Thay vì chỉ cần có GPLX hạng B2 trở lên mặc nhiên được lái xe kinh doanh vận tải, tới đây nếu muốn hành nghề này lái xe phải học chuyên sâu và được cấp chứng chỉ hành nghề để phân biệt với lái xe không kinh doanh vận tải.
Sử dụng chứng chỉ sơ cấp thay thế
Dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) được Bộ GTVT bổ sung nhiều điểm mới. Trong đó, có đề xuất người điều khiển xe kinh doanh vận tải phải bổ sung chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải. Cụ thể, người có nhu cầu được cấp chứng chỉ này phải được đào tạo nghiệp vụ vận tải và kỹ năng lái xe an toàn tại các cơ sở đào tạo lái xe theo nội dung và chương trình quy định.
Ông Nguyễn Công Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, dự thảo Luật GTĐB quy định đối với đối tượng muốn hành nghề kinh doanh vận tải vẫn phải học các nội dung chuyên sâu về vận tải và được cấp đồng thời với cấp GPLX. Trên GPLX sẽ tích hợp nội dung đã trải qua khóa học về kinh doanh vận tải. Với cách này sẽ không phát sinh thêm thủ tục hành chính cho người dân.
Giải thích về quy định trên, ông Thủy cho biết, hiện bằng hạng B1 là không kinh doanh, từ hạng B2 trở lên được học thêm môn nghiệp vụ vận tải, sau đó được lái xe kinh doanh, khi xử lý lái xe vi phạm kinh doanh vận tải không tách riêng được để xử lý. Người học GPLX các hạng chỉ là học kỹ năng điều khiển phương tiện phù hợp với hạng xe đó, còn các kỹ năng nghiệp vụ vận tải thì hiện vẫn đang bỏ ngỏ.
“Luật mới cho phép học tất cả các hạng lái xe, khi nào người học muốn lái xe kinh doanh vận tải sẽ được học chương trình riêng và được cấp chứng chỉ hành nghề. Khi xử lý vi phạm về kinh doanh vận tải chỉ tước chứng chỉ hành nghề kinh doanh vận tải mà không ảnh hưởng đến GPLX và vẫn được lái xe cá nhân. Nghĩa là chỉ xử lý vi phạm kề kinh doanh vận tải, không xử lý về kỹ năng lái xe. Đây là quy định cần thiết, nhiều nước trên thế giới cũng quản lý theo hình thức này để đảm bảo ATGT”, ông Thủy cho biết.
Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng cho rằng, việc yêu cầu lái xe vận tải cung cấp chứng chỉ hành nghề là cần thiết. Hiện nay, các doanh nghiệp vận tải thuộc hiệp hội vẫn yêu cầu tài xế cung cấp chứng chỉ thực tập. “Chủ doanh nghiệp và hiệp hội phải có kỳ tập huấn, giáo dục để tài xế chấp hành Luật GTĐB và các kỹ năng nghiệp vụ khác. Nếu không có các khóa nghiệp vụ này, doanh nghiệp sẽ bỏ mặc tài xế”, ông Tiến nói.
Bị tước chứng chỉ vẫn được lái xe cá nhân
Ở một góc độ khác, TS. Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, cần làm rõ sự khác biệt giữa kỹ năng điều khiển phương tiện và giấy phép kinh doanh vận tải. Để có loại giấy phép này lái xe sẽ phải học thêm những gì. “Ví dụ trường hợp hành khách quên đồ trên xe, lái xe phải trả lại. Hay hành khách gặp tình huống khẩn cấp cần hỗ trợ thì lái xe phải làm gì. Tất cả những kiến thức đó lái xe kinh doanh vận tải cần phải được học, còn lái xe tư nhân thì không cần thiết”, ông Minh nêu.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, hiện nay bằng từ hạng B2 trở lên ai cũng phải học môn về nghiệp vụ vận tải dù có nhu cầu hay không. Dự thảo Luật mới tách ra, chi phí và thời gian học môn này sẽ loại bỏ khỏi chương trình đào tạo, chỉ khi học viên có nhu lái xe kinh doanh vận tải mới phải học.
Muốn có giấy phép kinh doanh vận tải, lái xe phải học các quy định pháp luật liên quan đến kinh doanh vận tải, nghiệp vụ vận tải, quy trình đảm bảo ATGT. Các nội dung này không chỉ doanh nghiệp thực hiện mà nó còn gắn chặt với người điều khiển phương tiện. Giấy chứng chỉ hành nghề sẽ do cơ quan có thẩm quyền cấp, cùng với cơ sở dữ liệu quản lý người lái sẽ theo dõi được suốt vòng đời của người lái xe.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, kinh doanh vận tải là ngành nghề có điều kiện, nhất là điều kiện về phương tiện và người lái nên sẽ phải có giấy phép hành nghề. Quy định hiện nay đối với lái xe kinh doanh vận tải là chỉ cần bằng lái từ hạng B2 trở lên và được tập huấn vận tải. Thực tế đã bộc lộ lỗ hổng là mới chỉ cấp giấy phép kinh doanh vận tải cho doanh nghiệp mà chưa có giấy phép hành nghề cho lái xe. Để lấp lỗ hổng đó, cần tăng cường quản lý bằng việc cấp giấy phép hành nghề để phân biệt rõ lái xe cá nhân và lái xe kinh doanh vận tải. Điều kiện về bằng lái chỉ là yếu tố kỹ thuật, khi có chứng chỉ sẽ bỏ được khâu tập huấn cho lái xe về nghiệp vụ kinh doanh vận tải như hiện nay. Đơn vị cấp giấy phép kinh doanh vận tải sẽ cấp chứng chỉ hành nghề của lái xe.
Cũng theo Thứ trưởng, dư luận hiện vẫn còn băn khoăn nếu bị tước giấy phép kinh doanh thì có được lái xe cá nhân nữa không. Quy định mới sẽ phân biệt rõ khi lái xe vi phạm bị tước giấy phép kinh doanh vận tải sẽ vẫn được lái xe cá nhân bình thường. Chứng chỉ hành nghề kinh doanh vận tải sẽ được quy định trên tinh thần không phát sinh thủ tục hành chính cho người dân.
“Đối với doanh nghiệp, tổ chức được cấp giấy phép kinh doanh. Về người điều khiển phương tiện, lái xe kinh doanh vận tải chỉ cần bằng B2 trở lên, còn lịch sử lái xe không nắm được. Khi cấp giấy phép kinh doanh vận tải sẽ có giải pháp kỹ thuật tích hợp, không làm phát sinh thủ tục, không gây tốn kém chi phí cho người dân. Cùng với hệ thống dữ liệu quản lý lái xe sẽ tránh được tình trạng lái xe vi phạm ở doanh nghiệp này bị đuổi việc vẫn làm việc ở doanh nghiệp khác”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Sẽ có lộ trình cấp chứng chỉ hành nghề
Trong Dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi), Bộ GTVT đề xuất: Chính phủ quy định lộ trình thực hiện việc cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải. Đồng thời, Chính phủ cũng quy định thu hồi chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải. Bộ trưởng Bộ GTVT quy định hình thức, các yếu tố kỹ thuật bảo an đối với chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng quy định nội dung, chương trình, thủ tục học và kiểm tra để cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải; quy định về thủ tục gia hạn, đổi, cấp lại và thu hồi chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận