Không cạnh tranh được phim bom tấn
Như một định mệnh, bộ phim "Sáng đèn" của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường, kịch bản nữ soạn giả cải lương Tô Thiên Kiều cũng có số phận long đong như chính gánh hát cải lương Viễn Phương trong phim.
Phim khởi chiếu mùng 1 tết Âm lịch (ngày 10/2/2024), được 2 ngày thì rút khỏi rạp do áp lực từ việc bộ phim "Mai" của Trấn Thành phủ sóng mọi suất chiếu. Khi ấy, doanh thu phim mới gần 700 triệu đồng.
Ngày 22/3, phim được tái công chiếu nhưng doanh thu cũng không khả quan bởi bị kẹt giữa toàn phim bom tấn nước ngoài như "Dune" phần 2, "Quật mộ trùng ma", "Kung Fu Panda 4", suất chiếu ít ỏi.
Sáng Đèn là một bộ phim rất đáng xem. Đây là một tác phẩm điện ảnh kết hợp với sân khấu cải lương mê đắm. Coi Sáng đèn rồi càng yêu cải lương hơn.
TS Đặng Ngọc Ngận
Ở miền Tây Nam Bộ, cái nôi của cải lương với lượng khán giả tiềm năng, những nhà phát hành phim như CGV Cinemas, Galaxy, Cinestar… cũng chỉ dành các rạp mỗi ngày một suất, thậm chí có rạp còn không chiếu suất nào. Cho đến nay, trên toàn quốc, "Sáng đèn" mới có hơn 400 suất chiếu, đạt doanh thu 2,5 tỷ đồng (theo số liệu của The Box Office Vietnam, đơn vị quan sát phòng vé độc lập).
Trên Momo, bộ phim được đánh giá đến 9,5 điểm với nhiều lời khen. Ở các hội nhóm phim điện ảnh, nhiều khán giả cũng tỏ ý thích thú. Điều đó cho thấy dòng phim về văn hóa truyền thống, cụ thể ở đây là nghệ thuật cải lương Nam Bộ vẫn được lòng một bộ phận khán giả.
Rõ ràng, doanh thu thấp không phản ánh chất lượng nội dung phim. Phim ra rạp không hợp thời điểm khi phải chia thị phần lớn cho những bộ phim bom tấn chiếu cùng. Nhưng cũng phải nói đến chiến lược quảng bá truyền thông của "Sáng đèn" chưa thật hiệu quả so với nhiều bộ phim Việt khác.
Mặt khác, khi khán giả trẻ vẫn là lực lượng người xem lớn nhất của các rạp phim, đối tượng trung niên yêu thích nghệ thuật cải lương lại ít được chú ý. Cũng ít có những hoạt động ngoài lề để gây tiếng vang cho bộ phim. Điều này khiến "Sáng đèn" không được hưởng hiệu ứng từ mạng xã hội với những người trẻ như trường hợp phim "Đào, phở và piano".
Nhiều điểm cộng
Đạo diễn Hoàng Tuấn Cường đã làm một bộ phim mang đậm chất sân khấu, đưa rất nhiều diễn viên cải lương ngoài đời vào nhập vai trong phim. Lấy bối cảnh thập niên 90 của thế kỷ XX, khi nghệ thuật cải lương thăng trầm dâu bể, qua số phận của những nghệ sĩ trong gánh hát Viễn Phương, bộ phim cho thấy được ngọn lửa yêu nghề, tình cảm của khán giả cùng với sự tri ân những ân tình của người hâm mộ.
Gánh cải lương có ông bầu (Hữu Châu đóng), có cặp đào kép chánh Thanh Kim Yến (Lê Phương đóng) – Vũ Lâm (Cao Minh Đạt đóng); có cô đào trẻ đang lên Kiều Trúc Linh (Trúc Mây đóng), cô đào mụ kiêm đầu bếp má Hai; Cùng đó, là hai cây hài Như Lệ Thủy, Tựa Minh Vương và hai cha con ông thầy đờn Cảnh Sơn và kép trẻ Cảnh Thanh (Bạch Công Khanh đóng)… Ngay tên của các nhân vật cũng mang màu sắc tên tuổi các nghệ sĩ cải lương ngoài đời thật (Lệ Thủy, Minh Vương, Thanh Kim Huệ, Vũ Linh…).
Bộ phim tái hiện lại hình ảnh gánh cải lương của nhiều thập kỷ trước khi họ thường lưu diễn nay đây mai đó khắp nơi ở các địa điểm công cộng như sân đình, chùa, chợ… với những sinh hoạt hậu trường diễn ra ngay tại chỗ. Quá trình cùng nhau di chuyển, tập tành, sinh hoạt sống chung khiến những thành viên của gánh hát coi nhau như người nhà, chia sẻ khó khăn cũng như mọi niềm vui, hạnh phúc.
Khi cải lương thoái trào, gánh hát Viễn Phương cũng phải thay đổi để tìm cách tồn tại, từ diễn trích đoạn cải lương đến trình diễn xiếc, tấu hài, ca nhạc… trở thành một gánh tạp kỹ với đủ mọi chuyện vui buồn, hài hước, xúc động.
Nhưng mọi cố gắng đều vô vọng và gánh hát đành mỗi người một ngả, 6 năm sau họ mới gặp lại nhau. Có thể xem đây là một hình thức lồng ghép thú vị, một dạng sân khấu trong phim. Hình thức này tuy không mới song thường mang lại những hiệu ứng tạo nên cảm xúc cho khán giả.
Dấu ấn của sự dấn thân
Câu chuyện trong phim diễn ra trong một không khí trầm buồn, dễ lấy nước mắt. Đó là nỗi lòng của kép chính Vũ Lâm và cô đào trẻ Kiều Trúc Linh khi phải đổi tình lấy tiền để cứu gánh hát đang suy tàn. Đó là nỗi day dứt khi kép trẻ Cảnh Thanh phải đi vác gạo thuê để kiếm sống, cô đào chính Thanh Kim Yến đi đánh bóng bàn ghế…
Song những mảng miếng hài hước được đan xen khá duyên dáng khiến khán giả không bị chìm trong cảm giác bi lụy.
Nhịp phim chậm rãi, vừa phải, với ai không quen có thể xem là hơi lê thê, song lại hợp với một bộ phim về hậu trường sân khấu. Bối cảnh và hiệu ứng âm thanh bị một số ý kiến trên báo chê là chưa điện ảnh, nhưng thật ra đó mới là phù hợp với dòng phim lồng ghép thể loại. Các trích đoạn cải lương diễn ra trong thời lượng vừa phải, không gây cảm giác ngao ngán. Có thể phần kết còn hơi dễ dãi nhưng sự có hậu của nó lại làm mát lòng khán giả.
Diễn xuất của các diễn viên có thể nói là "diễn mà như không diễn" bởi vì phần nhiều họ nhập vai của chính họ ngoài đời. Một số lỗi về đạo cụ, xe cộ hay diễn viên quần chúng còn quá ít, hơi lèo tèo, được khán giả ưu ái bỏ qua bởi vì ý nghĩa của bộ phim.
TS Đặng Ngọc Ngận (Đại học Sư phạm TP.HCM), người làm luận án tiến sĩ về nghệ thuật cải lương kêu gọi sinh viên, đồng nghiệp đi xem "Sáng đèn".
Ông cho biết: "Thập niên 90 trong thực tế là thập niên mà cải lương lụi tàn và tồn tại chủ yếu dưới hình thức các băng cải lương video. Thậm chí, quá trình thoái trào đó kéo dài cho đến tận ngày nay, cho dù đã có nhiều hình thức để tìm cách vực dậy, từ việc diễn vở mới, mở các cuộc thi kiểu như "Chuông vàng vọng cổ" hay diễn lại các vở cải lương kinh điển và phát trên truyền hình".
Ông Ngận cũng cho rằng, "Sáng đèn" thể hiện một hiện thực rất chân thật và gần gũi. Bộ phim cũng được trau chuốt khá kỹ lưỡng trong nhiều cảnh quay, chứng tỏ sự chỉn chu cũng như khát khao muốn đề cao, tôn vinh nghệ thuật cải lương của những người làm phim.
Mặt khác, dấn thân với một đề tài khó mà ăn khách trong khi thị hiếu khán giả ở Việt Nam dường như không tuân theo một quy luật nào, cũng là một thách thức đối với những người làm phim.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận