Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 23 của Bộ KH&CN bổ sung 6-7 thiết bị của đăng kiểm vào nhóm “ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe cộng đồng”, trong đó có thiết bị đo độ chiếu sáng đèn xe - Ảnh: Huy Lộc |
Hàng trăm doanh nghiệp, trung tâm đăng kiểm xe cơ giới vừa đồng loạt ký đơn kiến nghị Thủ tướng, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN chỉ đạo các bộ, ngành không bổ sung thiết bị thuộc dây chuyền đăng kiểm xe cơ giới vào danh mục đo lường do Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) quản lý. Tại sao lại có chuyện này? Đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng nói gì về những kiến nghị của doanh nghiệp đăng kiểm?
Lo quản lý chồng chéo
Tìm hiểu của Báo Giao thông, đây được xem là phản ứng của các đơn vị đăng kiểm trước dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 23 ngày 26/9/2013 của Bộ KH&CN quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2, đang được lấy ý kiến rộng rãi. Trong Thông tư 23 quy định một số thiết bị của dây chuyền đăng kiểm thuộc phương tiện đo nhóm 2: Cân ôtô, thiết bị phân tích khí thải xe cơ giới, thiết bị kiểm tra độ ồn... Còn trong dự thảo bổ sung, thông tư có thêm 6-7 thiết bị khác: Thiết bị đo chiều cao hoa lốp xe, đo độ rơ góc vô-lăng, đo trượt ngang bánh xe, đo phanh, đo độ chiếu sáng đèn xe.
"Vấn đề nên đặt ra là các trung tâm đăng kiểm ý thức thế nào về việc tuân thủ quy định của Luật Đo lường, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường. Thông tư 23 của Bộ KH&CN quy định một số thiết bị thuộc danh mục phương tiện đo nhóm 2 nhưng nhiều trung tâm không thực hiện. Trong khi dây chuyền đăng kiểm là đơn giản hơn so với dây chuyền sản xuất như lọc dầu, hóa chất... nhưng các cơ sở lớn như: Dung Quất, Nghi Sơn vẫn thực hiện. Các cơ sở này vẫn chấp hành tốt quy định về kiểm định, hiệu chuẩn mà không ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh”. Ông Hà Minh Hiệp |
Trong đơn kiến nghị, các trung tâm đăng kiểm cũng cho biết, bảng báo giá kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị của Viện Đo lường VN (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) có tổng mức giá khoảng hơn 55 triệu đồng, cao hơn nhiều so với mức giá 3,1 triệu đồng mà Cục Đăng kiểm VN đang thực hiện. Mặt khác, để kiểm định phải tháo rời các thiết bị khỏi dây chuyền và đưa về nơi duy nhất là Viện Đo lường VN để thực hiện.
“Đây là những bộ phận thiết bị trong một dây chuyền kiểm định đồng bộ không tách rời khi hoạt động và hiện đang được Cục Đăng kiểm VN định kỳ kiểm tra, đánh giá, hiệu chuẩn, được quy định tại Nghị định 63 ngày 1/7/2016 của Chính phủ. Vì vậy, việc đưa các thiết bị chuyên ngành nêu trên vào danh mục phương tiện đo nhóm 2 thuộc Bộ KH&CN quản lý sẽ phát sinh sự chồng chéo quản lý giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp”, các doanh nghiệp phản ánh.
Nội dung đơn cũng đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các cơ quan sửa đổi các quy định và chỉ nên giao cho cơ quan chuyên ngành chịu trách nhiệm quản lý thực hiện để tránh chồng chéo.
Thiết bị đo độ sáng đèn ô tô được Bộ KH&CN dự kiến xếp vào danh mục phương tiện đo nhóm 2(ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe cộng đồng) - Ảnh: Huy Lộc |
Các bên đều căn cứ quản lý theo Nghị định?
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hà Minh Hiệp, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) cho rằng, không có sự chồng chéo giữa các cơ quan quản lý. Bởi theo ông Hiệp, Luật Đo lường giao trách nhiệm Bộ KH&CN ban hành danh mục phương tiện đo nhóm 2 phải kiểm soát về đo lường. Luật Đầu tư cũng quy định kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Trong Nghị định 165 ngày 12/11/2013 của Chính phủ (quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, ATGT và bảo vệ môi trường) cũng đã quy định cụ thể các thiết bị tương tự như thiết bị sử dụng trong dây chuyền đăng kiểm vào danh mục thiết bị phải được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
Sau khi nhận được báo giá của Viện Đo lường VN, hàng chục trung tâm đăng kiểm có đơn đề nghị: Bộ GTVT, Bộ KH&CN, Bộ Tài chính, Cục Đăng kiểm VN kiến nghị chỉ giao một đầu mối quản lý chất lượng dây chuyền đăng kiểm. Bên cạnh đó, cũng cho rằng, giá đăng kiểm xe ô tô hiện nay quá thấp, nên các trung tâm kiến nghị Bộ Tài chính cho phép tăng giá kiểm định ô tô lên 30.000 - 40.000 đồng/xe so với hiện nay để đảm bảo thu chi. |
“Dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo là ngành nghề kinh doanh có điều kiện; do các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đủ điều kiện thực hiện. Cục Đăng kiểm VN là cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ đăng kiểm và thực hiện thanh, kiểm tra đối với dịch vụ này. Như vậy, Cục Đăng kiểm VN vừa thực hiện cung cấp dịch vụ kiểm định, vừa thực hiện thanh, kiểm tra thì chẳng khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi”, ông Hiệp cho biết.
Nếu các bộ, ngành, địa phương đều đưa ra quy định về phương tiện đo trong ngành, lĩnh vực, địa bàn mình quản lý, sẽ gây ra sự chồng chéo, lãng phí, phiền hà cho người sử dụng. Dịch vụ đo lường, hiệu chuẩn phương tiện đo, chuẩn đo lường theo Luật Đầu tư, Luật Đo lường đã được xã hội hóa, nhưng có lẽ hiện nay chỉ có hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn các thiết bị trong lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới là chưa xã hội hóa. Hiện, có khoảng 80 đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo sử dụng trong dây chuyền đăng kiểm.
Ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho rằng, không thể nói Cục Đăng kiểm VN “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong quản lý chất lượng các trung tâm đăng kiểm. Bởi Cục không làm thay chức năng của cơ quan quản lý về kiểm định phương tiện đo nhóm 2 đã được quy định trong Thông tư 23 của Bộ KH&CN.
“Các thiết bị thuộc dây chuyền kiểm định xe cơ giới được thiết kế đồng bộ, không tách rời, liên quan đến phần mềm quản lý được nối mạng với cơ quan Cục, bảo mật để chống can thiệp vào kết quả đăng kiểm. Về nguyên tắc, các thiết bị đơn lẻ thuộc dây chuyền đăng kiểm thuộc danh mục đo nhóm 2 sau khi được đo lường, Cục Đăng kiểm VN vẫn phải test (thử, kiểm tra) lại để bảo đảm cả dây chuyền đạt sự chính xác theo thông số của các hãng thiết bị cung cấp”, ông Trí nói.
Cũng theo ông Trí, từ năm 1997 đến nay, hàng năm, Cục Đăng kiểm VN đều tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn các thiết bị, dây chuyền đăng kiểm theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 63 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới. Nhiều trung tâm đăng kiểm khi góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 23 của Bộ KH&CN cũng kiến nghị Cục Đăng kiểm VN đề xuất chỉ giao một đầu mối cơ quan quản lý chất lượng dây chuyền đăng kiểm.
“Việc tách một số thiết bị của dây chuyền để đưa vào danh mục nhóm 2 do Bộ KH&CN quản lý sẽ gây ra sự chồng chéo quản lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bộ KH&CN cần sơ kết việc thực hiện Thông tư 23 liên quan đến lĩnh vực dây chuyền đăng kiểm để có đánh giá sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tế”, ông Trí nói thêm.
Không cần tháo rời thiết bị mang đi kiểm định Trao đổi với Báo Giao thông về những thắc mắc của các trung tâm đăng kiểm như: Phải tháo rời thiết bị, giá cả quá đắt và Viện Đo lường VN báo giá dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn quá đắt, ông Cao Xuân Quân, Viện trưởng Viện Đo lường VN cho biết, Viện không tùy tiện gửi báo giá dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn đến các trung tâm đăng kiểm, mà chỉ gửi đến trung tâm có văn bản đề nghị cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị. Trên cơ sở đề nghị cụ thể của từng trung tâm, Viện Đo lường VN gửi báo giá cụ thể theo danh mục đề nghị, trong báo giá đã chỉ rõ có cả hai mục hiệu chuẩn và kiểm định phù hợp với các phương tiện đo. Chẳng hạn, chỉ có Trung tâm đăng kiểm Bắc Kạn có báo giá 10 thiết bị, với tổng giá trị khoảng 55 triệu đồng, còn một số trung tâm khác đề nghị báo giá với 2 thiết bị. Tùy theo số lượng thiết bị, thông số cần kiểm định, hiệu chuẩn, độ chính xác của từng loại phương tiện mà Viện đưa ra báo giá cụ thể cho khách hàng. Viện Đo lường VN xây dựng mức giá trên trên nguyên tắc xác định các chi phí được quy định tại Điều 26 của Luật Đo lường và pháp luật về giá. Mặt khác báo giá không phải là bắt buộc, mà là cơ sở để bên cung cấp dịch vụ và khách hàng thỏa thuận, ký kết hợp đồng. “Thực tế, chúng tôi cũng đang áp dụng chính sách hỗ trợ kinh phí, giảm giá đến 25% để hỗ trợ cho các đơn vị thuộc đối tượng phục vụ công tác quản lý Nhà nước (như các trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng) hoặc thực hiện dịch vụ phục vụ trực tiếp người dân. Các trung tâm đăng kiểm khi có đề nghị hỗ trợ, chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ theo chính sách này”, ông Quân nói. “Tôi khẳng định, các trung tâm đăng kiểm không cần phải tháo rời các thiết bị để mang đi kiểm định và hiệu chuẩn tại trụ sở Viện Đo lường VN. Ngay trong các báo giá gửi các đơn vị đăng kiểm cũng thể hiện rõ điều đó. Không có văn bản nào của Viện đề nghị các trung tâm đăng kiểm phải tháo rời thiết bị để mang đi kiểm định và hiệu chuẩn. Viện Đo lường VN sẵn sàng đáp ứng yêu cầu thực hiện kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm để không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động đăng kiểm”, ông Quân khẳng định và cho biết, Viện Đo lường VN chỉ là một trong số các đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị đo lường và cũng phải cạnh tranh với các đơn vị xã hội hóa để có khách hàng. Việc khách hàng lựa chọn Viện Đo lường quốc gia hay đơn vị nào là do uy tín, chất lượng dịch vụ mà đơn vị cung cấp mang lại. Huy Lộc |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận