Nhưng vì sao mẫu cầu thủ này lại quan trọng thì không phải ai cũng tỏ tường.
Những “con thoi” làm “điên đảo” bóng đá
Kể từ khi Ngoại hạng Anh trở lại sau lệnh giãn cách xã hội vì Covid-19, MU đã thể hiện phong độ khá ấn tượng. Nếu chỉ tính riêng đấu trường này, Quỷ đỏ đã có 5 trận thắng, 2 trận hòa. Từ chỗ ở rất xa vị trí thứ tư, MU giờ đã nhìn thấy rõ ràng cơ hội vào top 4, đồng nghĩa với một tấm vé dự Champions League mùa tới. Trong thành công của đội bóng áo đỏ thành Manchester, Bruno Fernandes nổi lên như một điểm sáng.
Tại La Liga, Real Madrid cũng trình diễn phong độ hủy diệt kể từ sau khi bóng đá ở xứ bò tót trở lại, giành ngôi vô địch trước sự bám đuổi của đại kình địch Barcelona. Đánh giá về Real Madrid, không thể bỏ qua vai trò của Toni Kroos, ông chủ nơi tuyến giữa đội bóng áo trắng.
Điểm chung của Bruno Fernendes và Toni Kroos là đều thuộc mẫu tiền vệ “con thoi” hay còn gọi là box-to-box. Nghe thì hơi trừu tượng nhưng thực chất cắt nghĩa mẫu cầu thủ này không hề khó. Họ là những tiền vệ chơi rộng, bao quát toàn bộ khu trung tuyến, vừa làm nhiệm vụ thu hồi bóng, vừa phát động tấn công và trực tiếp tấn công khi cần.
Muốn biết bộ đôi trên xuất sắc thế nào, hãy cùng nhìn những con số sau. Theo chuyên trang thống kê Whoscore, dù mới chơi 12 trận nhưng Bruno Fernandes đã có tới 7 bàn thắng, 7 pha kiến tạo. Quan trọng hơn, tiền vệ Bồ Đào Nha mỗi trận có 2,3 đường chuyền mở ra cơ hội và có ba 3 pha dốc bóng thành công, 3,4 cú sút, cao nhất ở đội hình MU. Về mặt hỗ trợ phòng ngự, trung bình mỗi trận Bruno có 2 lần tắc bóng và 5 lần thu hồi bóng thành công, chỉ kém hậu vệ Wan-Bissaka cùng hai tiền vệ thiên về phòng ngự Nemanja Matic và Fred.
Kroos mới có 4 bàn thắng, 5 đường kiến tạo nhưng lại cực nổi bật ở khả năng chuyền bóng với tỉ lệ thành công lên tới gần 95%. Trung bình mỗi trận anh thực hiện khoảng 70 đường chuyền, trong đó có 7 pha phất bóng dài trúng đích, 2 đường chuyền mở ra cơ hội cho đồng đội. Nhà vô địch thế giới cũng thực hiện thành công khoảng 4 lần thu hồi bóng mỗi trận.
Hiện nay, các CLB lớn ở châu Âu đều phải sở hữu một tiền vệ “con thoi” chất lượng. Man City có Kevin De Bruyne, Bayern Munich có Joshua Kimmich, Juventus có Miralem Pjanic hay như Jorginho ở Chelsea, Henderson của Liverpool, Idrissa Gueye của PSG… Barcelona trước đây có Andres Iniesta giữ vai trò này, sau đó Ivan Rakitic được đưa về thay thế nhưng không thể hiện được tầm ảnh hưởng như người đàn anh.
Những cái tên vừa kể đều đóng vai trò cực quan trọng ở đội bóng chủ quản. Phong độ của họ ảnh hưởng trực tiếp, rõ rệt tới phong độ, lối chơi của cả đội. Đơn cử, trong ngày De Bruyne thăng hoa, Man City có thể đè bẹp mọi đối thủ. Điều tương tự xảy ra với Kimmich, Pjanic hay Gueye.
Theo xu hướng chung của bóng đá thế giới?
Ian Wright, chuyên gia của kênh BBC Sports cho rằng, tiền vệ “con thoi” thay vì bó hẹp phạm vi, vai trò thì luôn muốn mở rộng tầm hoạt động cũng như tự hoàn thiện các kỹ năng. “Một cầu thủ muốn đá box-to-box phải hội đủ nhiều yếu tố như kỹ thuật, tốc độ, nhãn quan chiến thuật, khả năng chuyền bóng, khả năng dứt điểm.
Thực tế, đây cũng là xu hướng chung của bóng đá thế giới, khi cầu thủ dần hướng tới sự đa năng. Chúng ta thấy các hậu vệ giờ rất thích ghi bàn, các tiền đạo lại tích cực lui về phòng ngự. Ở tuyến giữa, các cầu thủ đều có xu hướng dâng cao, kể cả những cái tên làm nhiệm vụ đánh chặn. Trong dòng chảy đó, việc xuất hiện nhiều cầu thủ box-to-box là lẽ dĩ nhiên. Theo quan sát của tôi, gần như mỗi đội bóng hiện đại đều có cho mình ít nhất một cầu thủ như vậy”, Ian Wright đánh giá.
Vậy tại sao các tiền vệ “con thoi” lại đóng vai trò quan trọng trong bóng đá hiện đại? Bình luận viên Vũ Quang Huy nhìn nhận, có 3 nguyên nhân chính khiến cầu thủ box-to-box trở thành linh hồn của đội bóng.
“Thứ nhất, bóng đá từ nguyên thủy tới nay đều coi tuyến giữa như xương sống. Bởi vậy, một tiền vệ đa năng càng cần thiết. Thứ hai, các tiền vệ “con thoi” đều chơi năng nổ, dồi dào thể lực, toàn diện kỹ năng, trở thành niềm cảm hứng để thúc đẩy toàn đội tiến lên. Nhìn chung, xem mẫu cầu thủ này thi đấu rất thích mắt. Thứ ba, cũng quan trọng nhất, bóng đá hiện đại hơn thua nhau ở khả năng chuyển trạng thái. Những mảng miếng chiến thuật, cách bố trí nhân sự quanh đi quẩn lại đều có công thức chung. Chính vì thế, đội nào chuyển trạng thái tốt sẽ chiếm ưu thế trên sân và ngược lại. Với một cầu thủ chơi box-to-box xuất sắc, đương nhiên việc chuyển trạng thái sẽ trở nên dễ dàng hơn”, ông Huy nói và cho rằng, Đội tuyển Việt Nam sở dĩ thành công được trong hai năm qua cũng là nhờ khả năng chuyển trạng thái nhỉnh hơn các đối thủ cùng khu vực.
Đỗ Hùng Dũng là mẫu tiền vệ “con thoi” toàn năng
Tại Việt Nam, Đỗ Hùng Dũng là mẫu tiền vệ “con thoi” toàn năng hiếm hoi chơi đúng nghĩa ở vị trí này. Trong màu áo CLB Hà Nội lẫn đội tuyển quốc gia, Dũng “chip” luôn hoạt động cực kỳ năng nổ, hiệu quả cả trong phòng ngự lẫn tấn công. Để thấy rõ hơn vai trò của Hùng Dũng, hãy nhìn màn trình diễn của U22 Việt Nam (được thêm 3 suất trên 22 tuổi) tại SEA Games 30 và U22 Việt Nam tại Vòng chung kết U23 châu Á 2020. Một đội bóng có Hùng Dũng chơi biến hóa còn đội không có tiền vệ Hà Nội chơi cứng nhắc, thiếu linh hoạt.
Theo bình luận viên Vũ Quang Huy, sở dĩ bóng đá Việt Nam ít tiền vệ “con thoi” là do hầu hết các đội bóng đều chú trọng phất bóng từ dưới lên cho “Tây” xoay xở, bỏ qua vai trò điều tiết của hàng tiền vệ. Dẫu vậy, tình trạng này đang dần được cải thiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận