Sau gần 7 năm dừng hoạt động, trạm thu phí ở Km 286+397, QL1 qua địa phận thị xã Bỉm Sơn (tỉnh Thanh Hoá) vẫn "án binh, bất động" gây mất mỹ quan và tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Được biết, năm 2005, dự án xây dựng QL1 đoạn tránh thành phố Thanh Hóa (tuyến tránh phía Đông) được đầu tư theo hình thức BOT với chiều dài 10,04km, dự án có tổng mức đầu tư là 822 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn 27 năm 8 tháng, thời gian thu phí tạo lợi nhuận là 3 năm.
Dự án chính thức được cho phép thu phí hoàn vốn tại Trạm thu phí Tào Xuyên từ ngày 1/1/2009. Ban đầu trạm thu phí Tào Xuyên được đặt ở Km 318 trên QL1, thuộc địa phận huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa).
Sau đó, vào năm 2012, nhà đầu tư được di dời Trạm thu phí Tào Xuyên về Km 286+397, QL1, thuộc địa phận phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn để thu phí kể từ ngày 1/10/2012. Vị trí này cách dự án xây dựng tuyến tránh phía Đông thành phố Thanh Hóa tới gần 30km.
Đến ngày 10/8/2017, trạm thu phí này dừng hoạt động do số thu tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư đến hết ngày 31/7/2017 đã lớn hơn số cao nhất so với các phương án đàm phán mức lợi nhuận được thống nhất.
Theo nhà đầu tư, do chưa thống nhất việc hoàn vốn tại tuyến tránh phía Tây thành phố Thanh Hoá nên chưa thể xử lý trạm thu phí.
Mặc dù đã gần 7 năm qua dừng hoạt động nhưng đến nay vẫn chưa được thanh lý, chấm dứt hợp đồng và bàn giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để quản lý, bảo trì. Do không còn được khai thác, trạm thu phí này bị bỏ không, ít tu sửa, không có người trông coi nên vô tình trở thành vật cản giao thông và mất mỹ quan ngay đầu cửa ngõ vào tỉnh Thanh Hóa.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trịnh Đình Quang, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT đường tránh Thanh Hoá cho biết: "Chúng tôi cũng đang chờ quyết định của Nhà nước. Vì theo hợp đồng thực hiện xây dựng tuyến tránh phía Tây (dài hơn 6km) vẫn chưa được thực hiện thu phí.
Cụ thể, vào tháng 9/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản đề nghị bổ sung hạng mục đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa, đoạn Km0 - Km6 vào dự án, cùng sử dụng Trạm thu phí Bỉm Sơn để thu phí hoàn vốn và được Thủ tướng chấp thuận. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng đoạn tuyến phía Tây là 1.014 tỷ đồng".
Theo hợp đồng BOT ký bổ sung, cả 2 đoạn tuyến phía Đông và phía Tây của dự án cùng sử dụng Trạm Bỉm Sơn để hoàn vốn. Thực tế, tuyến tránh phía Tây đã được nhà đầu tư khởi công từ tháng 9/2016 và đã hoàn thành từ đầu tháng 1/2019.
Tuy nhiên, do Trạm thu phí Bỉm Sơn trên QL1 nằm ngoài phạm vi đầu tư tuyến tránh phía Tây nên bất cập do đầu tư một nơi, thu phí một nơi, có thể gây phản ứng của người tham gia giao thông, gây mất an ninh trật tự. Chính vì vậy, dù tuyến tránh phía Tây đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ tháng 1/2019, nhưng nhà đầu tư chưa được thu phí để hoàn vốn.
Ông Nguyễn Văn Khiên, Bí thư Thị ủy Bỉm Sơn (Thanh Hoá), cho biết trạm thu phí đã dừng hoạt động từ rất lâu và đã tháo bỏ các hạng mục nhà chờ thu vé, còn các hạng mục hạ tầng khác vẫn còn nguyên vẹn.
"Cơ bản trạm thu phí này không gây mất ATGT vì thời gian qua Khu quản lý đường bộ II.1 đã sơn lại các hệ thống biển báo, biển phản quang. Tuy nhiên, việc trạm thu phí không hoạt động nhưng vẫn để như vậy sẽ gây mất mỹ quan", ông Khiên cho hay.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho rằng, địa phương cũng đã đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ, Quốc hội bố trí ngân sách trả nợ cho nhà đầu tư để sớm xử lý dứt điểm trạm thu phí ngoài Bỉm Sơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận