Chi cả chục nghìn tỷ đồng, việc thoát nước vẫn chủ yếu nhờ... tự chảy
Trận mưa lớn chiều qua (29/5) đã bộc lộ rõ hạn chế hệ thống thoát nước của TP Hà Nội khi mưa kéo dài từ 14h đến 16h đã gây ngập lụt sâu nhiều tuyến phố. Theo kết quả quan trắc, khu vực mưa lớn nhất là Cầu Giấy với vũ lượng lên tới 180 mm. Một số quận nội thành khác mưa phổ biến 90-110 mm.
Công ty thoát nước Hà Nội cho biết đã phải vận hành các trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế; mở các cửa thu để nước chảy vào các hồ điều hòa Thiền Quang, Đống Đa, Bảy Mẫu, Linh Đàm, Khương Trung đồng thời triển khai nhiều biện pháp tiêu úng cho khu vực trung tâm. Tuy nhiên, do lượng mưa lớn, cấp tập diễn ra trong thời gian ngắn dẫn đến hệ thống thoát nước trên nhiều tuyến phố không kịp tiêu thoát, gây ngập úng.
Trận mưa lớn xảy ra trong chiều qua (29/5) gây ngập sâu trên nhiều tuyến đường, phố ở Hà Nội
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, để phục vụ mục tiêu thoát nước từ năm 2005 đến nay, UBND TP.Hà Nội đã đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng vào các dự án thoát nước. Trong đó, đáng chú ý là 3 dự án đã và đang triển khai với tổng số tiền hơn 19.000 tỉ đồng.
Cụ thể, dự án thoát nước Hà Nội có mức đầu tư hơn 8.000 tỉ đồng, đã hoàn thành vào cuối năm 2016. Dù vậy, từ sau khi hoàn thành đến nay, Hà Nội vẫn không tránh được ngập úng.
Hai dự án thoát nước, chống ngập úng cho khu vực phía tây Hà Nội gồm các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, một số huyện ngoại thành là dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội được triển khai từ năm 2015 với tổng mức đầu tư hơn 7.400 tỉ đồng và dự án xây dựng Cụm công trình đầu mối Liên Mạc với tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỉ đồng.
Trong đó, trạm bơm tiêu Yên Nghĩa có công suất 120 m3/giây bơm nước từ lưu vực sông Nhuệ ra sông Đáy, giảm ngập úng cho quận Hà Đông, Thanh Xuân; Cụm công trình đầu mối Liên Mạc có công suất 170 m3/giây (gần gấp đôi trạm bơm Yên Sở) bơm nước từ sông Nhuệ ra sông Hồng, giảm ngập úng cho khu vực quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và phụ cận.
Tuy nhiên, đến nay, việc thoát nước ở khu vực các quận nêu trên vẫn chủ yếu nhờ... tự chảy. Nguyên nhân, theo một đơn vị thoát nước tiết lộ là do việc vận hành trạm bơm tiêu Yên Nghĩa không hiệu quả do chưa hoàn thành xong tích dẫn, chưa có đủ nước để dẫn về trạm bơm.
GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, hệ thống thoát nước của Hà Nội được để lại từ thời Pháp, quá nhỏ bé, không còn phù hợp với sự phát triển Thủ đô như ngày nay.
Theo GS Hồng, hiện nay cường độ mưa đã vượt thiết kế như công ty cấp thoát nước Hà Nội nêu ra. Cụ thể, khả năng tiêu nước là 50-100mm/2 giờ, nhưng trong thực tế lượng mưa lớn nhất tới 135mm/1 giờ (Cầu Giấy), còn thấp nhất cũng 70,5mm/1 giờ (Tây Hồ) nên các trục thoát nước đều bị quá tải, dẫn đến ngập úng.
"Trong nguyên tắc thoát nước mưa, còn nhiều biện pháp hỗ trợ nhau. Nước mưa được giữ lại trên các đồng cỏ hay rừng cây trồng, có thể tới 36% tổng lượng mưa trong mùa. Nước mưa thấm vào đất, nếu là cát tốc độ thấm có thể 25mm/1 giờ, nước mưa được chứa lại ở những chỗ trũng như ao, hồ, sông suối", GS Vũ Trọng Hồng nói và chỉ ra nguyên nhân chính gây ngập ở Hà Nội hiện nay là do những giải pháp nêu trên đối với Hà Nội bây giờ không còn tác dụng nữa. Tất cả mặt đất được phủ bê tông, các ao hồ ngày một giảm đi nhường chỗ cho các khu đô thị mới mọc lên.
Thừa nhận bất cập trên, ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó giám đốc Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội nói: "Trận mưa hôm qua (29/5) vượt quá công suất thiết kế của hệ thống thoát nước trong nội đô".
Theo thiết kế, hệ thống đáp ứng được năng lực tiêu thoát với lượng mưa 310 mm trong 2 ngày. Trong khi đó, nhiều điểm mưa ở Hà Nội vừa qua lên tới 180 mm chỉ trong vòng 2 giờ. Mưa lớn trút xuống trong thời gian ngắn vượt gấp đôi năng lực thiết kế hệ thống thoát nước của thành phố.
Ông Sơn cho biết, đơn vị ghi nhận 35 điểm ngập úng trong thành phố sau trận mưa chiều qua, trong đó tập trung nhiều điểm ở lưu vực sông Tô Lịch ở địa bàn các quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Cầu Giấy và một số địa bàn thuộc lưu vực sông Nhuệ (quận Nam Từ Liêm), lưu vực Long Biên.
"Lưu vực sông Tô Lịch được đầu tư bởi dự án thoát nước giai đoạn 1 và 2 nên có thể chịu được trận mưa 310 mm trong 2 ngày. Còn lại những lưu vực khác phụ thuộc rất lớn vào hệ thống tự chảy của sông Nhuệ và sông Cầu Bây, hệ thống thoát nước đô thị và hệ thống nông nghiệp thủy lợi nên không tránh khỏi việc thoát kém", ông Sơn thông tin.
Theo thống kê, hệ thống thoát nước khu vực nội thành gồm 5.700 km cống, 254 km mương, sông, kênh, 125 hồ điều hòa, 10 trạm bơm thoát nước mưa chính và 5 nhà máy, trạm xử lý nước thải.
Hệ thống này được chia thành 5 khu vực gồm: Tô Lịch, Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ, Hà Đông và Long Biên. Trong số này chỉ có khu vực sông Tô Lịch được đầu tư hoàn chỉnh.
Một số trạm bơm tiêu chính như Liên Mạc, Yên Nghĩa hoàn thành nhưng chưa phát huy hiệu quả do hệ thống kênh dẫn, kênh xả chưa đồng bộ. Còn trạm bơm Gia Thượng, Cự Khối chưa được cải tạo, nạo vét ảnh hưởng đến tiêu thoát nước trong hệ thống.
Hiện, Hà Nội còn 6 điểm không giảm úng ngập là ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Phùng Hưng, đường Cao Bá Quát, đường Nguyễn Khuyến, đường Trường Chinh và đại lộ Thăng Long.
Nhiều người tham gia giao thông phải dắt xe trên đường, đi bộ khi mưa lớn gây ngập ở Hà Nội
Phát triển đô thị cần đồng bộ hệ thống thoát nước
Nói về giải pháp thoát nước cho Hà Nội, GS Hồng cho biết ông đã từng đi thăm các nước có hệ thống thoát nước tốt như thành phố Matxcơva (nước Nga), thành phố Venice (nước Ý), thành phố Paris (nước Pháp).
Ở Thủ đô Matxcơva, hệ thống thoát nước toàn thành phố đều được chảy ra kênh đào nằm giữa thủ đô. Kênh rất rộng và sâu, các tàu thuyền lớn đều có thể đi trên đó.
Còn Venice là một thành phố toàn kênh rạch, giao thông chính là các tàu thuyền. Người ta có kế hoạch xây dựng lại Venice, để có đường trên bộ cho xe và người đi, song người dân địa phương không đồng tình, bởi nguồn thu của họ là du lịch.
Ở Paris, mạng lưới tiêu nước trong thành phố, gồm các công trình ngầm, song kích thước rất lớn, các thuyền vẫn có thể đi vào vào để nạo vét, sửa chữa.
Đối với Thủ đô Hà Nội, hệ thống thoát nước được để lại từ thời Pháp, quá nhỏ bé, không còn phù hợp với sự phát triển Thủ đô như ngày nay.
"Trong quy hoạch đô thị hoá, chúng ta phải tích hợp quy hoạch thoát nước, mới thoát cảnh ngập úng như trận mưa vừa qua", GS Hồng nói.
Đồng quan điểm, GS Nguyễn Văn Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, Hà Nội cần đánh giá lại khả năng tiêu thoát của hệ thống thoát nước khi xảy ra mưa cường độ lớn, các khu đô thị hoá đã đảm bảo khả năng thoát nước chưa.
"Các thông số thiết kế cũ chưa thể đáp ứng được trước tình hình biến đổi khí hậu, mưa cực đoan có thể xảy ra ngày càng nhiều. Hệ thống thoát nước hiện tại không còn phù hợp với tình hình mới.
Cần nhiều giải pháp tổng thể để giải quyết bài toán ngập úng đô thị, trong đó có việc vận hành hồ điều tiết, trồng cây xanh, khơi thông lòng sông và nâng cao năng lực tiêu thoát bằng cách đẩy nhanh tiến độ các dự án thoát nước đang bị đình trệ", GS Liên khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận