Dự kiến giá trị thương mại trao đổi châu Phi - Trung Quốc lên 400 tỷ USD vào năm 2020 |
Trung Quốc thiết lập vị thế
Vượt qua Mỹ về thương mại với châu Phi vào năm 2009, Trung Quốc nhanh chóng thiết lập được một vị thế dẫn đầu nổi trội. Năm 2013, trao đổi thương mại của Mỹ với châu Phi chỉ đạt 85 tỷ USD, trong khi, với Trung Quốc là 200 tỷ USD. Tương tự, trong khi Mỹ dành chưa đầy 1% đầu tư nước ngoài (FDI) của mình cho châu Phi thì con số này của Trung Quốc ít nhất là 3,4% (phần lớn FDI của Trung Quốc không được công bố). Trong chuyến công du châu Phi mới đây, Thủ tướng Lý Khắc Cường hứa sẽ tăng gấp đôi giá trị thương mại trao đổi với châu Phi, lên 400 tỷ USD vào năm 2020, tăng gấp bốn lần FDI vào châu Phi, lên 100 tỷ USD vào năm 2020.
Trung Quốc coi châu Phi là nguồn đảm bảo nhu cầu ngày càng tăng của họ đối với tài nguyên thiên nhiên, đồng thời tăng xuất khẩu hàng hóa thành phẩm cho khu vực này. Đáng chú ý, châu Phi có vai trò đặc biệt đối với những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn dầu lửa của Trung Đông (hiện Trung Quốc nhập 1/3 nhu cầu về dầu lửa từ châu Phi). Nếu nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng ở mức hợp lý, Bắc Kinh sẽ tiếp tục tăng lượng dầu nhập khẩu từ châu lục này.
Về phần Mỹ, mặc dù có tới hơn 75% kim ngạch nhập khẩu của nước này từ châu Phi là các loại tài nguyên thiên nhiên, song nhu cầu thực tế của Mỹ đối với dầu lửa của châu Phi đã giảm mạnh. Chỉ riêng trong bốn năm qua, Mỹ đã cắt giảm tới 90% lượng dầu nhập khẩu từ khu vực này. Nếu vấn đề năng lượng từ đá phiến được giải quyết, Mỹ có thể sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu lửa từ châu Phi.
Đồng thời, giá trị trao đổi thương mại Mỹ - châu Phi đang có xu hướng giảm (năm 2011 là 125 tỷ USD, năm 2013 chỉ đạt 85 tỷ USD, 5 tháng đầu năm 2014 chỉ đạt 31 tỷ USD). Điều này cho thấy, khả năng Mỹ tăng gấp bốn lần giá trị thương mại với châu Phi trong 6 năm tới để có thể cạnh tranh với Trung Quốc, là chuyện viễn tưởng.
Công nhân Trung Quốc và công nhân bản địa thi công cầu trên tuyến đường cao tốc Nairobi - Thika (Kenya) |
Mỹ còn nhiều “mặt trận khác”
Mọi nỗ lực tăng cường ảnh hưởng tại châu Phi của Mỹ bị giới hạn do chính sách đối ngoại toàn cầu của họ đang mắc phải hội chứng “hoạt động thái quá”. Trước tiên, Mỹ vẫn bị ám ảnh bởi các vấn đề của Trung Đông và chủ nghĩa khủng bố. Cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đang diễn ra cho thấy, mặc dù ông Obama đã khó nhọc như thế nào để đưa nước Mỹ thoát khỏi Trung Đông, khu vực này đã dễ dàng lôi kéo Mỹ trở lại. Xét mức độ bất ổn mà khu vực này có thể phải đương đầu trong thời gian tới, có thể thấy rằng Mỹ có rất ít cơ hội để rũ bỏ nỗi ám ảnh này.
Tiếp đó, cuộc khủng hoảng Ukraine đang làm cho các nhà phân tích nói nhiều về khả năng Washington “xoay trục” sang châu Âu. Nhìn vào lịch trình ngoại giao của Mỹ, có thể thấy nước này sẽ dành sự chú ý hơn nữa đối với châu Âu, vượt xa sự chú ý mà nước này dành cho châu Phi. Đơn cử, trong năm nay, chỉ riêng với nước Pháp, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thăm tới sáu lần, với tổng thời gian dài hơn thời gian ông này thăm châu Phi trong năm 2013 - năm ông đến lục địa này nhiều nhất.
Ngoài Trung Đông và châu Âu, Mỹ dành gần hết nỗ lực và nguồn lực còn lại cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nói cách khác, Mỹ sẽ không thể có nhiều thời gian dành cho châu Phi. Tóm lại, Mỹ không thể cạnh tranh với Trung Quốc ở châu Phi. Rất “may” cho Mỹ, cuộc ganh đua Mỹ - Trung Quốc không được quyết định ở châu Phi, khu vực này là nơi mà các lợi ích của hai cường quốc hàng đầu thế giới không triệt tiêu lẫn nhau.
Đăng Song
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận