Chất thải ngổn ngang dưới chân cây cầu đẹp nhất Quảng Ninh
Ngày 1/1/2022, cùng với dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả giai đoạn 1, cầu Tình Yêu ở TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã chính thức đi vào hoạt động trước niềm vui, thích thú của người dân Quảng Ninh và du khách.
Cầu Tình Yêu với 6 làn xe cơ giới, thiết kế theo ý tưởng kiến trúc "Cánh chim biển trên vịnh Hạ Long" độc đáo, hai bên cầu có vỉa hè cho người đi bộ, lầu vọng cảnh và bồn hoa tạo cảnh quan du lịch… nên được đánh giá là cây cầu đẹp nhất ở Quảng Ninh, thường thu hút nhiều du khách đến ngắm cảnh, chụp ảnh.
Do được thiết kế đẹp lại có lầu vọng cảnh, cầu Tình Yêu hiện được đánh giá độc đáo nhất Quảng Ninh và thu hút nhiều du khách đến ngắm cảnh, chụp ảnh
Thế nhưng, từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhiều người dân, du khách khi đến cầu Tình Yêu đã không khỏi sự ngạc nhiên là dưới chân cầu vẫn còn hàng ngàn mét khối đất, đá, vật liệu xây dựng thải loại ngổn ngang chưa được thu dọn, thanh thải choán gần ra giữa dòng sông Trới.
Khu vực này có hàng chục héc ta rừng ngập mặn và khu vực hạ lưu của sông là vịnh Cửa Lục, vịnh Hạ Long, nên việc đất, đá, vật liệu xây dựng đổ ngổn ngang dưới chân cầu khiến cho mưa lũ cùng với thủy triều đã cuối trôi, vùi lấp ra sông, ra biển và vào diện tích không nhỏ rừng ngập mặn.
Đất, đá, vật liệu xây dựng phục vụ thi công cầu Tình Yêu chưa được xúc dọn, gây ô nhiễm môi trường
Không những thế, có thời điểm, do công tác quản lý lỏng lẻo, dưới chân cầu Tình Yêu đã trở thành điểm tập kết rác thải sinh hoạt, chất thải xây dựng do người dân ra đổ trộm chất cao như núi, mùi hôi thôi bốc lên nồng nặc.
Hậu quả của việc này là gầm cầu Tình Yêu vốn đã bị ô nhiễm càng thêm ô nhiễm, nguy cơ "bức tử" cánh rừng ngập mặn có giá trị tham gia chống biến đổi khí hậu; đồng thời gây tác động tiêu cực cho vịnh Cửa Lục, vịnh Hạ Long…
Chất thải từ quá trình thi công cầu Tình Yêu đã vùi lấp, xâm hại đến rừng ngập mặn
Trước thực trạng đó, trong năm 2022, Sở Tài nguyên - môi trường đã liên tiếp có công văn đốc thúc chủ đầu tư và UBND TP Hạ Long phối hợp thanh thải toàn bộ đất, đá, vật liệu xây dựng sau khi thi công xong cầu Tình Yêu.
Tuy nhiên, đến nay, việc thanh thải đất, đá, vật liệu xây dựng sau khi thi công xong cầu Tình Yêu vẫn còn dang dở, bùn đất ngập ngụa.
Có thời điểm, người dân mang chất thải, rác thải sinh hoạt xuống chân cầu Tình Yêu đổ trộm gây ô nhiễm môi trường (ảnh chụp hồi cuối năm 2022)
Trước đó, ngày 25/11/2022, Báo Giao thông Điện tử đã đăng tải bài "Bất an những bãi chất thải khổng lồ dưới chân cây cầu đẹp nhất Quảng Ninh" phản ánh về tình trạng đất, đá, vật liệu xây dựng thải đánh đống ở gầm cầu Tình Yêu một thời gian dài khi dự án đã hoàn thành gây ô nhiễm môi trường…
Sau khi bài báo phản ánh, Sở Tài nguyên và môi trường Quảng Ninh đã có văn bản đôn đốc chủ đầu tư sớm hoàn thiện việc thanh thải khu vực gầm cầu Tình Yêu.
Mặt cầu hiện nay cũng đang bị ảnh hưởng môi trường do các xe chở dăm gỗ không được phủ kín rơi xuống rải khắp nơi, ảnh hưởng đến giao thông...
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo UBND xã Lê Lợi, TP Hạ Long cho biết: "Việc chậm thanh thải đất đá, vật liệu xây dựng tại dự án cầu Tình Yêu đang có nguy cơ tác động tiêu cực đến sông, vịnh và rừng ngập mặn do đất đá, vật liệu xây dựng thải loại bồi lắng. Do đó, UBND xã đã liên tiếp kiến nghị cấp có thẩm quyền cần nhanh chóng làm sạch toàn bộ khu vực này để bảo vệ môi trường".
Ách tắc do đâu?
Ghi nhận thực tế tại cầu Tình Yêu, việc thanh thải đất đá, vật liệu xây dựng sau khi thi công xong công trình vẫn còn dang dở, ngổn ngang đất, đá, vật liệu xây dựng thải loại.
Trên mặt cầu Tình Yêu, nhiều xe chở dăm gỗ không phủ kín bạt đánh rơi bừa bãi xuống mặt cầu, tung bụi mù mịt.
Theo tài liệu do UBND xã Lê Lợi, TP Hạ Long cung cấp thì trong quá trình thiết kế thi công cầu Tình Yêu và cầu Cửa Lục 3, ngày 15/12/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn về việc bố trí vị trí đổ thải cho 2 công trình này.
Theo thiết kế dự án cầu Tình Yêu có khoảng 269.000m3, vì vậy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đồng ý đề nghị của chủ đầu tư dự án cho đổ các chất thải hữu cơ, đất, đá thải (trừ bùn) của dự án vào vị trí moong K1 tại thôn Yên Mỹ, xã Lê Lợi thuộc quản lý của Công ty CP Xi măng Thăng Long.
Xe chở dăm gỗ rơi vãi kín mặt cầu Tình Yêu, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cho người điều khiển xe máy, xe thô sơ
Ngày 14/12/2022, Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam (thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường) đã có văn bản đồng ý cho Công ty CP Xi măng Thăng Long được tiếp nhận đất đá thải phát sinh trong quá trình thi công cầu Tình Yêu và cầu Cửa Lục 3 để thực hiện san, lấp moong K1 tại thôn Yên Mỹ, xã Lê Lợi. Thời gian thực hiện là hết tháng 3/2023.
Để tiến hành thanh thải vật liệu dự án cầu Tình Yêu, ngày 30/1/2021, UBND TP Hạ Long đã có văn bản chấp thuận phương án vận chuyển đất, đá dư thừa tại dự án cầu Tình Yêu và cầu Cửa Lục 3 do Công ty TNHH dịch vụ thương mại tổng hợp Hoàng Kiên có trụ sở tại xã Lê Lợi, TP Hạ Long triển khai.
Nhưng do chưa triển khai được, nên đến ngày 20/12/2022, UBND TP Hạ Long đã có công văn gia hạn thời gian thực hiện đến hết tháng 3/2023.
Do hết thời hạn giấy phép đổ thải, đơn vị thi công đành để đất, đá ngổn ngang chờ làm thủ tục
Trao đổi với PV Báo Giao thông qua điện thoại sáng 14/4, đại diện Công ty TNHH dịch vụ thương mại tổng hợp Hoàng Kiên - đơn vị thực hiện dự án cho biết: Sau khi hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đến tháng 3/2023, doanh nghiệp mới thực hiện được việc bốc, xúc đát, đá, vật liệu xây dựng thải loại tại dự án cầu Tình Yêu.
Tại đây, dự kiến cần bốc, dọn khoảng 17.000m3 đất, đá, tuy nhiên, doanh nghiệp mới triển khai bốc dọn được 3.000m3 thì hết thời hạn.
"Quá trình triển khai việc bốc, dọn chất thải ở cầu Tình Yêu khá phức tạp. Lúc hoàn thành xong thủ tục phương án vận chuyển, thì lại chưa được Bộ Tài nguyên và môi trường cấp vùng đổ thải tại moong K1. Lúc hoàn thành xong hết thủ tục thì lại đến thời điểm hết hạn", vị này nói.
Do thi công dang dở, khu rừng ngập mặn liền kề đang có nguy cơ bị uy hiếp nghiêm trọng
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo một đơn vị thuộc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh thừa nhận, hiện nay các thủ tục về vùng tập kết đã hết hạn, nên phải chờ cấp có thẩm quyền gia hạn thì mới triển khai tiếp được.
"Hiện nay, dự án chưa được hoàn thành và bàn giao, vì vậy, nhiều hạng mục như chiếu sáng, vệ sinh môi trường, đơn vị vẫn phải bỏ kinh phí để thực hiện. Vì thế, đơn vị cũng rất cần hoàn thành việc thanh thải để bàn giao cho cơ quan quản lý nhà nước…", vị này cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận