Chiều 20/8, tại huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa), Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm công tác ứng phó mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 và giải pháp khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai khu vực miền núi.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, bản Sa Ná, xã Na Mèo (nằm ven suối Son) bắt nguồn từ thượng Lào. Độ cao lưu vực đo được ở điểm cao nhất là 1.722m (riêng tại bản Sa Ná là 1.600m). Cách thượng lưu bản Sa Ná 2,4km, suối Son bị co hẹp chênh 57m.
Thống kê cho thấy, tại bản Sa Ná có 74 hộ dân sinh sống và chủ yếu phân bổ ven dòng suối Son, có 1 nhà văn hóa kết hợp trú tránh mưa lũ cao so với lòng suối 10m. Do lưu vực lớn, độ dốc cao dẫn đến lũ tập trung nhanh dễ gây lũ quét, lòng suối Son bị co hẹp và mở rộng tạo ra nút thắt, nghẽn dòng tạo thành đập tự nhiên chính vì thế vào mùa mưa lũ, ở bản Sa Ná thường xuyên xuất hiện tình trạng ngập nước. Bên cạnh đó, trong thời gian ngắn từ 3-7h ngày 3/8, tại xã Na Mèo lượng mưa đạt trên 200mm, có nơi lên hơn 400mm nên khiến nước ở thượng nguồn tích trữ cao cộng thêm vỡ điểm tắc nghẽn.
Ông Vũ Văn Đạt - Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết: Thời điểm cảnh báo trước bão, Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã phân công thành viên xuống xã, xuống bản theo điểm cảnh báo thiên tai tại các vùng nguy cơ cao (Sạt lở, lũ ống, lũ quét và ngập úng cục bộ). Toàn huyện có 470 hộ/2075 khẩu trên 46 điểm nguy cơ cao của 13 xã, thị trấn, tổ chức sơ tán 74 hộ/325 khẩu tại các vùng trọng điểm. Rạng sáng ngày 3/8, bắt đầu mưa to (tại Na Mèo trên 400mm) kéo dài đến hết ngày 3/8. Tổ chức di dời khẩn cấp 10 hộ/41 khẩu tại vùng thường xuyên lũ ống, lũ quét.
"Tại thời điểm 7h40 phút, lũ đợt 1 xuất hiện tại suối Son chảy từ Lào qua bản Son - Sa Ná đổ về sông Luồng. Ngay sau lũ, từ khu sơ tán là Nhà văn hóa và các hộ trên cao, bà con trở lại dọn dẹp nhà cửa, một số đi nương, một số đi đánh cá. Đúng 8h, đợt lũ khủng khiếp thứ 2 tràn về chủ yếu là bùn loãng, cây cối tràn qua bản cuốn trôi Nhà văn hóa và 35 hộ dân; dân tình hoảng loạn, tháo chạy, tuy nhiên 14 người không chạy kịp đã bị lũ cuốn trôi", ông Đạt cho biết thêm.
Cũng theo ông Đạt, qua thống kê, trên địa bàn huyện có 7 người chết, 5 người bị thương; 6 người mất tích đang tìm kiếm, 44 ngôi nhà và toàn bộ tài sản xập, trôi hoàn toàn; 8 điểm trường trôi, xập và hư hại nặng; 2 nhà văn hóa bản bị lũ cuốn trôi... Tổng thiệt hại trên 120 tỷ đồng (chưa tính thiệt hại hệ thống giao thông do Trung ương và tỉnh quản lý). Trước mắt, huyên đang tập trung khắc phục hệ thống liên lạc, san lấp xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân có nhà cửa bị cuốn trôi. Đồng thời, phối hợp với lực lượng chức năng tìm kiếm những người mất tích.
Ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai cho biết, hiện cả nước có 100.000 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở. Số lượng các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm có dấu hiệu tăng lên do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Vì vậy, việc xây dựng các công trình dân cư, phòng chống lụt bão, đặc biệt ở khu vực miền núi cần được tính toán kỹ, hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra...
Trước mắt, các địa phương cần tập trung phải xây dựng lực lượng xung kích, đến năm 2020, các thôn, bản đều phải có. Đây là lực lượng rất quan trọng trong công tác phòng, chống và tham gia cứu hộ, cứu nạn khi mưa lũ xảy ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận