Dịch vụ gọi xe máy qua ứng dụng (hay còn gọi là xe ôm công nghệ) xuất hiện tại thị trường Malaysia từ năm 2015, tương tự như nhiều nước khác ở Đông Nam Á.
Đến nay, qua 5 lần 7 lượt thử nghiệm rồi đánh giá, Malaysia vẫn nói “không” với xe ôm công nghệ. Lý do duy nhất được đưa ra đó là “không an toàn”.
Cựu Bộ trưởng Bộ Thể thao và Thanh niên Malaysia - ông Syed Saddiq Syed Abdul Rahman, một người rất ủng hộ xe ôm công nghệ, đi thử phương tiện của Dego Ride đầu năm 2020
Mở 2 - 3 tháng lại đóng
Theo dòng chảy của công nghệ và xu hướng gọi xe trong khu vực Đông Nam Á, năm 2015, Malaysia cũng xuất hiện hãng xe ôm công nghệ đầu tiên khởi nghiệp mang tên Dego Ride.
Tới tháng 11/2016, Dego Ride chính thức đưa dịch vụ xe ôm công nghệ vào hoạt động với khoảng 5.000 lái xe đăng ký tại thời điểm đó.
Nhưng chỉ sau 3 tháng, đạt 20.000 chuyến, dịch vụ chính thức bị chính quyền Malaysia lúc đó yêu cầu dừng hoạt động.
Tại thời điểm đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông Malaysia là ông Datuk Abdul Aziz Kaprawi đưa ra lý do là thiếu an toàn. Ông dẫn chỉ số TNGT đường bộ trong năm 2016 để thuyết phục chính quyền Malaysia cấm dịch vụ này.
Không bỏ cuộc, năm 2019, được sự ủng hộ của vị lãnh đạo trẻ đứng đầu Bộ Thể thao và Thanh niên Malaysia - ông Syed Saddiq Syed Abdul Rahman, Dego Ride thể hiện mong muốn nối lại dịch vụ.
Syed Saddiq còn đề xuất cho phép hãng xe ôm công nghệ Gojek (có trụ sở tại Indonesia) gia nhập thị trường với kỳ vọng có thể tạo thêm việc làm, thu nhập cho người trẻ.
Mãi đến cuối năm 2019, chính quyền Malaysia mới đồng ý cho phép các công ty gọi xe thử nghiệm trong phạm vi giới hạn (khoảng 6 tháng) bắt đầu từ tháng 1/2020.
Lúc đó, có đông đảo ứng viên đăng ký làm lái xe cho Dego Ride (khoảng 4.000 người) nhưng do mô hình giới hạn và phải qua nhiều vòng xét lý lịch, Dego Ride chỉ chọn 700 người hoạt động trong ngày đầu tiên.
Những người này phải đáp ứng đủ điều kiện từ 18 tuổi trở lên, có bằng lái xe máy B2, không có tiền án, tiền sự, sở hữu xe máy trên 150cc.
Phạm vi phục vụ trong bán kính không quá 10km từ địa điểm của khách hàng. Hành khách bị tính phí 3 Ringgit Malaysia (16 nghìn VNĐ) trong 3km đầu tiên và 1 Ringgit Malaysia (hơn 5,4 nghìn VNĐ) cho các km tiếp theo.
Vị Bộ trưởng trẻ Syed Saddiq rất hoan nghênh và nhận định, dịch vụ xe ôm công nghệ có thể tạo cơ hội việc làm cho 5.000 bạn trẻ, kiếm thêm từ 1.500 - 3.500 RM/tháng.
Tuy nhiên, mô hình này cũng bị gián đoạn do dịch bệnh, chỉ kéo dài được 3 tháng và im lìm đến nay.
Khoảng trung tuần tháng 11/2021 vừa qua, tại Dewan Rakyat (Hạ viện Malaysia), trước câu hỏi của một Nghị sĩ về kế hoạch đưa dịch vụ vận tải này vào hoạt động, Thứ trưởng Bộ Giao thông Malaysia Henry Sum Agong chốt lại là “không”.
Lý do đưa ra tương tự như năm 2016 là vì số vụ TNGT liên quan tới xe máy vẫn rất cao.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Malaysia, cơ quan này đưa ra quyết định trên sau khi phân tích số liệu thống kê từ CSGT sở tại năm 2019 cho thấy, 64% trong tổng số thương vong vì TNGT đường bộ liên quan tới người đi xe máy.
Tranh cãi gay gắt
Tuy nhiên, câu trả lời của Thứ trưởng Bộ Giao thông Malaysia vấp phải phản đối mạnh mẽ từ cả các nghị sĩ, nhà kinh tế và công ty khởi nghiệp Dego Ride.
Ngay tại cuộc họp, vị Nghị sĩ kể trên đặt câu hỏi: Rất nhiều quốc gia láng giềng như Thái Lan, Indonesia đều đang mở cửa cho xe ôm công nghệ và đạt được kết quả tích cực, tại sao Malaysia lại không thể? Vị Nghị sĩ cho rằng, Malaysia nên đưa ra hướng dẫn nghiêm ngặt để quản lý thay vì ngăn chặn như vậy.
Ông Nabil Feisal Bamadhaj, Giám đốc điều hành (CEO) Công ty Dego Ride cũng kêu gọi chính phủ suy nghĩ lại.
Theo ông, Chính phủ Malaysia nên đánh giá dựa trên những dữ liệu thu thập được từ những tháng thử nghiệm hồi đầu năm 2020 để đưa ra quyết định chính xác nhất.
Theo CEO Dego Ride, nếu Chính phủ Malaysia xem xét dữ liệu sẽ thấy, dịch vụ xe ôm công nghệ rất an toàn.
Ông nêu cụ thể, trong 2 tháng vận hành, có tổng cộng 4.000 lái xe hợp tác thực hiện 10 - 15 chuyến/ngày, phục vụ khoảng 40.000 - 60.000 chuyến. Kết quả chỉ có 5 vụ tai nạn nhưng không có người thiệt mạng.
“Dữ liệu đã có sẵn, tại sao chính phủ không dựa vào đó?”, CEO Dego Ride đặt câu hỏi.
Cùng thời điểm, nhà kinh tế Barjoyai Bardai làm việc tại Đại học Tun Abdul Razak cũng kêu gọi Chính phủ Malaysia nghĩ lại về quyết định cấm dịch vụ xe ôm công nghệ.
Theo ông, nếu biết cách quản lý, dịch vụ này hoàn toàn có thể giúp tăng cường kết nối giao thông tại khu vực nông thôn và đẩy mạnh du lịch.
“Tại các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi đường bộ còn hạn chế, dịch vụ xe ôm công nghệ có thể là yếu tố cần thiết cơ bản. Còn ở khu vực thành thị và khu du lịch, chúng ta có thể sử dụng dịch vụ này để vận tải khách du lịch”, chuyên gia kinh tế Bardai nói.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đồng tình với quyết định của Bộ Giao thông Malaysia như nhà cố vấn giao thông Rosli Azad Khan.
Theo chuyên gia giao thông có 40 năm kinh nghiệm, Chính phủ Malaysia chỉ nên cho phép dịch vụ xe ôm công nghệ hoạt động khi việc thực thi an toàn đường bộ tại Malaysia được tăng cường.
“Đơn cử như việc di chuyển trên đường cao tốc, hiện nay vẫn còn rất nhiều người đi xe máy không tuân thủ luật, không đi đúng làn xe, do đó chưa nên mở dịch vụ xe ôm công nghệ”, ông Rosli Azad Khan nhấn mạnh.
TNGT là nguyên nhân chính gây ra cái chết của người trong độ tuổi từ 15 - 29
Theo số liệu thống kê về tình hình TNGT tại Malaysia được công bố mới nhất vào tháng 6/2021, trong 1 thập kỷ qua, Malaysia ghi nhận 4,94 triệu vụ TNGT, trong đó số vụ tai nạn đường bộ đã tăng từ 414.412 vụ (trong năm 2010) lên 567.516 vụ (trong năm 2019).
Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh, Malaysia ghi nhận 3.118 người thiệt mạng liên quan tới xe máy, trong khi đó số người thiệt mạng liên quan tới ô tô là 888 người.
Giám đốc điều hành Tổ chức An ninh xã hội (Socso) Mohammed Azman Aziz Mohammed cho biết, TNGT là nguyên nhân chính gây ra cái chết của người trong độ tuổi thanh niên (từ 15 - 29 tuổi).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận