Dù Tổng thư ký Văn phòng Quốc hội đã trả lời rất rõ trên báo chí những người đi cùng chuyên cơ không thuộc đoàn công tác Quốc hội nhưng nhiều thông tin trên mạng xã hội đang quy trách nhiệm và công kích cá nhân người dẫn đầu Đoàn công tác.
Theo tôi việc quy trách nhiệm này là thiếu sòng phẳng.
Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu đoàn công tác thăm chính thức Hàn Quốc vào tháng 12/2018, bà có nhiều việc để làm, trao đổi với phía Hàn Quốc trên cương vị lãnh đạo cấp cao.
Việc tổ chức, chọn các thành viên (trong đó có đoàn các doanh nghiệp) là do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) chịu trách nhiệm, chứ lãnh đạo cấp cao nào có thể kiểm tra trực tiếp hàng trăm thành viên đoàn!
Vụ việc xảy ra đã gần 1 năm, truyền thông Hàn Quốc đã đưa tin nhưng vì sao Bộ KHĐT không công bố danh tính 9 người bỏ trốn (2 người đã bị trục xuất về Việt Nam)?
Với trách nhiệm tổ chức đoàn doanh nghiệp đi xúc tiến, Bộ KHĐT cần minh bạch về việc này, kể cả về tiêu chí lựa chọn thành viên đoàn doanh nghiệp tham gia đoàn công tác lãnh đạo cấp cao.
Trước thông tin lan truyền trên mạng cho rằng những người này có quan hệ đặc biệt với lãnh đạo Bộ KHĐT, trả lời phóng viên Tiền phong, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Tôi đã kiểm tra kỹ, họ không liên quan gì tới tôi cả. Do phía công an đang điều tra nên danh tính ra sao không thuộc thẩm quyền công bố của Bộ nữa”.
Trong khi chờ xử lí vụ việc, Bộ KHĐT đã chỉ đạo Cục Đầu tư nước ngoài - đơn vị đầu mối tổ chức đoàn - tiến hành rà soát, rút kinh nghiệm để có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài tới đây.
Cần nói thêm rằng, đây là lần đầu tiên sau 30 năm xảy ra tình trạng người xuất cảnh bỏ trốn dưới danh nghĩa thành viên đoàn các doanh nghiệp đi tìm hiểu thị trường Hàn Quốc.
Sau sự việc này, Bộ trưởng KHĐT khẳng định "sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để truy tìm các đối tượng hiện đang bỏ trốn để triệu hồi về nước và xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện nội bộ có sai phạm liên quan, Bộ sẽ không bao che mà nghiêm khắc xử lý cán bộ theo mức độ và quy định của pháp luật".
Trong một phát biểu với báo giới, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết Văn phòng Quốc hội đang phối hợp với các bên liên quan để tiếp tục xác minh, xử lý.
Có thể nói việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp đi cùng đoàn công tác của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong các hoạt động chính trị, ngoại giao ở nước ngoài là một chủ trương đúng đắn, nhằm phát triển quan hệ chính trị, ngoại giao kết hợp phát triển kinh tế. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và các địa phương mở rộng các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại, hiện thực hóa các cam kết về hội nhập quốc tế.
Đừng chỉ vì hành vi bỏ trốn của một vài cá nhân có động cơ xấu mà phủ nhận chủ trương này.
Chắc chắn Đảng, Nhà nước không bao giờ dung túng cho những kẻ vì động cơ, mục đích cá nhân làm ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước. Vì vậy việc sớm làm rõ, công khai minh bạch thông tin về những người bỏ trốn và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan là điều mà dư luận đang trông đợi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận