Dân băn khoăn mức giá hỗ trợ bồi thường, mục đích thu hồi đất
Phản ánh tới Báo Giao thông, nhiều người dân tại tổ 8 Đình Thôn (đường Phạm Hùng), phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội cho biết, nhà và đất họ ở gần 20 năm, nhưng đến nay khi cơ quan chức năng thực hiện thu hồi để thực hiện dự án xây dựng tuyến đường Phạm Hùng đến đường Lê Đức Thọ lại được định giá rất thấp.
Chị Hà Thị Thúy (ở tổ 8 Đình Thôn) chia sẻ, gia đình mua thửa đất này từ năm 2003, sau đó từ năm 2005 đến 2008, gia đình chị tôn tạo dần thành ngôi nhà với tường gạch xung quanh, sàn tầng 2 được lắp ghép bởi gỗ và sắt thép. Đây vừa là nơi sinh sống, vừa kinh doanh bán mũ bảo hiểm và áo mưa của gia đình.
Chị Thúy băn khoăn với mức giá bồi thường vài triệu đồng cho căn nhà của mình
Trong phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng của quận Nam Từ Liêm, hơn 20m2 đất và nhà của chị Thúy được bồi thường và hỗ trợ hơn 5 triệu đồng, gồm gần 3 triệu đồng cho công trình nhà ở và hơn 2,5 triệu đồng tiền bồi thường đất.
Còn anh Bùi Khôi thì cho biết, gia đình anh ở đây từ những năm 90 của thế kỷ trước. Nhà anh Khôi gần 50m2 nhà khung thép, mái tôn, cửa cuốn cộng với đất và được bồi thường, hỗ trợ gần 10 triệu đồng.
Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Thu có diện tích đất gần 130m2 trên đường Phạm Hùng, trên đất có nhà xây dựng kiên cố, đổ bê tông một sàn diện tích 45m2, tầng 2 được lợp bằng tôn. Nhưng trong phương án bồi thường, hỗ trợ thì nhà chị Thu cũng chỉ nhận được chưa đến 100 triệu đồng.
"Tôi xây dựng ngôi nhà và ở đây hơn 10 năm rồi, chưa hề bị xử phạt, hay lập biên bản gì. Vừa qua mới thấy UBND phường Mỹ Đình lại đến lập biên bản hành vi xây dựng trên đất đã được giải phóng mặt bằng", chị Thu thông tin.
Chị Thu, anh Khôi và nhiều hộ dân ở đây cũng thắc mắc về mục đích của việc thu hồi đất của cơ quan chức năng. Bởi đường Phạm Hùng thì đã hoàn thiện từ lâu và rất đẹp rồi, phải chăng thu hồi diện tích đất của dân để làm kiot, kinh doanh dịch vụ?
Không có chuyện thu hồi đất để làm ki ốt, kinh doanh dịch vụ
Trước những thắc mắc này, PV Báo Giao thông đã trao đổi với ông Nguyễn Duy Trinh, Phó Giám đốc Ban QLDA xây dựng quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội).
Ông Trinh khẳng định, việc thu hồi đất của người dân để thực hiện dự án xây dựng tuyến đường từ Phạm Hùng đến đường Lê Đức Thọ.
"100% đất thu hồi là để làm đường, làm vườn hoa. Không có chuyện thu hồi đất để làm ki ốt, kinh doanh dịch vụ ở đây", ông Trinh thông tin.
Lý giải vì sao giá đất bồi thường cho các hộ dân ở đây lại thấp như vậy, ông Trinh cho rằng, vì đây là đất nông nghiệp.
"Theo quy định đất nông nghiệp chỉ được bồi thường như vậy, khi thu hồi thì nhà nước áp quy định chung", ông Trinh thông tin.
Về thắc mắc của các hộ dân với mức giá bồi thường cho các công trình nhà ở đã được làm từ lâu nhưng định giá rất thấp, ông Trinh giải thích: "Công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp không được đền bù mà chỉ được hỗ trợ".
"Theo quy định, những công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chỉ được hỗ trợ 10% theo đơn giá công trình", ông Trinh nói.
Luật sư Ngô Ngọc Diễm Giám đốc Công ty luật TNHH ThinkSmart nêu quan điểm, UBND quận Nam Từ Liêm với vai trò là cơ quan thu hồi đất và bồi thường, giải phóng mặt bằng đang xác định phần diện tích đất do các hộ dân trực tiếp quản lý, sử dụng thuộc loại đất nông nghiệp và các công trình trên đất này đang được xác định là xây dựng trái phép. Do đó, các hộ dân bị thu hồi đất sẽ được hỗ trợ, bồi thường theo giá đất nông nghiệp hiện hành tại địa phương.
Ngoài ra, cá nhân, hộ gia đình được nhận thêm các khoản tiền hỗ trợ khác khi thu hồi đất nông nghiệp như: Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp...
Ở đây ngoài mức giá bồi thường, các hộ dân còn băn khoăn về mục đích thu hồi đất, thì cơ quan thu hồi đất và bồi thường, giải phóng mặt bằng phải giải thích rõ cho người dân. Người dân có chức năng giám sát, nếu việc sử dụng đất sai quy định so với mục đích thu hồi thì có quyền khiếu nại, khiếu kiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận