạo bài bản và quan trọng hơn cả là thiếu định hướng”.
Đâu là giải pháp?
Nguyên nhân khiến bóng đá Việt Nam chưa thể liên tục “xuất xưởng” những cầu thủ tài năng đã được chỉ ra. Nhưng làm sao để khắc phục được những hạn chế trên thì không hề dễ dàng. HLV Hoàng Anh Tuấn cho rằng, trước mắt đào tạo trẻ phải được phủ sóng trên diện rộng rồi mới tính đến làm theo chiều sâu.
Việt Nam tuy có sự đầu tư mạnh cho bóng đá trẻ nhưng nếu so với các quốc gia trên thế giới, ngay cả với một vài quốc gia Đông Nam Á thì vẫn chưa bằng. Trong tương lai, VFF vẫn dồn trọng tâm vào công tác đào tạo trẻ nhằm xây chân đế vững chắc cho bóng đá Việt Nam.
Ông Trần Quốc Tuấn (Phó chủ tịch thường trực kiêm Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Liên đoàn Bóng đá Việt Nam - VFF)
“Rất nhiều địa phương có tiềm năng nhưng họ không đủ khả năng tài chính để đầu tư. Ví dụ như Đồng Tháp, thời kỳ nào họ cũng có những cầu thủ trẻ tốt nhưng càng lên cao thì lại càng hụt hơi. VFF nên nghiên cứu tạo ra một nguồn quỹ xã hội hóa để hỗ trợ các địa phương, nhằm phủ rộng đào tạo trẻ. Khi có nhiều lò đào tạo tốt thì đương nhiên sẽ có nhiều cầu thủ để lựa chọn”, ông Tuấn nói.
Trong khi đó, HLV Dương Hồng Sơn nêu quan điểm, ngoài việc đầu tư hơn nữa vào cơ sở vật chất, bóng đá Việt Nam cần tận dụng chất xám từ chuyên gia nước ngoài trong đào tạo trẻ, song song với đó cần chú trọng vạch ra lộ trình cụ thể: “Các chuyên gia nước ngoài sẽ đem đến những làn gió mới, cách làm mới. Họ tới từ những nền bóng đá phát triển nên đương nhiên phương pháp của họ cũng hiện đại, hợp xu thế hơn. Song song với đó, các trung tâm đào tạo cần có chiến lược đào tạo theo từng giai đoạn. Chỉ như vậy chúng ta mới mong có được nhiều lứa cầu thủ giỏi hơn nữa nhằm hướng tới mục tiêu vươn tầm châu lục”.
Về phần mình, Phó chủ tịch thường trực kiêm Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Liên đoàn Bóng đá Việt Nam - VFF nhấn mạnh, đào tạo trẻ quan trọng nhất là phải kiên trì, bền bỉ mới có thành quả tốt.
“Một lứa cầu thủ không phải cứ xuất phát điểm tốt là sẽ tốt, các em phải trải qua rèn rũa, đào thải suốt thời gian dài. Lứa Quang Hải từng nhiều lần thất bại trước khi đi tới World Cup và giờ các em đều là trụ cột của đội tuyển. Nói vậy để thấy định hướng của chúng ta vẫn phải là tạo thêm sân chơi để cầu thủ trẻ có nhiều cơ hội cọ xát, trưởng thành. Thứ nữa, không thể thấy có một, hai lứa tốt là dừng lại, vẫn phải tiếp tục đào tạo trẻ bởi đó là gốc rễ của mỗi nền bóng đá”, ông Tuấn chia sẻ.
Cũng theo ông Tuấn, VFF trong thời gian tới sẽ chú trọng tới việc tạo ra một lớp HLV làm bóng đá trẻ, Giám đốc kỹ thuật ở các CLB, các địa phương nhằm đảm bảo sự thống nhất và hướng tới sự chuyên nghiệp, chuyên biệt trong đào tạo trẻ của cả nền bóng đá.
“Đó là động cơ để VFF bổ nhiệm Giám đốc kỹ thuật Yusuke Adachi và có những điều khoản chi tiết trong hợp đồng với ông ấy về phát triển bóng đá trẻ”, ông Tuấn kết lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận