Khu biệt thự của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái - đối tượng bị thanh tra
|
Cuối tháng 6 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc thanh tra nguồn gốc tài sản của gia đình ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái. Thời điểm đó, Trưởng đoàn thanh tra khẳng định sẽ công bố kết luận thanh tra vào đầu tháng 7. Dù vậy, đã gần hai tháng trôi qua, mọi việc vẫn nằm trong im lặng khiến dư luận nghi ngờ có điều gì đó khuất tất.
Vẫn còn việc phải xác minh, chưa rõ thời điểm công bố
Trao đổi với Báo Giao thông chiều 27/9, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) - Trưởng đoàn thanh tra lý giải, đây là cuộc thanh tra đột xuất, thời hạn tiến hành thanh tra trực tiếp là 15 ngày, nhưng sau 15 ngày đó, đoàn thanh tra cần có thời gian họp, bàn bạc, xây dựng dự thảo kết luận thanh tra. “Vừa qua, nhiều người hiểu chưa đúng. Tôi chưa bao giờ khẳng định đã có kết luận thanh tra, mà đó mới chỉ là dự thảo kết luận thanh tra được đoàn thanh tra lập ra, để xin ý kiến lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cũng như các Bộ, ngành liên quan. Sau đó, các cấp lãnh đạo, các cơ quan chuyên môn còn xem xét, thẩm định, chứ làm sao trưởng đoàn ký kết luận được?”, ông Đạt cho biết.
"Dù dư luận có nhiều ý kiến và yêu cầu như vậy, nhưng chúng tôi cũng không thể thấy đó là áp lực, mà việc thanh tra vẫn phải làm đúng chức năng, quy trình, làm cho hiệu quả, chính xác, khách quan, xong sẽ công bố cho dư luận. Thực tế, ít người hiểu được toàn bộ quá trình thanh tra, gồm rất nhiều công đoạn. Trong quá trình đó cũng phát sinh nhiều vấn đề, có thể đó là một trong những nguyên nhân khách quan kéo dài thời gian công bố kết luận thanh tra. Đoàn thanh tra cũng mong muốn có sớm, nhưng trước khi lãnh đạo ký cũng phải có thời gian, xem xét thẩm định. Chúng tôi khẳng định khi có sẽ công bố sớm cho dư luận”. Cục trưởng Phạm Trọng Đạt |
Theo ông Đạt, quan trọng nhất là thời gian thanh tra trực tiếp đã được thực hiện đúng quy định trong vòng 15 ngày, nhưng sau đó, phải làm các quy trình tiếp theo. Những quy trình này lại phụ thuộc vào từng vụ việc, nên có vụ kéo dài một tháng, có vụ vài tháng, thậm chí có vụ kéo dài cả năm trời. Bên cạnh đó, bản chất của cuộc thanh tra đã được thực hiện theo đúng nội dung kế hoạch, nên bây giờ cần có ý kiến thống nhất của các bên liên quan, sau đó tổng hợp để có một kết luận chính xác.
“Chúng tôi khẳng định mọi sai phạm nếu có sẽ được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Vụ việc này không chỉ dư luận, người dân quan tâm, mà các lãnh đạo cấp cao cũng rất quan tâm. Tinh thần là thanh tra thận trọng, làm đúng quy trình, có kết luận sẽ công bố công khai vào thời gian sớm nhất. Việc công bố kết luận lâu hay nhanh đều có nguyên nhân của nó, nhưng mục đích chính là làm sao cho khách quan, cho cụ thể”, ông Đạt nói.
Cho rằng nhiều người đặt vấn đề kéo dài thời gian công bố kết luận thanh tra tức là có gì đó mờ ám, khuất tất, có gì đó chi phối, tác động, ông Đạt cho rằng đó chỉ là suy diễn. “Tôi khẳng định, việc chưa công bố kết luận thanh tra, việc lâu hay chậm không thể làm thay đổi bản chất vấn đề đã thanh tra. Tôi khẳng định chẳng có gì khuất tất, mờ ám cả. Chẳng có thế lực, có sức ép nào chen được vào cuộc thanh tra để mà làm thay đổi bản chất vấn đề”, ông Đạt nói và thông tin, cho đến nay, có những việc vẫn cần phải xác minh.
Chậm công bố sẽ gây dư luận không tốt
Theo ĐBQH Bùi Văn Xuyền, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Pháp luật, có thể do phía Thanh tra Chính phủ đang có nhiều vướng mắc nên chưa công bố kết luận thanh tra. Tuy nhiên, việc này cũng phải theo quy định của Luật Thanh tra, nếu có nguyên nhân khách quan thì có thể lùi thời gian công bố. Trước đó, theo giải thích của Thanh tra Chính phủ có nguyên nhân khách quan như ở địa phương gặp lũ lụt, lãnh đạo địa phương, các ban ngành phải tập trung xử lý. Việc công bố cũng ảnh hưởng đến tình hình, đến hoạt động của địa phương, đây là lý do đúng và có thể chấp nhận được.
“Thế nhưng, dù nói thế nào, việc công bố kết luận thanh tra chậm gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội. Đặc biệt, với một vụ việc đang gây bức xúc trong dư luận, thanh tra đã công bố thời gian thanh tra, nội dung thanh tra, mà kết quả lùi lần này sang lần khác là điều không nên”, ông Xuyền góp ý.
Cũng theo ông Xuyền, tất nhiên đối với những sự việc đã gây dư luận xã hội, rõ ràng công tác thanh tra phải làm rất thận trọng, song không nên quá kéo dài, không nên lùi quá nhiều thời gian, vì nó dễ khiến người dân nghi ngờ.
ĐBQH Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, hoạt động thanh tra phải tuân theo luật, thời gian công bố kết luận thanh tra đã được quy định, cho nên khi có kết quả thanh tra, nên công bố sớm để nhân dân biết, yên tâm và tin tưởng. “Có những lý do thực sự khách quan, như thiên tai ở Yên Bái là lý do khách quan, có thể lùi nhưng chỉ lùi đến một thời hạn nào đó. Nếu không, người dân có thể đặt dấu hỏi về sự công khai, minh bạch”, ông Thắng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận