Ông Nguyễn Trí Dũng, Tổng giám đốc FUTA Bus Lines |
Báo Giao thông phỏng vấn ông Nguyễn Trí Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Xe khách Phương Trang (FUTA Bus Lines) xung quanh quyết định đầu tư táo bạo này.
Sàn thương mại điện tử VATO sẽ hoạt động thế nào?
Vivu đã từng có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 2016 nhưng không phát triển. Vậy lý do gì FUTA Bus Lines mạnh tay chi cả trăm triệu USD vào Vivu và đổi tên ứng dụng này thành VATO, thưa ông?
Vivu là một DN mới khởi nghiệp của một nhóm các kỹ sư công nghệ thông tin, với sản phẩm là phần mềm gọi xe Vivu. Vì thiếu nguồn vốn, số lượng người hạn chế khiến Vivu không thể triển khai như tiềm năng vốn có.
Trong khi Phương Trang là một doanh nghiệp vận tải có bề dày lịch sử từ lâu đã ấp ủ tạo ra một sản phẩm made in Việt Nam. Cái chúng tôi hướng đến là tạo ra một hệ sinh thái thương mại điện tử có thể kết nối giữa doanh nghiệp với nhau. Theo dự kiến ban đầu, VATO sẽ ra mắt vào tháng 5. Tuy nhiên, việc Uber rút lui khỏi thị trường cũng là một trong các cơ hội cho doanh nghiệp trong nước phát triển.
Vậy thương mại điện tử VATO sẽ thế nào?
VATO không chỉ là một ứng dụng gọi xe thông thường, mà chúng tôi tạo ra phần mềm VATO với một hệ sinh thái gồm nhiều tính năng. Hay nói cách khác, VATO là một sàn giao dịch thương mại điện tử với nhiều sản phẩm hàng hóa dịch vụ hoạt động giao dịch trên sàn gồm: Dịch vụ gọi xe (taxi); đặt vé (khách đi tuyến cố định); đặt xe (xe du lịch, xe hợp đồng); vận tải hàng hóa (xe tải, chuyển phát); xe ôm (motorbike).
Số lượng khách hàng tham gia VATO tăng vọt Theo ông Trần Thành Nam, nhà sáng lập ứng dụng Vivu, nhà điều hành VATO cho hay, chỉ sau một ngày thông tin Uber rút lui chính thức được công bố, số lượt tải ứng dụng Vivu đã tăng vọt, đạt 200 lượt, gấp đôi mức đỉnh của thời kỳ trước đó. Việc gọi xe qua ứng dụng Vivu trước mắt sẽ được thử nghiệm tại TP HCM. Và trong một tuần gần nhất, chỉ tính riêng tại TP HCM lượng cài đặt lên tới 5.000 người và khoảng hơn 1.000 tài xế đăng ký tham gia vào Vivu. |
Sàn sẽ hoạt động trên cơ sở: Toàn bộ các DN kinh doanh vận tải nói chung đều tham gia mua hoặc bán sản phẩm dịch vụ liên quan đến vận tải. Tạo sự kết nối và là tiền đề cho hoạt động sản phẩm dịch vụ phát triển trong giai đoạn tiếp theo: Bán hàng trên kênh online và offline; dịch vụ giao hàng, chuyển phát nhanh. Và tiến tới thúc đẩy nhanh việc hoàn thiện và đăng ký ví điện tử VATO.
Cơ sở để VATO phát triển là có hệ sinh thái của Phương Trang bởi hiện nay đã có sẵn gần 6.000 cán bộ, nhân viên đang làm việc và hơn 2.000 đầu xe, trung bình từ 1.500 chuyến xe mỗi ngày trải dài gần như khắp cả nước.
‘’Riêng trong năm 2017 sản lượng chúng tôi đạt hơn 12 triệu hành khách liên tỉnh, chưa tính lượng hành khách vận tải nội thành hoặc taxi... Chưa kể Phương Trang còn có hệ thống mạng lưới chuyển phát nhanh và hệ thống trạm dừng chân hiện đại… Tất cả những thuận lợi này sẽ tạo đà cho VATO phát triển giúp tối ưu hoá dịch vụ cho người sử dụng. Chẳng hạn như khi sử dụng ví điện tử VATO, khách hàng không chỉ dừng lại ở chỗ tích điểm mà còn có thể mua vé đi lại, mua sắm tại các cửa hàng VATO, các trạm dừng chân, đi taxi và trả tiền chuyển phát nhanh… Và những ai dùng vé điện tử này sẽ được giảm từ 5-10% tuỳ theo chính sách của từng thời kỳ. Ngoài ra, với tính công khai minh bạch của sàn giao dịch thương mại điện tử, VATO sẽ giúp khách hàng có quyền lựa chọn dịch vụ rẻ nhất, tốt nhất.
Chỉ tính riêng sản lượng mà Vivu đã sẵn có và Data với lượng khách đang sử dụng dịch vụ của Phương Trang, chúng tôi đã có sẵn khoảng 6 triệu lượt khách.
Ứng dụng VATO có thể kết nối với cả hãng taxi truyền thống |
VATO giúp “bù” chiều rỗng cho doanh nghiệp vận tải
Như ông nói, VATO không chỉ dành riêng cho Phương Trang mà các hãng vận tải khác cũng có thể sử dụng một cách hiệu quả?
Đúng vậy! Ứng dụng này sẽ cung cấp miễn phí cho các công ty taxi, phí chỉ được thu khi có khách hàng đặt xe qua ứng dụng. Nghĩa là một chiếc xe sẽ được sử dụng song song giữa hai hình thức taxi công nghệ và taxi truyền thống. Hiện nay có nhiều app (ứng dụng) gọi xe trên thị trường, nhưng cách làm rất manh mún nhỏ lẻ, không thể cạnh tranh với Uber hay Grab. Nhưng trên ứng dụng VATO, khách hàng có thể gọi được xe của từng hãng riêng biệt. Công ty taxi dùng app VATO nhưng cũng giống như app cá nhân của họ, chỉ là khách hàng khắp nơi.
Song song đó, app VATO sẽ giúp khách hàng bù được chiều rỗng… Chẳng hạn, một tài xế chở khách đi từ TP.HCM - Tiền Giang, chiều ngược lại thường không có lượng khách ổn định. Nếu sử dụng ứng dụng này, họ có thể tìm được khách hàng đang có nhu cầu sử dụng xe từ Tiền Giang - TP.HCM. Giá khách hàng đi chiều rỗng có thể tính theo cuốc sẽ tiết kiệm chi phí và hãng taxi đó bù khoản chi phí xăng xe...
Hiện nay, khoản tiền thuế mà Uber nợ Cục thuế TP.HCM vẫn chưa thể “đòi”. Vậy VATO có sự khác biệt gì trong nghĩa vụ đóng thuế, thưa ông?
Uber có hệ thống điều hành ở nước ngoài nên việc kiểm tra dữ liệu khách hàng rất khó khăn. Trong khi đó, VATO là của Việt Nam, mọi khách hàng đều có thể lên “sàn” giao dịch để lựa chọn dịch vụ. Người đặt taxi, người đặt xe tuyến cố định, người thuê xe hợp đồng, giao nhận hàng hoá… Mọi thứ rất rõ ràng, minh bạch nên chúng tôi đảm bảo không chỉ không thất thu thuế mà ngược lại còn thu không sót một đồng. Ngoài ra, chúng tôi cũng dự kiến sẽ triển khai phát hành hoá đơn điện tử cho các hành khách sử dụng VATO.
Có ý kiến cho rằng, trong nhiều lĩnh vực kinh doanh của Phương Trang, mảng taxi chưa thực sự phát triển, vậy tiền đâu mà đầu tư 100 triệu USD?
Chỉ tính mảng xe khách liên tỉnh, năm 2017, chúng tôi cũng hoàn thành tất cả các nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước lên tới hơn 300 tỷ đồng. Chưa kể lợi thế thị trường hiện hữu của mảng kinh doanh bất động sản và các mảng kinh doanh khác...
Trong khi đó 3 năm qua, mảng taxi không nằm trong chiến lược định hướng tập trung phát triển của FUTA vì chính sách quản lý vận tải còn một số bất cập, thị trường taxi biến động nhiều, thậm chí những ông lớn taxi như Vinasun, Mai Linh phải phòng thủ co cụm rất nhiều...
Với tiềm lực thực sự của FUTA và nhu cầu tất yếu của mảng thương mại điện tử, con số 100 triệu USD hoàn toàn không phải là nhiều.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận