Khó khăn vẫn chất chồng
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Vietnam Airlines cho biết Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết: 8 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế chỉ bằng 18% năm 2019
Tính riêng Vietnam Airlines, lượng khách nội địa trong tháng 8 thậm chí còn cao hơn cùng kỳ 2019 tới 35%, tính riêng cả 8 tháng cũng cao hơn tới 18%. Tuy nhiên, do cạnh tranh thừa tải, giá vé trung bình vẫn thấp hơn 11% so với năm 2019.
Đối với thị trường nội địa, đại diện Vietnam Airlines cho biết 8 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế chỉ bằng 18% năm 2019. Trong tháng 8, tình hình có khả quan hơn xong cũng mới chỉ bằng 38% năm 2019.
Nói về các rủi ro, thách thức trong thời gian tới, vị này nhấn mạnh các vấn đề như bất ổn địa chính trị, chiến sự tại Nga - Ukraine, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Kế đó là việc giá nhiên liệu bay duy trì ở mức cao (khoảng 130 USD/thùng Z A1 so với mức bình quân 74USD/thùng năm 2019). Đáng lưu ý, cứ một USD giá nhiên liệu tăng cao có thể làm tăng tổng chi phí của Vietnam Airlines lên thêm 145-150 tỷ đồng.
Biến động tỉ giá cũng là một trong những thách thức lớn với hãng hàng không nói chung và Vietnam Airlines nói riêng. Lý giải thêm, đại diện Vietnam Airlines cho hay chi phí của hãng chủ yếu được trả bằng USD, trong khi đó, đồng USD đang tăng lên nhanh chóng. Ngược lại, các đồng tiền thu quan trọng như Yên, Euro, Won lại đang mất giá mạnh….
Thực tế, nhận định mới nhất của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế IATA về thị trường hàng không dân dụng thế giới và tại châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, năm 2024, sản lượng hành khách trên toàn cầu mới có thể quay về bằng năm 2019. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương sau Covid-19 hồi phục chậm nhất và năm 2025 mới quay về như năm 2019.
IATA cũng dự báo mức lỗ của hàng không toàn cầu trong năm 2022 vào khoảng 9,7 tỷ USD (năm 2020 là 133 tỷ USD), trong đó, riêng khu vực châu Á là 8,9 tỷ USD (do dịch Covid-19 tại khu vực còn diễn biến phức tạp; nhiều thị trường lớn còn đóng cửa (Trung Quốc) hoặc mở cửa hạn chế (Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông).
“Nếu chỉ kinh doanh vận tải hàng không đơn thuần, chắc chắn chưa thể có lãi”
Trả lời câu hỏi nếu khó thì khó chung, tại sao Vietnam Airlines vẫn lỗ trong khi vẫn có hãng hàng không đã báo lãi, đại diện Vietnam Airlines khẳng định: Nhìn vào báo cáo tài chính thì không có hãng nào có lãi nếu chỉ tính riêng kinh doanh vận tải hàng không đơn thuần. Trong khi đó, Vietnam Airlines ngoài vận tải hàng không thì không kinh doanh gì. Cổ đông lớn nhất là nhà nước thì cũng không có giải pháp gì ngoài hỗ trợ vay ưu đãi và phát hành thêm cổ phiếu.
Nhìn ra các hãng khác, ngoài vận tải hàng không còn có nhiều khoản bù đắp cho vận tải như thu nhập từ hoạt động tài chính và hoạt động đầu tư. Trong thu nhập từ hoạt động tài chính lại có con số từ hoạt động tài chính khác rất to mà không rõ là từ cái gì. Hoạt động đầu tư cũng có con số từ hoạt động đầu tư khác rất lớn để bù đắp cho vận tải hàng không.
Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, Vietnam Airlines đã giảm lỗ được 1.440 tỉ đồng. Cả năm 2022, theo kế hoạch, mức lỗ có thể lên tới 9.335 tỉ đồng.
“Chúng tôi coi con số này là mức trần nhưng chắc chắn sẽ giảm tốt hơn so với con số trên”- đại diện Vietnam Airlines cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận