Theo thống kê của Phòng CSGT tỉnh Hòa Bình, từ ngày 1/1 đến ngày 4/2/2020, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã xử lý 61 trường hợp mô tô vi phạm nồng độ cồn, trong đó vi phạm ở mức vượt 0,4mg/lít khí thở có tới 32 trường hợp. Tuy nhiên, nhiều địa phương của tỉnh Hòa Bình không có báo cáo số liệu công tác kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2020 về Công an tỉnh..
Cụ thể, từ ngày 1/1 - 15/1, chỉ có các lực lượng CSGT của Trạm CSGT QL 6, đường Hồ Chí Minh, tuần tra cơ động (thuộc Phòng CSGT Hòa Bình); huyện Cao Phong, huyện Kim Bôi, huyện Mai Châu gửi báo cáo số liệu xử lý nồng độ cồn với tổng 17 trường hợp.
Từ ngày 15/1 - 22/1, chỉ có các lực lượng CSGT của Trạm CSGT QL 6, đường Hồ Chí Minh, tuần tra cơ động (thuộc Phòng CSGT Hòa Bình) và huyện Cao Phong gửi báo cáo số liệu xử lý nồng độ cồn với tổng 6 trường hợp.
Đáng lưu ý, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý từ ngày 23/1 đến nay (tức ngày 4/2) chỉ có lực lượng CSGT của Trạm QL6, đường Hồ Chí Minh, tuần tra cơ động (Phòng CSGT Hòa Bình), huyện Mai Châu, huyện Tân Lạc, huyện Kim Bôi, huyện Lương Sơn có số liệu kiểm soát, xử lý nồng độ cồn.
Một chỉ huy Đội xử lý thuộc Phòng CSGT tỉnh Hòa Bình cho biết, theo quy định đối với công tác kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông về nồng độ cồn, lực lượng CSGT các địa phương phải cập nhật, báo cáo hàng ngày về Công an tỉnh. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, công an các huyện như: Đà Bắc, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Yên Thủy và TP. Hòa Bình không có số liệu báo cáo kiểm soát, xử lý nồng độ cồn trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Chiều 4/2, trao đổi với PV Báo Giao thông, Trung tá Trịnh Hồng Hải, Đội trưởng Đội CSGT TP. Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) thừa nhận dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán Canh Tý, lực lượng CSGT thành phố không thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn do có nhiều vấn đề.
"Những ngày Tết, Đội không xử lý vi phạm nồng độ cồn vì phải tập trung bảo đảm trật tự đô thị, đường thông hè thoáng. Đợt vừa rồi cũng có dịch cúm nên cũng cân nhắc không làm", Trung tá Hải lý giải.
Cũng theo lời Đội trưởng Đội CSGT TP. Hòa Bình, trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, lực lượng này đã xử lý 4 trường hợp xe máy vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê từ Phòng CSGT tỉnh Hòa Bình thì từ khi Nghị định 100 có hiệu lực (1/1/2020) và dịp trong, sau Tết Nguyên đán Công an TP. Hòa Bình và một số huyện khác không có báo cáo số liệu kiểm tra, xử lý nồng độ cồn.
Liệu đây có phải sự buông lỏng và thiếu trách nhiệm của lực lượng CSGT ở một số địa phương của tỉnh Hòa Bình khi mà Cục CSGT (Bộ Công an) đã có yêu cầu lãnh đạo các Phòng CSGT các tỉnh, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo với tinh thần cao nhất trong dịp nghỉ Tết, đặc biệt là thường xuyên kiểm tra về nồng độ cồn, xử lý nghiêm các “ma men” sau tay lái.
Theo đó, lực lượng CSGT cấp tỉnh và cấp huyện phải đảm bảo tối đa lực lượng, phương tiện để thực hiện, túc trực, đảm bảo điều tiết và kiểm soát giao thông. Đồng thời, tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh, thành phố huy động lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự, Công an cơ sở… tiến hành thường xuyên, liên tục kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển ô tô, mô tô trên tất cả các tuyến giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhất là trong 7 ngày nghỉ Tết.
Cục CSGT cũng yêu cầu lực lượng CSGT, các đơn vị địa phương cần chủ động thông tin, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để đẩy mạnh tuyên truyền các quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, nhất là việc xử lý hành vi vi phạm về nồng độ cồn, để dư luận tiếp tục đồng thuận và hỗ trợ lực lượng CSGT thi hành nhiệm vụ.
Được biết, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 (tính từ ngày 28 - 5/1 âm lịch), trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã xảy ra 2 vụ TNGT tại các huyện Kim Bôi và Lạc Thủy. Hậu quả làm 2 người chết, 4 người bị thương. So với cùng kỳ dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, giảm 1 vụ, bằng số người chết, tăng 2 người bị thương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận