Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (trái) được Chủ tịch Hội đồng châu Âu Jean-Claude Juncker (phải) đón tiếp trước khi bước vào đàm phán với các chủ nợ. |
Sợ hiệu ứng domino
Trong lúc các cuộc họp bàn cứu Hy Lạp đang diễn ra thì Tổ chức Xếp hạng tín dụng quốc tế Standard and Poor’s đưa ra cảnh báo sẽ hạ cấp độ tín nhiệm một loạt quốc gia EU, nếu hệ thống ngân hàng của các nước này bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính Hy Lạp.
Đại diện Standard and Poor’s cho biết: Trường hợp Hy Lạp rút khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thì các ngân hàng đối diện với nguy cơ phá sản; Và hiệu ứng này sẽ lan tiếp đến các công ty con, chi nhánh ở các quốc gia cùng khu vực như: Bulgaria, Macedonia, Albania, Serbia, Rumani. Các chi nhánh của các ngân hàng Hy Lạp tại các quốc gia này đều giữ một vai trò quan trọng tại địa phương.
Càng đến gần hạn chót (30/6) phải thanh toán nợ cho IMF thì người Hy Lạp càng ồ ạt rút tiền khỏi các ngân hàng. Tuần trước, ít nhất 3 tỷ euro được rút, trong khi cả tháng trước là 4,7 tỷ euro. Ngân hàng Trung ương Hy Lạp cho biết 30 tỷ euro được rút từ tháng 11/2014 đến cuối tháng 4/2015. Nếu không có biện pháp, 120 tỷ euro còn lại cũng sẽ bị rút hết. |
Hiện, cổ phiếu các chi nhánh/công ty con nói trên chiếm 15% vốn ở Serbia, Rumani; tại Bulgaria và Macedonia là 20%. Trong đó, Serbia đang bị đánh giá là có triển vọng tiêu cực (BB-), Bulgaria triển vọng ổn định (BB+), Macedonia ở mức ổn định (BB+)…
Đến 30/6, Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế phải đạt được một thỏa thuận mới về nợ công. 30/6 là thời điểm Hy Lạp phải trả 1,6 tỷ euro tiền nợ cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nếu không nước này sẽ bị phá sản và phải ra khỏi eurozone. Viễn cảnh này khiến cả EU và Hy Lạp hốt hoảng và không muốn điều đó xảy ra. Tổng thống Pháp Francois Hollande cảnh báo “cần làm mọi điều có thể” để giữ Hy Lạp trong Eurozone.
Nhiều chuyên gia nhận định các bên sẽ đạt được một thỏa thuận chung vào phút chót vì lúc này cứu Hy Lạp chính là cứu châu Âu. Các chủ nợ có lẽ cần phải để cho Athens có thêm thời gian phục hồi, chứ không phải gây sức ép vào thời điểm này.
Tín hiệu lạc quan từ đề xuất của “con nợ”
Chiều qua, hai bên đàm phán về những đề xuất cải cách mới mà Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đưa ra ngay trước cuộc họp một ngày. Theo đó, sẽ tăng thuế đối với các doanh nghiệp và người giàu, tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) và giảm chi tiêu quốc phòng. Các biện pháp này sẽ giúp Athens có thêm 8 tỷ euro. Tuy nhiên các chủ nợ (Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF, Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB và EU) cho rằng chưa đủ và yêu cầu: Phải tăng độ tuổi nghỉ hưu, tăng thuế dịch vụ VAT tại các nhà hàng, khách sạn lên 23% (hiện là 13%). Tăng thuế doanh nghiệp từ mức 26% hiện nay lên mức 28% và sau đó lên mức 29% sau năm 2016. Ngoài ra, phải cắt giảm 400 triệu euro chi tiêu quốc phòng, thay vì mức đề xuất là 200 triệu euro.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, những đề xuất này đáp ứng được 90% yêu cầu của các chủ nợ để được vay 7,2 tỷ euro trước ngày 30/6; Chính phủ Hy Lạp cho thấy có sự nhượng bộ. Và ông Tsipras nói rằng: “Chúng tôi muốn tìm kiếm một giải pháp toàn diện và khả thi. Tuy vậy, cho đến thời điểm này thì quả bóng đang nằm trong chân các nhà lãnh đạo châu Âu”.
Về phần mình, lãnh đạo 18 nước Eurozone khá lạc quan với kế hoạch này. Ủy viên phụ trách chính sách kinh tế EU Pierre Moscovici cho biết: Các Bộ trưởng tài chính và kinh tế đang thảo luận về bản đề xuất. Hy vọng, các bên sẽ đạt được thỏa thuận trong tuần này vì bản đề xuất của Hy Lạp có tính khả thi”.
Điều đó cho thấy, các bên đã sẵn sàng thỏa hiệp. Hy Lạp vỡ nợ thì: Chính phủ hiện tại cũng sẽ sụp đổ, chính trường mất ổn định và xã hội rối loạn; lạm phát ước tính tối thiểu lên tới 30%; GDP của Eurozone sẽ giảm 2%. Một nhà nước vỡ nợ không thể là thành viên của Eurozone, vì sẽ có những tác hại tới vị thế của đồng euro, gây rủi ro cho các nhà đầu tư và chiến lược đối phó với khủng hoảng kinh tế của cả khối.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận