Thông tin lần đầu tiên cơ quan nhà nước đứng ra tổ chức triển lãm ảnh nude vào tháng 7, khiến giới nghệ sĩ và công chúng không giấu nổi niềm vui |
Nghệ sĩ nhiếp ảnh mừng ra mặt
Trước đây, nhiều nghệ sĩ ôm hồ sơ đi xin cấp phép nhưng đều bị trả về. Nhiếp ảnh gia Thái Phiên bị từ chối 3 lần, trong đó 2 lần ở Hà Nội và 1 lần ở Huế. Anh từng thốt lên: “Không biết tới bao giờ, triển lãm ảnh nude mới có thể xuất hiện một cách đàng hoàng như các thể loại khác, để những người quan tâm, yêu thích có thể tiếp cận mà không phải đi đường vòng hoặc qua bất cứ vật cản nào?”. Nữ họa sĩ Nguyễn Kim Hoàng bị từ chối cấp phép triển lãm ảnh khỏa thân Closer (Gần nữa), với lý do “không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam”. Nhiếp ảnh gia Lê Quang Châu không cũng không được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đồng ý cấp phép sau 20 ngày chờ đợi đầy kỳ vọng. Mặc dù, 47 bức ảnh nude mà nhiếp ảnh gia Lê Quang Châu dự định chọn triển lãm đều không rõ mặt và đã được người mẫu cho phép công bố, nhưng Hội đồng tư vấn cấp phép vẫn không duyệt toàn bộ mà chỉ duyệt 28 bức ảnh. Trường hợp của Hạo Nhiên gần đây cũng phải mất 7 năm chờ đợi.
Khi Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - cơ quan quản lý nhà nước đầu tiên trực tiếp đứng ra tổ chức triển lãm ảnh nude tại Hà Nội vào tháng 7/2018, nhiếp ảnh gia Đào Đức Hiếu cho rằng, giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp và không chuyên rất vui mừng khi cơ quan quản lý cởi mở hơn với ảnh nude nghệ thuật. Bởi, nó sẽ có tác động tích cực và trực tiếp tới nghệ sĩ sáng tác. Họ mới có nơi để giới thiệu sản phẩm lao động nghệ thuật đúng nghĩa. Đây có thể xem như sự cởi trói cho ảnh nude nghệ thuật ở Việt Nam.
Thuộc thế hệ đi trước, nhiếp ảnh gia Thái Phiên cho biết, hiện nay, chúng ta đang sống trong thế giới phẳng, nhờ internet mà các loại hình nghệ thuật được gần nhau hơn. Công chúng không còn khắt khe, e dè hay ngượng ngùng khi nói tới khỏa thân nữa. Từ đó, những nhà quản lý văn hóa cũng cần có cái nhìn thông thoáng hơn trong nghệ thuật, phải xem nghệ thuật nude bình đẳng như ảnh chân dung, phong cảnh, tĩnh vật. “Việc mở cửa ảnh nude nghệ thuật sẽ giúp tác phẩm thêm nở hoa và đến gần hơn với công chúng. Đồng thời, nó như một đối trọng với những bức ảnh khoe hàng, lộ hàng, dung tục đang xuất hiện tràn lan trong giới trẻ hiện nay”, ông khẳng định.
Cùng chung quan điểm với nhiếp ảnh gia Thái Phiên, nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định cho rằng, các nhà quản lý văn hóa cứ siết chặt sẽ gây ra một phản ứng ngược, theo kiểu càng cấm lại càng gây tò mò. Bây giờ, trên mạng cái gì chẳng có. “Những tác phẩm của tôi hay những đồng nghiệp khác có phải đợi đến lúc Nhà nước cấp phép công bố thì công chúng mới thấy đâu? Những tác phẩm đoạt giải bao nhiêu năm qua, báo chí cũng đưa tin ầm ầm, chỉ cần gõ vài từ khóa trên mạng là ra”, ông chia sẻ.
Cơ quan quản lý cũng vui
Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, khi công bố Cục là đơn vị đứng ra tổ chức triển lãm, dư luận đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến các hoạt động mang tính “cởi trói” về tư duy, thay đổi cách nhìn nhận của công chúng đối với loại hình nghệ thuật này. Chính vì sự quan tâm đó mà trong các khâu chuẩn bị cho triển lãm, Cục đã rất cẩn trọng. Bởi, triển lãm nhằm định hướng, tạo nên đối trọng cần thiết, giúp công chúng phân định lằn ranh vốn rất mong manh giữa ảnh nude nghệ thuật và ảnh nude có tính khiêu dâm.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, việc tổ chức triển lãm sẽ được lựa chọn kỹ theo các tiêu chí chặt chẽ - từ góc chụp, ánh sáng đến sự sắp đặt của nghệ sĩ đối với mẫu, sao cho tác phẩm bật lên vẻ đẹp tự nhiên và thuần khiết của cơ thể phụ nữ mà không thô thiển. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ khách tham quan dưới 18 tuổi.
Ông cũng mong muốn triển lãm sẽ là một hoạt động nghề nghiệp có chất lượng, chuẩn mực, dành cho giới làm nghề và công chúng thực sự quan tâm đến ảnh nude nghệ thuật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận