ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) - Ảnh K.T |
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, chiều 25/10, Quốc hội (QH) thảo luận về Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; Báo cáo công tác của Viện trưởng VKSND tối cao; Báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao; Báo cáo về công tác thi hành án.
Theo ĐB Nguyễn Thị Khá, pháp luật ngày càng hoàn thiện nhưng thật đau lòng khi đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp, và người dân hiểu biết pháp luật còn mơ hồ. “Hai vợ chồng người em giết 2 vợ chồng người anh vì tranh giành miếng đất. Tại sao họ lại hiểu pháp luật đơn giản đến vậy, khi cho rằng chỉ cần giết người là được thừa hưởng đất? Bao hệ quả xảy ra từ những vụ như vậy, con cái đau khổ, lớn lên không ai chăm sóc. Có nhiều vụ đổ thừa trách nhiệm cho nhau, hỏi đến thì bảo “không biết”, nếu không ai hỏi đến là thôi. Tôi rất sợ cụm từ “không biết”, ĐB Khá bức xúc và đề nghị chính quyền nơi thường xuyên để xảy ra tội phạm nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm.
Còn ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (Bình Phước) thì dẫn lại “kỳ án vườn mít” và cho rằng, tình trạng thụ lý án kéo dài đang gây bức xúc trong dư luận. Trong vụ án này, đương sự Lê Bá Mai bị cáo buộc tội danh hiếp dâm trẻ em và giết người xảy ra năm 2004 tại xã An Khương, huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước và đã hai lần bị tuyên án tử hình, một lần tuyên vô tội và nay lại tuyên chung thân.
“Dư luận quan tâm tới vụ án này vô cùng bức xúc và đặt tên cho vụ án này là “Kỳ án vườn mít” bởi vì nó kéo dài quá lâu, tới 11 năm. Các mức án quá khác biệt, nhiều chi tiết kết tội chưa thực sự thuyết phục”, ông Hùng nói và đề nghị TAND tối cao xem xét lại bản án theo thẩm quyền của mình với tinh thần không bỏ lọt tội phạm, nhất thiết không để xảy ra oan sai, đặc biệt không vì sợ bồi thường trách nhiệm mà bỏ qua oan sai.
Sau khi tiếp tục dẫn chứng một vụ án khác, dù không phải phức tạp nhưng lại để quá dài, ĐB Nguyễn Mạnh Hùng kết luận, phải chăng những vụ án trên đây là hậu quả của sự thiếu tự tin về năng lực, bản lĩnh và sợ trách nhiệm bồi thường, vô cảm trước sinh mạng chính trị của người dân.
Cũng đề cập đến trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, việc bồi thường oan sai hiện nay vẫn còn hiện tượng đùn đẩy cho nhau, vô cảm với nỗi đau của dân, chưa thấy hết trách nhiệm của mình. Phải xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước không phải là tranh chấp dân sự, đó là trách nhiệm phải đứng ra giải quyết bồi thường cho dân vì cơ quan Nhà nước gây thiệt hại cho dân.
“Cách đây 20 năm, ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) bị xử phạt tù, đã ngồi tù 3 năm, sau đó được minh oan. Năm 2004 được minh oan, thì năm 2006 mới được xin lỗi. Việc bồi thường oan sai thực hiện từ năm 2004, nhưng đến nay sau 10 năm vẫn chưa xong. Đương sự thì phải chạy khắp nơi mà vẫn chưa có hồi âm. Chúng ta hô hào người dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, nhưng chính các cơ quan Nhà nước chưa làm được điều này”, ĐB tỉnh Thái Bình nói và cho rằng, điều này dễ khiến dân hoang mang, mất niềm tin vào cơ quan Nhà nước.
Trong khi đó, ĐB Đỗ Văn Đương (TP. HCM) lại đề cập đến một vấn đề nhức nhối trong cả nước nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng, đó là tình trạng tội phạm ma túy, gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Theo ông Đương, Luật Xử lý vi phạm hành chính lại đang làm khó cho việc đưa bệnh nhân đi cai nghiện bắt buộc. Từ ngày 1/1/2014, với những quy định mới, số người đi cai nghiện chính thức rất ít, riêng TP chưa đưa đi được trường hợp nào.
“Trong khi các trại giáo dưỡng thì vắng, mà người nghiện ngoài xã hội lại tràn ngập, gây nguy hiểm cho cộng đồng. Thủ tục trước đây đơn giản, nhanh gọn mà cũng không có mấy trường hợp oan sai. Bây giờ muốn đưa một người nghiện đi cai nghiện phải qua 5 cơ quan xem xét; rồi lại phải thông báo cho người nghiện và buộc phiên họp phải có mặt người nghiện, họ không đến là không làm gì được. Còn giao cho tổ chức xã hội quản lý là giao cho ai?”, ông Đương nêu ý kiến và cho rằng, đưa người nghiện đi cai nghiện là việc trị bệnh cứu người nên thủ tục phải nhanh gọn, nếu không ngăn chặn kịp thời, sang năm số người nghiện còn lớn hơn nhiều.
Trước đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban tư pháp cho rằng, năm 2015, Chính phủ phải tiếp tục chủ chủ động các giải pháp về phòng chống tội phạm, không để xảy ra các tình huống bị động bất ngờ. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thi hành án tử hình.
“Cần đánh giá đầy đủ các tỷ lệ tội phạm tăng-giảm, nguyên nhân. Chống bỏ lọt tội phạm, không để xảy ra nhục hình, không để án oan. Đẩy nhanh tiến độ rà soát các trường hợp có đơn kêu an, nhất là các án có tù trên 20 năm, chung thân, tử hình..”, báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Tiến Minh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận