Trường hợp tiến hành tổ chức giải theo hình thức này, đâu sẽ là mặt lợi và đâu là mặt hại?
Mỗi người một ý
Ngày mai (31/3), Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) sẽ tổ chức họp trực tuyến với đại diện 14 đội bóng tham dự V-League 2020 để bàn về kế hoạch tổ chức giải đấu trong giai đoạn tiếp theo.
Trước đó, VPF đã đề xuất phương án tổ chức giải tập trung ở 7 sân bóng phía Bắc gồm: Thanh Hóa, Hàng Đẫy, Lạch Tray, Cẩm Phả, PVF, Mỹ Đình, Thiên Trường. 14 CLB được chia làm 3 nhóm, luân phiên thi đấu. Về mặt thời gian, có hai mốc là từ 15/4 và từ 1/5. Tuy nhiên, rất khó để cuộc họp trên tìm được tiếng nói chung bởi bản thân đề xuất của VPF ngay từ đầu đã gây ra tranh cãi.
Chủ tịch CLB TP HCM Nguyễn Hữu Thắng cho rằng, thời điểm này không phù hợp để bàn về tổ chức giải. “Chúng ta cùng chung tay lo chống dịch trước, dịch tan rồi bàn tính cũng chưa muộn. Câu chuyện hoãn giải là của cả thế giới chứ đâu riêng Việt Nam, tốt nhất chúng ta nên chờ đợi. CLB TP HCM vì thế chưa thể đưa ra ý kiến là tán đồng hay phản đối đề xuất của VPF”, ông Thắng nói.
Về phần mình, ông Đỗ Vinh Quang, Chủ tịch CLB Hà Nội nhấn mạnh: “Ở thời điểm hiện tại, việc tổ chức thi đấu V-League như thế nào, với hình thức ra sao không phải là điều quan trọng. Quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho cầu thủ, quan chức, các bộ phận tổ chức thi đấu. Không ai có thể khẳng định mọi thứ chắc chắn an toàn”.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Tấn Anh, Giám đốc điều hành CLB HAGL nói: “HAGL đương nhiên sẽ hợp tác với Ban Điều hành giải để tổ chức các trận đấu nhưng với điều kiện là dịch bệnh phải được đẩy lùi, nhà nước cho phép các hoạt động thể thao diễn ra. Hiện tại, chúng tôi sẽ không bình luận gì thêm”. Tương tự, đại diện Becamex Bình Dương, Sài Gòn FC cũng chưa muốn lên kế hoạch tổ chức các trận đấu tại V-League vào thời điểm này.
Chủ tịch CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh khẳng định, trong điều kiện dịch cơ bản được khống chế, các cơ quan quản lý nhà nước đồng ý cho tổ chức giải thì đề xuất của VPF là hợp lý: “Làm theo phương án này sẽ hạn chế tối đa việc di chuyển giữa các địa phương, đặc biệt là hình thức di chuyển bằng máy bay có nguy cơ lây nhiễm cao”.
Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh Phạm Thanh Hùng cũng ủng hộ phương án VPF đưa ra và tuyên bố sẵn sàng chấp hành mọi sự sắp xếp của VPF, VFF: “Rõ ràng trong điều kiện hiện tại thì giải không thể diễn ra theo cách bình thường. Theo ý hiểu của tôi, khi nào dịch bệnh lắng xuống, nhiều hoạt động của xã hội sẽ trở lại nhưng vẫn phải đảm bảo những nguyên tắc an toàn. Như vậy, đề xuất của VPF vừa giúp giải không phá sản, vừa giúp các CLB giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho các thành viên”.
Trước các ý kiến trên, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VPF cho hay, có 2 vấn đề cần nói rõ. Thứ nhất, VPF không ép các CLB phải đá từ 15/4 hay 1/5. Đó chỉ là phương án dự kiến, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến bất lợi thì khi đó tiếp tục điều chỉnh. “Dẫu sao chúng ta phải có kế hoạch chuẩn bị, tránh rơi vào tình trạng thụ động, đảm bảo giải vận hành được ngay sau khi được bật đèn xanh để tổ chức”, ông Tú phân trần. Thứ hai, theo ông Tú, bất kể phương án nào, nếu không nhận được sự đồng thuận của đa số các đội bóng thì VPF sẽ không triển khai.
Không ai muốn chịu thiệt
Đặt giả thuyết dịch Covid-19 cơ bản bị khống chế, lượt đi V-League 2020 được tổ chức theo đề xuất của VPF thì lợi và hại sẽ ra sao? Theo ông Nguyễn Hồng Thanh, Chủ tịch CLB SLNA, ngoài việc giảm nguy cơ lây nhiễm, các CLB không phải di chuyển xa nên cầu thủ nhanh hồi phục, có thể thi đấu mật độ dày hơn, giúp kế hoạch không bị đảo lộn quá nhiều. Tuy nhiên, sẽ có tình trạng các CLB phía Nam chịu thiệt thòi. Họ không được chơi trên sân quen thuộc, chi phí thuê khách sạn, ăn ở dài ngày sẽ tốn kém.
Đây cũng là băn khoăn của ông Lê Hồng Cường, Tổng giám đốc CLB Becamex Bình Dương khi đề cập tới việc tổ chức giải tập trung ở phía Bắc: “Ở địa phương, thi đấu sân nhà chúng tôi chủ động chi phí cho cầu thủ. Tuy nhiên di chuyển ra Bắc, tiền ăn ở khách sạn ai lo, tất cả chúng tôi đều bị động”. Ông Cường cũng nêu ý kiến, VFF nên đề xuất để Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) hoãn tổ chức AFF Cup 2020. “Nếu AFF Cup 2020 lùi sang năm 2021, đội tuyển quốc gia sẽ chỉ còn thi đấu 3 trận vòng loại World Cup vào cuối năm và V-League có thể không quá áp lực trong việc phải đảm bảo đúng tiến độ”, ông Cường nói.
Trong khi đó, HLV Triệu Quang Hà đánh giá, việc không được thi đấu sân nhà còn khiến các CLB miền Trung, miền Nam mất nguồn thu từ bảng biển quảng cáo ở các trận đấu. Ngược lại, những CLB được chọn sân nhà như: Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh lại hưởng lợi lớn, tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Bản thân Ban Tổ chức cũng ít tốn kém hơn.
“Vướng mắc ở đây chính là không ai muốn chịu thiệt về mình. Theo tôi, nếu tình hình dịch bệnh cơ bản được khống chế thì cứ đá ở các địa phương nhưng Ban Tổ chức nên thay đổi lịch để mỗi đội có 2 trận sân nhà hoặc 2 trận sân khách liên tiếp. 2 trận sân khách phải ở hai địa phương gần nhau. Tuy nhiên, việc bố trí như vậy cũng không dễ dàng”.
Về phần mình, ông Trần Anh Tú thừa nhận, bất kỳ phương án nào cũng có hai mặt, không thể đảm bảo quyền lợi của tất cả các đội bóng, chỉ có thể chọn phương án tối ưu nhất. “Chúng tôi cũng đã tính toán, nếu phương án đá ở 7 sân phía Bắc diễn ra, VPF sẽ hỗ trợ cho các đội bóng phía Nam phần nào đó về chi phí đi lại, ăn ở”, ông Tú nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận