Trụ sở HĐND tỉnh Gia Lai |
Sai phạm có dấu hiệu hình sự
Tháng 9/2017, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai đã kết luận các cán bộ HĐND tỉnh Gia Lai mắc nhiều sai phạm về tài chính, làm thất thoát tiền ngân sách Nhà nước là 11,2 tỉ đồng. Trong đó, tiếp khách không đúng đối tượng, nguồn kinh phí; hồ sơ không bảo đảm, không đúng thực tế với số tiền trên 3,5 tỉ đồng; sử dụng kinh phí phục vụ hoạt động đối ngoại, công tác an ninh không đúng quy định 1,185 tỉ đồng. Ngoài ra, từ năm 2014 - 2016 xảy ra việc lập khống chứng từ để mua văn phòng phẩm với số tiền hơn 1,125 tỉ đồng; hợp thức hóa hóa đơn để thanh toán 216 triệu đồng tiền quà Tết, tiền ăn hội nghị 162 triệu đồng…
Vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Trần Quốc Vượng đã ký ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Tại Khoản 2, Điều 5 của văn bản này nêu rõ: “Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không xử lý nội bộ". Trong ngày 10/4, PV Báo Giao thông đã cố gắng liên lạc với Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang để hỏi quan điểm xử lý vụ việc, vì sao không chuyển hồ sơ các cá nhân sai phạm sang cơ quan điều tra mà lại gia hạn việc khắc phục, tuy nhiên PV đã không nhận được hồi đáp. |
Cũng theo kết luận, hồ sơ thanh toán trong đó có nhiều khoản tiếp khách không minh bạch khoảng 2,5 tỉ đồng. 7 cán bộ biên chế của Văn phòng Đoàn ĐBQH đã được Quốc hội cấp lương, tuy vậy, vẫn lập dự toán để tỉnh Gia Lai cấp kinh phí trùng lặp (lần 2) với số tiền hơn 2,3 tỉ đồng. Ngoài ra, còn phát hiện ông Nguyễn Thế Quang, nguyên Chánh văn phòng, ký chứng từ thanh toán cho bản thân đi việc riêng bằng công quỹ trong năm 2015 là 43,7 triệu đồng…
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai đã yêu cầu 3 cán bộ là ông Vũ Tiến Anh, Chánh văn phòng HĐND tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Thế Quang, nguyên Chánh văn phòng và bà Nguyễn Thị Lựu, Phó chánh văn phòng đến thời hạn ngày 30/3 phải nộp 11,2 tỉ đồng khắc phục sai phạm, nếu không sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an.
Ông Vũ Tiến Anh, nhận chức vụ Chánh Văn phòng HĐND vào tháng 6/2016. Ông Anh được cho là người phát hiện sai phạm và sớm chấn chỉnh công tác thu chi tại Văn phòng HĐND sau khi người tiền nhiệm là ông Quang nghỉ hưu. Với các khoản chi sai trên, riêng ông Quang và bà Lựu chịu trách nhiệm là 10,7 tỉ đồng.
Không theo luật?
Ông Nguyễn Duy Khánh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai cho biết, đến thời điểm ngày 30/3, ba cán bộ sai phạm chỉ mới nộp khắc phục được số tiền hơn 3,3 tỉ đồng. Số tiền còn phải nộp vào ngân sách trên 7,8 tỉ đồng.
Nguồn tin của Báo Giao thông cho biết, chiều 2/4, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Dương Văn Trang đã có cuộc họp với các bên liên quan trong vụ sai phạm trên. Cuộc họp này sau đó đi đến thống nhất gia hạn nộp khắc phục thêm… 3 tháng (đến ngày 30/6) đối với các cá nhân sai phạm là ông Quang và bà Lựu.
Trao đổi với Báo Giao thông, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, luật sư Tạ Quang Tòng phân tích: “Qua theo dõi trên báo chí, về quan điểm dưới góc độ pháp luật thì hành vi của những cán bộ trong HĐND tỉnh Gia Lai như trên đã có dấu hiệu của tội “Tham ô tài sản”. Do vậy, vụ việc phải chuyển hồ sơ sang cơ quan công an ngay chứ không phải là đợi khắc phục mới chuyển”.
Theo luật sư, người nào sử dụng tiền và tài sản do mình được phân công trách nhiệm quản lý thì được gọi là tham ô. Mà tham ô thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra, còn việc khắc phục nộp tiền chỉ là tình tiết giảm nhẹ được xem xét trong quá trình lượng hình. “Do vậy, việc yêu cầu khắc phục nếu không sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Gia Lai là chưa phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành”, luật sư Tòng khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận