Lý do “Nữ hoàng bầu trời” thất sủng
Theo thông báo mới nhất, tháng này, hãng hàng không Delta Air Lines cho “nghỉ hưu” những máy bay “Nữ hoàng bầu trời” Boeing 747 cuối cùng và để đánh dấu sự kiện này, hãng đã thực hiện một tour tạm biệt vòng quanh 6 thành phố bằng chính những chiếc phi cơ thương mại Boeing 747. Động thái của Delta Air Lines nối gót hãng hàng không United Airlines đưa máy bay Boeing 747 ra khỏi dàn máy bay của mình.
Dòng Boeing 747, lần đầu tiên cất cánh trên bầu trời vào đầu năm 1969, có thể chở tới 500 người, được thiết kế với những khoang hạng nhất sang trọng và chỗ ngồi của hành khách có thoải mái chỗ để chân.
Tuy nhiên, hiện nay, các hãng hàng không trên thế giới đang thay đổi chiến lược, họ ưu tiên các loại máy bay 2 động cơ nhỏ gọn vì tiêu thụ ít nhiên liệu hơn các loại 4 động cơ và có thể bay chặng đường rất xa.
Các hãng hàng không toàn cầu lớn có hệ thống tuyến khá phức tạp và với các tuyến ngắn, những dòng máy bay nhỏ sử dụng bay trong khu vực giống như các dòng tàu bay của Embraer thường phù hợp hơn là các loại máy bay Boeing 737 hoặc Airbus A320.
United Airlines đang mở chuyến bay gần 18 tiếng từ Houston đến Singapore sử dụng máy bay Boeing 787 hay còn được biết với cái tên Dreamliner. Trên thế giới, hãng hàng không British Airways thông báo kế hoạch trong mùa thu này cũng sẽ loại bỏ dần dần các máy bay Boeing 747-400 ra khỏi dàn máy bay tính đến đầu năm 2020.
Hiện nay, Boeing đang cũng chuyển dần sang xu hướng sản xuất máy bay nhỏ với thông tin đáng chú ý rằng họ đang đàm phán với nhà sản xuất Embraer của Brazil.
Thậm chí, có cả thông tin tiết lộ, hãng bay của Mỹ sẽ mua lại Embraer nhưng Chính phủ Brazil cực lực bác bỏ. Tổng thống Brazil Michel Temer cho biết, ông phản đối việc Boeing kiểm soát hãng sản xuất máy bay của Mỹ La-tinh nhưng ông mở cửa cho các công ty nước ngoài rót vốn.
Embraer được biết là hãng chuyên sản xuất máy bay khu vực với số ghế chưa đến 130. Giá trị sản xuất của dòng máy bay cỡ nhỏ cao nhất là 7,1 tỉ USD trong năm nay và Embraer chiếm hơn 45% trong số đó, theo công ty phân tích hàng không vũ trụ Teal Group. Cổ phiếu của Embraer có thể tăng đến 56% tính đến năm 2020, Teal Group dự đoán.
Sở dĩ nhà sản xuất máy bay của Mỹ dốc sức vào dòng máy bay nhỏ vì “đây vốn là lỗ hổng trong các dòng sản phẩm của Boeing. “Trước nay họ chủ yếu tập trung vào phân khúc máy bay lớn”, ông Jeff Windau, một nhà phân tích công nghiệp tại công ty dịch vụ tài chính Edward Jones nhận định.
Như vậy, Liên minh Boeing - Embraer có thể tạo cơ hội cho hãng sản xuất có trụ sở tại Chicago một nền tảng vững chắc để bán các loại máy bay khu vực vào thị trường Trung Quốc. Song, với xu hướng này, một tin không mấy vui cho hành khách đó là những loại máy bay nhỏ không có nhiều không gian để chân như các loại máy bay lớn.
Airbus cũng không nằm ngoài cuộc
Không chỉ Boeing, Airbus cũng chứng kiến sự quay lưng của các hãng bay với dòng A380 vì xu hướng ưa chuộng các loại máy bay hiệu quả nhiên liệu và nhỏ hơn.
Tập đoàn hàng không vũ trụ khổng lồ của châu Âu Airbus là đối thủ của Boeing và cạnh tranh với thương hiệu của Mỹ trên mọi phân khúc máy bay từ loại một lối đi đến thân rộng có thể chứa tới 400 khách.
Do đó, với xu hướng mới, hãng sản xuất có trụ sở tại Toulouse, Pháp cũng không thể nằm ngoài. Họ đang thực sự đào sâu vào thị trường máy bay nhỏ. Tháng 10 này, hãng đã chạy đua để nắm giữ số cổ phần lớn trong chương trình sản xuất máy bay C-series 100 chỗ đang gặp khó khăn của hãng Bombardier (Canada).
Delta đã đồng ý mua ít nhất 75 chiếc máy bay loại C-series của Bombardier hồi năm ngoái. Lúc đó, Boeing đã tức giận và chỉ trích hãng sản xuất của Canada đã hạ giá máy bay và sử dụng trợ cấp của chính phủ.
Đó chính là lý do, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý áp thuế gần 300% đối với dòng máy bay này. Delta vẫn chưa nhận hàng nhưng với mức thuế đó, Delta có thể sẽ rất khó khăn để thanh toán lô hàng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận