Tiết kiệm hơn 212 tỷ đồng mỗi năm
Số liệu thống kê của Sở GTVT Hà Nội cho thấy mức trợ giá của vận tải hành khách bằng xe buýt trung bình giai đoạn 2020 - 2022 cao hơn so với giai đoạn 2015 - 2019 khoảng 857,43 tỷ đồng. Trong đó năm 2022 cao nhất với mức trợ giá lên tới gần 3.000 tỷ đồng, cao hơn trung bình giai đoạn 2020 - 2022 khoảng hơn 670 tỷ đồng.
Giai đoạn 2020 - 2022, doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cũng sụt giảm, một phần do đây là giai đoạn chịu tác động ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Phần khác là do một số chính sách ưu đãi, miễn phí cho người dân được triển khai áp dụng sau Nghị quyết 07/2019 của HĐND TP.
Bên cạnh đó, theo Sở GTVT Hà Nội, việc triển khai thi công một số công trình giao thông trọng điểm phải tổ chức giao thông điều chỉnh lộ trình làm giảm sản lượng hành khách, tăng số km hành trình tăng chi phí, giảm doanh thu kéo theo trợ giá tăng...
Qua rà soát, Sở GTVT tạm thời xác định 71/132 tuyến buýt cần phải xem xét điều chỉnh.
Đáng chú ý, Hà Nội dự kiến dừng 6 tuyến buýt từ ngày 1/4 tới, gồm các tuyến: 14, 18, 44, 45, 145 và tuyến số 10. Đây là lần đầu tiên Hà Nội dừng hoạt động các tuyến buýt không đảm bảo chất lượng sau nhiều năm hình thành và phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng này.
Với phương án dự kiến như đã nêu trên, Sở GTVT Hà Nội cho biết, sẽ tiết giảm được khoảng 11,45 triệu km hành trình/năm, tương ứng với chi phí tiết kiệm được là khoảng 212,23 tỷ đồng/năm.
Không để ảnh hưởng tới việc đi lại của hành khách
TS Phan Lê Bình, một chuyên gia giao thông dành nhiều tâm huyết với hoạt động vận tải hành khách công cộng của Thủ đô cho hay, ông không ngạc nhiên về đề xuất trên.
"Việc rà soát lại toàn bộ các tuyến buýt, đưa các giải pháp tổng thể như vừa qua của Sở GTVT Hà Nội là bước đi đúng đắn, tránh gây lãng phí", ông Bình khẳng định.
Mặc dù vậy, theo ông Bình, việc dừng hoạt động với 6 tuyến buýt ít nhiều cũng sẽ khiến việc đi lại của hành khách trên các tuyến này bị ảnh hưởng. Bởi vậy, cơ quan quản lý cần lưu tâm đưa ra các giải pháp để ít ảnh hưởng nhất tới người dân.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho rằng, đây là lúc Sở GTVT Hà Nội, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng cần phát huy vai trò của mình: "Dừng hoạt động các tuyến buýt phải được tiến hành song song với việc điều chỉnh lộ trình các tuyến khác".
Theo ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cơ quan quản lý luôn đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, song doanh nghiệp cũng phải chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước, người dân.
"Nếu doanh nghiệp nào cũng quan tâm đến doanh thu, sản lượng khách và xác định đây là yếu tố sống còn thì bức tranh xe buýt không quá lo lắng. Song đâu đó vẫn còn doanh nghiệp chỉ muốn tuyến của mình kéo dài, còn có hành khách hay không, sản lượng cao hay thấp cũng không quan tâm. Không thể để tình trạng có tuyến trợ giá đến 95 - 96% được. Đây chính là sự lãng phí", ông Thường khẳng định.
Cũng theo ông Thường, để không ảnh hưởng nhiều tới đi lại của hành khách, từ nay đến tháng 4/2024, Sở GTVT Hà Nội sẽ điều chỉnh các tuyến buýt có lộ trình gần tương tự với tuyến dừng hoạt động để việc đi lại của người dân ít bị ảnh hưởng nhất.
Hà Nội hiện có 154 tuyến buýt đang khai thác, vận hành, trong đó có 132 tuyến trợ giá; 8 tuyến không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour. Hiện có 11 đơn vị vận tải tham gia hoạt động buýt với hơn 2.300 phương tiện, mỗi ngày đảm nhận vận chuyển hàng chục nghìn hành khách.
Về định hướng phát triển mạng lưới buýt, bên cạnh việc điều chỉnh mạng lưới buýt hiện tại hiện nay, Sở GTVT và đơn vị tư vấn đang khẩn trương đưa ra kế hoạch phát triển trong thời gian tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận