Nhiều nút giao có nguy cơ mất ATGT
Chiều 14/11, đoàn công tác của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có buổi làm việc với Đồng Nai về việc đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia cho rằng, Đồng Nai là địa phương có lượng phương tiện di chuyển quá lớn nên nguy cơ dẫn tới tai nạn giao thông ở mức cao. Một phần đây là địa phương phát triển mạnh về công nghiệp, có nhiều khu công nghiệp, cảng biển.
Bên cạnh đó, Đồng Nai còn là cữa ngõ phía Bắc của TP.HCM, lượng phương tiện từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung đi vào TP.HCM đều qua Đồng Nai. Các phương tiện đi đến những điểm du lịch như Đà Lạt, Phan Thiết, Vũng Tàu... đều đi qua Đồng Nai.
Để đảm bảo an toàn giao thông qua Đồng Nai, ông Hùng đề nghị tỉnh phải có phương án tổ chức giao thông tại các vị trí nút giao đang là "điểm đen" về tai nạn giao thông hoặc các nút giao phức tạp.
"Ở môi trường giáo dục cũng nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các trường học, giáo viên chủ nhiệm trong việc đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh. Chủ các khu công nghiệp cũng phải nghiên cứu, lập kế hoạch an toàn giao thông cho khu công nghiệp; chủ doanh nghiệp phải có kế hoạch an toàn giao thông khi giao xe cho tài xế", ông Hùng nói.
Ông Hùng đề xuất, Đồng Nai cần xây dựng mô hình dự báo phân tích giao thông trên toàn tỉnh. Cụ thể là nghiên cứu mạng lưới giao thông và mức tăng trưởng lượng phương tiện qua hàng năm, từ đó đề ra giải pháp chống ùn tắc và dễ dàng phân tích, nhìn nhận cụ thể hơn.
Ngoài ra ông Hùng đề nghị Đồng Nai khi quy hoạch khu công nghiệp, khu dân cư cần có đánh giá tác động giao thông đối với từng công trình, từng khu vực trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư.
Ông Hùng cho biết, khi đi kiểm tra nút giao thông giữa cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với QL56 (thuộc địa bàn Cẩm Mỹ, Đồng Nai) ông Hùng nắm được thông tin có một dự án khu công nghiệp rộng 300ha gần cao tốc.
Từ khu công nghiệp này có một tuyến đường rộng 45m chạy thẳng tới nút giao trên nên khá lo ngại về tình hình giao thông qua khu vực.
Đối với kiến nghị của Đồng Nai về việc nâng cấp, mở rộng, lắp dải phân cách, bổ sung đèn chiếu sáng và sớm triển khai lắp đặt camera xử lý vi phạm trên QL20, ông Hùng cho rằng nguồn kinh phí của Bộ Giao thông vận tải cũng có hạn. Vì cả nước có rất nhiều tuyến quốc lộ giống như QL20. Do đó, Đồng Nai nên có ý kiến đến đoàn Đại biểu Quốc hội để đoàn có ý kiến lên Bộ và Bộ kiến nghị lên Chính phủ.
Ngoài ra về các điểm đen an toàn giao thông trên QL51, nút giao cổng 11... tỉnh cần tổ chức lại giao thông toàn bộ nút và mạng lưới giao thông xung quanh.
Tai nạn tăng 130 vụ so với cùng kỳ
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chia sẻ, nhiều kiến nghị của tỉnh như mở rộng đường, lắp giải phân cách, camera trên quốc lộ... hiện vẫn chưa được giải quyết do liên quan đến kinh phí.
"Chúng tôi tiếp tục kiến nghị Ủy ban an toàn giao thông quốc gia có biện pháp giải quyết dứt điểm những kiến nghị của tỉnh Đồng Nai để góp phần đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian tới", bà Hoàng nói.
Còn Đại tá Trần Anh Sơn, Phó giám đốc công an tỉnh Đồng Nai, Phó trưởng ban ATGT cho biết liên quan đến việc lắp camera giao thông, Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh có chủ trương đầu tư dự án. Trong đó sẽ sử dụng 745 tỷ đồng để lắp camera xử lý giám sát và xử lý vi phạm giao thông.
Trước đó, báo cáo với đoàn công tác, Ban an toàn giao thông tỉnh Đồng Nai cho biết, 10 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 309 vụ tai nạn làm 260 người chết và 147 người bị thương (tăng 130 vụ so với năm 2022).
Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông với các lỗi chủ yếu như: người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát, đi sai làn đường, không giữ khoảng cách an toàn, tránh vượt sai quy định, vi phạm quy định an toàn giao thông khi chuyển hướng...
Ban ATGT tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra thực tế, đề xuất các biện pháp xử lý 11 "điểm đen", 23 điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn và 28 vị trí bất cập về hạ tầng giao thông trên các tuyến quốc lộ.
Ban đề nghị Ban quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây) xử lý các tồn tại ở vị trí QL56 giao với đường cao tốc.
Đồng thời nghiên cứu đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao ngã tư Vũng Tàu, mở rộng mặt đường và lắp đặt dải phân cách trên QL1 và QL20 qua địa bàn Đồng Nai và sớm tháo dỡ trạm thu phí cầu Đồng Nai, QL51.
Bên cạnh đó có giải pháp đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao cổng 11 để giảm thiểu các nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận