Ông Lê Nguyễn Phú Trường, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp (chủ đầu tư) cho biết, nhu cầu cát đắp nền của dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu là 2,25 triệu m3. Riêng năm 2023, dự án cần khoảng 562.000m3, và UBND tỉnh Đồng Tháp đã chấp thuận tạm điều chuyển 121.000m3 để phục vụ nhu cầu khẩn cấp cho công trình.
"UBND tỉnh Đồng Tháp đã giao ba mỏ cát cung ứng cho dự án nhưng đến nay chưa khai thác được (do chưa xong thủ tục - PV). Đoạn gia tải chưa có cát, làm chậm so với kế hoạch.
Ban đề nghị tổ điều phối cát tiếp tục chuyển cát từ nguồn khác để triển khai phần đường của dự án.
Bên cạnh đó, nhà thầu cần xây dựng lại tiến độ, đẩy nhanh thi công các công việc liên quan đến bê tông cốt thép để có khối lượng giải ngân", ông Trường cho biết thêm.
Theo các nhà thầu, khó khăn lớn nhất hiện nay là chậm nguồn cung cát. Điều này dẫn đến làm chậm tiến độ gia tải nền đường. Nếu các thủ tục suôn sẻ thì đầu năm 2024 có cát, chậm nhất tháng 7/2025 mới thi công đạt khối lượng theo yêu cầu.
Được biết, dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu dự án thành phần 1 thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp có chiều dài 16km, tổng mức đầu tư 3.640 tỷ đồng.
Dự án thành phần 1 có tổng cộng 16 gói thầu, đã lựa chọn nhà thầu cho 14 gói thầu, còn hai gói đang đấu thầu. Nhà thầu đã tổ chức thi công tại 12/19 cầu; hoàn thành 25/94 móng cọc, đang thi công 8/94 móng cọc và hoàn thành bê tông cốt thép 4/94 mố, trụ, đang thi công 6/94 mố, trụ.
Trong đó, dự án thành phần 1 có chiều dài 16km đi qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp, có tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 dài 11,4km nằm trên địa phận tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp với mức đầu tư trên 2.200 tỷ đồng.
Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc bốn làn xe. Mặt cắt ngang giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô bốn làn xe, với bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80km/h.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận