Chiều 27/1 trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Chính, huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội) thông tin: Cộng đồng dân cư xã Hoà Chính đang chặt hạ hai cây sưa trị giá trăm tỉ để cất bảo quản.
“Do thời điểm Tết Nguyên đán 2019 cận kề nên cộng đồng dân cư sợ mất, hơn nữa do thời tiết mưa nắng thất thường nên cộng đồng dân cư sợ thân cây sưa hàng trăm tỉ này sẽ mục nát. Vì vậy, cộng đồng dân cư xã Hoà Chính, huyện Chương Mỹ có đơn xin phép gửi cơ quan chức năng cho phép được chặt hạ cây sưa hàng trăm tỉ để cất giữ, bảo quản không để kẻ gian lấy trộm nhất là thời điểm Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang cận kề"- ông Sơn nói.
Ông Sơn cho biết, việc chặt hạ cây sưa dưới sự giám sát của cộng đồng dân cư, những cành sưa, thân cây sưa được chặt hạ đều được bảo quản cất vào trong một thùng container dưới sự giám sát của mọi người. Đến thời điểm hiện tại, cộng đồng cư dân xã Hoà Chính chưa thống nhất bán cho ai, cũng như chưa có mạnh thường quân nào trả giá mua cây sưa trị giá hàng trăm tỉ này.
Ông Sơn thông tin thêm: Việc chặt hạ cây sưa hàng trăm tỉ, cũng như đào gốc được bà con tiến hành từ sáng 27/1. Hiện công tác dọn cành, đào gốc cây dự kiến sẽ xong trong chiều muộn cùng ngày.
Theo ông Sơn, trong khuôn viên chùa Phụ Chính (xã Hòa Chính) có hai cây sưa đỏ.
Cây lớn từng được định giá hơn 100 tỷ đồng, được chia làm hai nhánh, nhánh thứ nhất cao hơn 7m, đường kính khoảng 50cm. Nhánh thứ hai đã bị cắt cụt cách phần gốc khoảng 1m. Ở vị trí bị cắt cụt có một lỗ mọt ăn sâu hơn 1m vào tâm thân cây. Cây này sau đó được người dân rào lại bằng hàng rào sắt để bảo vệ.
Cây còn lại cao khoảng 20m với tán lá tươi tốt nhưng phần thân cũng bắt đầu xuất hiện sâu, mọt. Cả hai cây này đều được xác định khoảng 130 năm tuổi.
Năm 2010, nhân dân thôn Phụ Chính xây dựng đình làng và bị thiếu kinh phí. Lúc đó, người dân đã bàn nhau cắt một cành sưa và bán được 21 tỷ đồng để bù đắp chi phí xây đình. Tuy nhiên, khi người mua là một chủ gỗ ở Bắc Ninh vừa vận chuyển ra khỏi làng thì bị công an giữ lại. Sau đó, cả cành sưa lẫn số tiền 21 tỷ đồng bị niêm phong.
Cuối năm 2013, lợi dụng đêm tối mưa bão, trộm đã đến cưa một trong hai nhánh lớn của cây sưa đỏ. Thời điểm đó, cơ quan chức năng xác định phần cây bị cưa trộm dài 2,3m, đường kính 50cm. Sau vụ trộm, để bảo vệ cây quý, dân làng dùng sắt bao quanh thân cây và lập ra đội bảo vệ với 10 người thay phiên canh chừng cả ngày lẫn đêm.
Đến tháng 5/2018, cơ quan chức năng đã tổ chức đấu giá lại khối gỗ sưa mà công an tịch thu khi trước và thu được gần 31 tỷ đồng. Số tiền trên đã được chuyển về địa phương để phục vụ tu sửa các công trình công cộng.
Nguyện vọng của người dân trong thôn là sớm được bán hai cây sưa nói trên và đã được chính quyền chấp thuận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận