Đường bộ

Vì sao chưa cho phép xe thu phí không dừng trả tiền sau?

05/08/2022, 16:29

Khi hình thức thanh toán trả sau trong thu phí tự động không dừng được áp dụng, chủ phương tiện không còn lo số dư trong tài khoản giao thông.

Chủ xe bức xúc vì VEC yêu cầu số dư tài khoản tối thiểu

Sau khi thực hiện chỉ có thu phí tự động không dừng từ ngày (1/8), Tổng công ty Đầu tư và Phát triển cao tốc Việt Nam (VEC) đã yêu cầu số dư tối thiểu trong tài khoản giao thông khi phương tiện đi trên 4 tuyến cao tốc do đơn vị quản lý.

img

Hệ thống thu phí không dừng cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Theo đó, đối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, số dư tối thiểu là 150.000 đồng. Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình số dư tối thiểu là 35.000 đồng. Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, số dư tối thiểu là 100.000 đồng. Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây số dư tối thiểu là 40.000 đồng.

VEC cho biết, yêu cầu này nhằm đảm bảo nguyên tắc tối ưu thời gian xử lý sự cố, giúp đảm bảo chống ùn tắc tại đầu ra của các cao tốc.

Tuy vậy, yêu cầu này của VEC lập tức gặp phải phản ứng của nhiều chủ phương tiện vì cho rằng quy định này là bất hợp lý.

Anh Minh Tiệp (Đống Đa, Hà Nội) đặt câu hỏi, sao lại yêu cầu số dư tài khoản phải lớn hơn số phải trả cho quãng đường mà tôi không đi? Tài khoản tôi có 100.000 đồng, chủ cho quãng đường tôi đi sao lại bắt tôi phải có đủ 150.000 đồng.

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Văn Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, hình thức trả trước hiện nay phát sinh nhiều bất cập, không phải lúc nào cũng có thể nhớ và kiểm tra được số dư trong tài khoản giao thông. Nếu nhà cung cấp dịch vụ cho phép xe đi trên cao tốc được trả sau sẽ thuận lợi hơn cho khách hàng.

Chỉ là quy định tạm thời, về lâu dài sẽ có thêm hình thức trả sau

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, hiện doanh nghiệp vận tải đang gặp nhiều khó khăn, không phải doanh nghiệp nào cũng có sẵn tiền chuyển vào tài khoản giao thông. Đối với doanh nghiệp có hàng trăm xe, cần người theo dõi số dư tài khoản cũng gây phiền phức.

“Nên nghiên cứu hình thức cho phép trả sau. Nếu chủ phương tiện chậm trả theo thời hạn quy định có thể tính lãi”, ông Quyền đề xuất.

“Tổng cục Đường bộ cũng đã kiến nghị Bộ GTVT cho phép trả sau đối với hai đối tượng khách hàng. Thứ nhất là xe của các cơ quan nhà nước có biển số màu xanh. Thứ 2 là các doanh nghiệp vận tải có độ tín chấp cao hoặc có bảo lãnh ngân hàng”, ông Tô Nam Toàn.

Lý giải vấn đề này, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ VN) cho hay, đối với các tuyến cao tốc hiện mới chỉ có VEC yêu cầu số dư tối thiểu.

Lý do được VEC đưa ra là muốn hạn chế các xe đi vào cao tốc không có tiền trong tài khoản phải xử lý ở đầu ra. Việc xử lý ở đầu ra mất nhiều thời gian, nếu ở đầu vào xử lý mất 10 giây thì ở đầu ra phải mất 5 phút.

Tổng cục Đường bộ không ủng hộ phương án này. Cơ sở pháp lý yêu cầu số dư hiện chưa chặt chẽ, chưa có quy định nào yêu cầu phải thực hiện việc này. VEC cho biết đây chỉ là quy định tạm thời, tạo thói quen cho khách hàng nạp tiền vào tài khoản.

Về lâu dài thu phí không dừng cần chuyển sang hình thức trả sau. Trong các giai đoạn phát triển của thu phí điện tử không dừng, sau giai đoạn trả trước sẽ chuyển sang trả sau. Khi thực hiện được trả sau sẽ bỏ được barie.

"Ở nhiều nước giai đoạn trả trước được áp dụng ở giai đoạn khi thu phí không dừng dưới 80%. Khi đạt trên 90%, họ chuyển sang hình thức thanh toán trả sau. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự ủng hộ của người dân, mốc 80 - 90% phương tiện sử dụng dịch vụ vào cuối năm nay là khả thi", ông Toàn cho biết.

Tuy nhiên, ông Toàn cho hay, hình thức thanh toán trả sau hiện gặp nhiều 2 vướng mắc. Đầu tiên là quy trình thanh toán giữa nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư BOT và ngân hàng. Sau khi nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng thu được tiền trong ngày phải chuyển tiền cho nhà đầu tư BOT. Tiếp đó, nhà đầu tư BOT chuyển cho ngân hàng để trả nợ. Nếu chuyển sang trả sau, thông thường chu kỳ mất 30 ngày mới thanh toán. Việc chậm chu kỳ thanh toán sẽ phải đàm phán lại tất cả các hợp đồng cung cấp tín dụng cho dự án.

Về mặt kỹ thuật, hệ thống thu phí không dừng hiện nay đã đáp ứng được cho việc trả sau chỉ vướng về hành lang pháp lý. Cụ thể là về chế tài xử phạt, nếu có chủ phương tiện trốn 1 lần trả vé 30.000 đồng chẳng hạn, các thủ tục pháp lý để đòi số tiền này tốn kém gấp 10 lần. Nhiều ý kiến cũng cho rằng có thể xử phạt khi xe đến đăng kiểm, tuy nhiên chu kỳ đăng kiểm kéo dài 12 - 30 tháng. Chủ phương tiện nợ tiền mà phải đợi thời gian như vậy sẽ nảy sinh nợ khó đòi rất lớn.

Tổng cục Đường bộ đang phối hợp rà soát lại hành lang pháp lý cho thanh toán trả sau. Tổng cục cũng đang nghiên cứu phương án kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an, khi chủ phương tiện không thanh toán sẽ khóa các dịch vụ công liên quan đến số định danh cá nhân đó.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.