Hạ tầng

Vì sao dự án BOT QL91 chưa hoàn thiện đã thu phí?

05/11/2016, 14:00

Thời gian qua, dư luận phản ánh dự án BOT QL91 dù chưa hoàn thiện, vẫn còn một số đoạn chưa thảm nhựa...

21

Một đoạn mặt đường dài hàng chục mét trên QL91 chưa được thảm nhựa gây ngập nước

Thời gian qua, dư luận phản ánh dự án BOT QL91 dù chưa hoàn thiện, vẫn còn một số đoạn chưa thảm nhựa và cống thoát nước đã “đè” dân thu phí giai đoạn 1 từ 2/4. Báo Giao thông tìm hiểu làm rõ vấn đề này.

Dân cản trở hoàn công

Phản ánh với PV Báo Giao thông ngày 2/11, một số hộ dân sống gần Trạm thu phí BOT QL91 cho rằng, dù tuyến đường đã được đưa vào khai thác, thu phí từ lâu nhưng đến nay nhà đầu tư vẫn chưa hoàn thiện việc thảm nhựa, hệ thống cống thoát nước một số vị trí.

Ông Nguyễn Bá Nhã (ngụ phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cho biết: “Dù đường đã thu phí từ tháng 4, nhưng đoạn từ ngã 4 rẽ vào QL91B đến Trạm thu phí BOT QL91 còn 2 vùng lõm dài khoảng 70m, mặt đường chưa được thảm nhựa. Tôi không hiểu tại sao họ lại chừa lại 2 vị trí này, mỗi khi xe container hay xe tải chạy qua bị sụp xuống nghe tiếng động rất lớn. Ngay trước cửa nhà tôi, một đoạn đường không được thảm nhựa và không có hệ thống thoát nước nên nước thường xuyên bị ứ đọng”.

Ngày 2/11, Cục QLXD&CLCTGT có công điện gửi Ban QLDA1, Công ty CP Đầu tư QL91 Cần Thơ - An Giang yêu cầu khẩn trương làm việc với chính quyền địa phương để nhận mặt bằng, thi công hoàn chỉnh các hạng mục còn tồn tại của dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo nâng cấp QL91 đoạn Km 14+000 - Km 50+889 theo hình thức hợp đồng BOT; Khẩn trương làm việc với chính quyền địa phương và đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong quá trình thi công để nhận bàn giao mặt bằng, thi công hoàn chỉnh các hạng mục còn tồn tại trước ngày 30/11. Công ty CP Đầu tư QL91 Cần Thơ - An Giang thực hiện các biện pháp đảm bảo chống ngập cho các hộ dân tại khu vực trạm thu phí tránh gây thiệt hại cho nhà ở và vườn cây ăn trái như phản ánh.

Ông Nguyễn Văn Công (ngụ phường Phước Thới) cũng than thở: “Trước đây, dọc QL91 có một con rạch nhỏ là nơi thoát nước cho hàng trăm hộ dân. Khi chủ đầu tư san lấp một đoạn để làm trạm thu phí và nhà điều hành, nhưng chưa xây dựng hệ thống cống thay thế nên nước ngập úng triền miên. Vườn cây ăn trái, nhà cửa của chúng tôi bị hư hỏng vì nước ngập. Dân làm nghề trồng trái cây mất đi một phần thu nhập”.

Theo tìm hiểu của PV, sở dĩ tồn tại tình trạng kể trên là do một số hộ dân đang cản trở việc thi công hệ thống cống thoát nước. Điển hình là gia đình ông Lê Văn Tài. “Trong quá trình thi công trước đây, đơn vị thi công đã làm nhà tôi sụp lún, nứt, nghiêng về một phía. Sau 2 lần thẩm định thiệt hại, phía công ty chỉ bồi thường khoảng 18 triệu đồng nên tôi không đồng ý và không cho họ thi công tiếp”, ông Tài cho biết.

Ông Lê Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ cũng cho biết, đoạn đường chưa được thảm nhựa hoàn chỉnh là do có 3 hộ dân ngăn cản. Đây là những hộ có nhà bị ảnh hưởng khi thi công đường, nhà đầu tư đã yêu cầu đơn vị bảo hiểm thẩm định thiệt hại nhưng người dân chưa đồng thuận. “Chính quyền cùng nhà đầu tư đã làm việc nhiều lần với các hộ dân này và thống nhất trưng cầu đơn vị thẩm định độc lập mức thiệt hại. Hiện, đơn vị này cũng đã thẩm định xong, địa phương và nhà đầu tư cùng các bên liên quan đang chuẩn bị công bố. Nếu người dân đồng thuận, nhà đầu tư sẽ chi trả tiền và tiến hành thi công hoàn thiện”, ông Dũng nói.

Yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đặng Trung Thành, Phó cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT (Bộ GTVT) cho biết, giai đoạn 1 của dự án BOT QL91 đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, trên tuyến đường này còn có một số đoạn chưa hoàn thiện mặt đường và hệ thống cống thoát nước là do còn 3 hộ dân cản trở. Thực chất, mặt đường tại các đoạn này đã thi công gần xong chỉ còn thảm lớp nhựa C12.5. Hệ thống cống tại một số đoạn chưa thể thi công để đấu nối nên xảy ra tình trạng nước tràn ra đường.

“Cục đã yêu cầu nhà đầu tư và các bên liên quan phải làm việc với chính quyền địa phương để giải quyết dứt điểm việc GPMB vì đây là trách nhiệm của địa phương. Trước mắt, Cục yêu cầu nhà đầu tư tăng cường bơm nước, không để nước tràn ra đường hoặc gây ngập úng”, ông Thành nói.

Về phía đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó tổng giám đốc Ban QLDA1 cho biết, theo quyết định đầu tư, dự án gồm 2 trạm thu phí đặt tại Km 16+905,83 và Km 50+050 QL91. Ngày 1/10/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư thu phí cho dự án. Ngày 31/1/2016, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành. Đến ngày 9/3/2016, Bộ GTVT ban hành Văn bản 2412 chấp thuận cho phép tổ chức nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng khai thác dự án QL91 đoạn Km 14+00 - Km 50+889. Tiếp đó, ngày 23/3/2016 Bộ GTVT có Quyết định số 888 cho phép thu phí tại trạm Km 16+906 QL91.

Trên cơ sở đó, ngày 2/4/2016 nhà đầu tư bắt đầu thu phí dự án, mức thu được quy định tại Thông tư 150/2015 của Bộ Tài chính. “Việc thu phí giai đoạn 1 của dự án là đầy đủ thủ tục và đúng quy định. Đối với giai đoạn 2 của dự án hiện đã cơ bản hoàn thành, nhà đầu tư đang phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành các thủ tục cần thiết để nghiệm thu dự án. Khi dự án đáp ứng được đầy đủ các thủ tục và được Bộ GTVT cho phép nhà đầu tư sẽ tiến hành thu phí tại trạm thứ 2 tại Km 50+505 QL91”, ông Lâm nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.